Bài toán IPO thiếu lời giải đúng
Năm 2007 là năm được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình cổ phần hoá DNNN: nhiều ông lớn dự kiến được IPO như VCB, MobiFone, BIDV, Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ... Nhưng kết thúc năm, chỉ có Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, VCB được IPO, cả ba đều không đạt kết quả như mong đợi. Vậy đâu là những tồn tại trong quá trình IPO, ai phải chịu trách nhiệm về những đợt IPO không thành công, gây ảnh hưởng xấu đến TTCK?
Bất cập của cơ quan quản lý
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, một loạt doanh nghiệp lớn tiến hành cổ phần hoá, giảm bớt tỷ lệ sở hữu của nhà nước.
Chủ trương đúng nhưng được thực hiện chậm, ngành nào cũng có lý lẽ và hướng đi riêng của mình. UBCK, cơ quan trực tiếp điều hành thị trường, dường như đã thành công, từ sự tăng trưởng nhanh của số lượng doanh nghiệp niêm yết, tỷ trọng vốn hoá thị trường/GDP lẫn số nhà đầu tư tham gia thị trường. Nhưng với việc VN-Index đang rời ngưỡng 800 điểm, mà nguyên nhân cơ bản được quy trách nhiệm cho các cuộc IPO Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt và đặc biệt là VCB, thì tình hình không sáng sủa đến mức ấy.
Các cơ quan quản lý dường chưa tìm được tiếng nói chung. Chính phủ muốn cổ phần hoá DNNN thành công, UBCK muốn thị trường phát triển, doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn, nhiều nhà đầu tư tham gia hơn… Nhưng đúng lúc thị trường có điều chỉnh giảm, NHNN ban hành Chỉ thị 03, yêu cầu đưa tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán về mức từ 3% trở xuống. Như một chiếc xe đang bon bon bỗng phanh gấp, VN-Index tiếp tục trượt dốc, nhà đầu tư lỗ nhiều hơn lãi, các ngân hàng thương mại bị buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, nguồn vốn hạn hẹp dẫn tới IPO nhiều doanh nghiệp không có người mua, thất bại.
Cơ quan thuế không đứng ngoài cuộc vì chỉ tiêu sức ép: năm sau thu luôn phải cao hơn năm trước. Với cam kết gia nhập WTO, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm, phải có nguồn thu khác bổ sung. Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập từ đầu tư chứng khoán đã được nhắm tới. Ngay sau đó, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời với mức thuế đánh vào những người đầu tư chứng khoán là 25%, tỷ lệ này sau nhiều lần tranh cãi được rút xuống 20%.
Doanh nghiệp và sự minh bạch thông tin
Những điểm đáng chú ý trong quá trình IPO các doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, VCB, Sabeco… là định giá doanh nghiệp, thông tin không rõ ràng về kết quả kinh doanh, việc sử dụng nguồn vốn thặng dư sau khi IPO.
Có một đặc điểm chung của khối DNNN khi IPO là, nhà đầu tư biết rất ít thông tin về các doanh nghiệp này, nội dung các bản cáo bạch không đầy đủ, rõ ràng, phần vốn thặng dư sau IPO không biết được giữ lại bao nhiêu... Nhà đầu tư khi đấu giá luôn trong tình trạng vừa đọc vừa đoán. Sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin lại chủ yếu xuất phát từ bản thân chính doanh nghiệp: điển hình như, che dấu thông tin về đối tác liên doanh, quyền sử dụng đất để một số lãnh đạo công ty Intimex trúng giá đấu, VCB đưa vào quỹ dự phòng quá cao, các khoản đầu tư tài chính thông tin chưa cụ thể…
Nhà ĐTNN
Đây là nhóm nhà đầu tư đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng tăng giảm của thị trường, nhất là ở sàn HOSE, khi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu trung bình của họ trên HOSE vào khoảng 30%. Số lượng quỹ không ngừng tăng lên với hơn 60 quỹ, số vốn đang nằm trong tài khoản chờ giải ngân lên tới hàng tỷ đô la. Trong con mắt nhà ĐTNN, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế cao. Điều này phần nào phản ánh trong chiến lược đầu tư của họ là chủ yếu dài hạn, lượng mua vào tính tổng thể, gấp nhiều lần lượng bán ra.
Danh mục đầu tư của khối này chủ yếu tập trung vào các tập đoàn lớn, tổng công ty tiềm năng, các ngân hàng quốc doanh cỡ bự đang chờ cổ phần hoá và IPO. Với kiểu đấu giá Hà Lan, nhà ĐTNN hầu như không thể (và không muốn) cạnh tranh về giá với các nhà đầu tư nội trong bối cảnh thị trường nóng như đầu năm 2007. Với nguồn tài chính mạnh mẽ, khối lượng nắm giữ cổ phiếu trên sàn lớn và mục đích phải giảm nhiệt thị trường niêm yết để mua IPO với giá thấp, việc tung ra một khối lượng lớn cổ phiếu với giá thấp, khối nhà ĐTNN đã thành công trong việc đẩy thị trường đi xuống. Nếu đi xa hơn, theo ý kiến cá nhân tác giả, không loại trừ khả năng nhà ĐTNN tiếp tục dùng chiêu bài này để đạt được mục đích dài hơn, như yêu cầu mở room hay thay đổi một số chính sách vĩ mô.
Đối trọng nào?
TTCK Việt Nam có ba thành phần tham gia chủ yếu là sở hữu nhà nước, ĐTNN và nhà đầu tư nội. Xét về vị thế, chỉ có khối sở hữu nhà nước, mà đại diện là SCIC là có khả năng và tiềm lực so với khối đầu tư ngoại để cán cân trên bàn cờ chứng khoán được cân bằng hơn. Cũng khá ngạc nhiên cách đây chừng một năm khi thị trường nóng, một lãnh đạo của SCIC lại trả lời "hồn nhiên" là, SCIC không hề có ý định khi thị trường nóng thì bơm hàng vào và ngược lại.
Nếu bạn là nhà sản xuất, trước khi tung một sản phẩm ra thị trường, bạn phải làm gì? Điều đầu tiên, có lẽ là phải nghiên cứu thị trường, đưa ra chiến lược marketing đúng đắn và tìm thời điểm thích hợp.
Thế nhưng các đợt IPO của một số "ông lớn" vừa qua thì sao? Giới thiệu sản phẩm sơ sài, che giấu ưu điểm, định giá cao... Kết cụ thể như thế nào thì chúng ta đã thấy. Nếu thấy sản phẩm của mình bị đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ có biện pháp hay mặc kệ cho đối thủ của mình muốn làm gì thì làm? Lý do mà bạn đưa ra để biện hộ, là giá vốn hàng của mình rẻ lắm, mình bán thế này cũng lời bao nhiêu lần rồi lo gì. Thật là nguy hiểm cho doanh nghiệp nào là đại lý bán hàng cho những ông chủ như vậy.
Với cổ đông sáng lập, bất kể nhà nước hay tư nhân nếu có tư tưởng mình bán bao nhiêu cũng lời, rồi không song hành cùng lợi ích đa số cổ đông thì chắc chắn sẽ thất bại. TTCK được xây dựng phần lớn bởi niềm tin và sự kỳ vọng, giá cổ phiếu được hình thành chủ yếu do các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua bán trên thị trường tạo ra, khi các đợt bán tháo xảy ra thì không dễ gì niềm tin được phục hồi một sớm một chiều.
Rõ ràng bây giờ chúng ta rất cần thị trường nóng lên mà không sao đẩy lên nổi. VN-Index tăng, có nghĩa giá trị doanh nghiệp tăng, nhà đầu tư có lãi, cổ đông nhà nước bán cổ phần giá cao, doanh nghiệp phát hành tăng vốn cũng thu được thặng dư vốn, nâng giá trị vốn chủ sở hữu. Nếu nhìn vào TTCK chỉ nhìn thấy những người đầu tư thua lỗ, liệu có ai muốn tham gia không?
Chúng ta đang có nền kinh tế tăng trưởng cao, các doanh nghiệp năng động, vậy cớ gì TTCK lại không phải là hàn thử biểu phản ánh nền kinh tế? Tất cả tuỳ thuộc vào chính sách quản lý cũng như việc thực hiện giám sát, để thị trường phát triển một cách lành mạnh ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
ĐTCK
|