Thứ Năm, 10/01/2008 14:30

Tăng vốn không còn là mục tiêu hàng đầu

Môi trường pháp lý vẫn tiếp tục là điểm nóng mà giới đầu tư chưa cảm nhận được sự chuyển biến rõ rệt trong vài năm qua.

Khác với năm 2007 khi các ngân hàng đua nhau xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong đó có cả mục đích lợi dụng thời cơ tốt để phát hành cổ phiếu với giá cao, bước sang năm 2008, tăng vốn không còn là mục tiêu của các ngân hàng. Hầu hết ngân hàng cho biết, để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra theo Nghị định 141/CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, họ đã tranh thủ điều chỉnh vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng trong thời gian cuối năm 2007. Một số ngân hàng chưa thực hiện được kế hoạch trên buộc phải chạy đua trong năm 2008. Tuy nhiên, theo đánh của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, trong bối cảnh TTCK nói chung và lĩnh vực nhà băng nói riêng đang ảm đạm thì việc phát hành thêm cổ phiếu ngân hàng sẽ khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, cho dù ngân hàng vẫn được xem là ngành tiềm năng trong tương lai.

Đại diện Ngân hàng Việt Á (VAB) cho biết, hiện kế hoạch tăng vốn lên 1.250 tỷ đồng đã được NHNN và UBCKNN chấp thuận. Tuy nhiên, trước mắt VAB chỉ mới hoàn tất được việc tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trong nước. VAB cũng cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất đàm phán bán cổ phần cho hai đối tác chiến lược trong nước, dự kiến sẽ công bố trong thời gian tới. Kế hoạch năm nay của VAB là tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu hàng đầu như những năm trước đây, vì so với tổng tài sản xấp xỉ 10.000 tỷ đồng hiện có thì tổng vốn điều lệ chiếm rất nhỏ. Mục đích tăng vốn điều lệ của VAB chủ yếu để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Có thể nói, so với cùng kỳ năm trước (một năm sôi động để lên kế hoạch cho việc tăng vốn) thì quý I/2008, kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay của nhiều ngân hàng có phần dè dặt hơn. Theo kế hoạch của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) trước đây, Ngân hàng sẽ tăng vốn từ 880 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2007 và tiếp tục gia tăng trong năm 2008. Thế nhưng, đến đầu năm 2008, vốn điều lệ của DongA Bank chỉ đạt 1.600 tỷ đồng. Một cán bộ cấp cao của DongA Bank cho biết, sẽ trình ĐHCĐ trong kỳ họp đại hội sắp tới về kế hoạch tăng vốn năm 2008. Theo đó, DongA Bank sẽ dùng nguồn thặng dư hiện có là 1.280 tỷ đồng để tăng vốn. Dự kiến, Ngân hàng sẽ tăng vốn lên 2.800 tỷ đồng, trong đó có cả việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Mục tiêu của DongA Bank trong năm 2008 là tiếp tục phát triển mạng lưới và đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, từ đó triển khai các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ cao. Còn về kế hoạch tăng vốn, nhiều khả năng DongA Bank sẽ thực hiện vào giai đoạn giữa hoặc cuối năm nay.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần có quy mô vốn lớn tại TP. HCM từng cho biết, sẽ tăng vốn điều lệ bình quân 15%/năm. Thế nhưng, khi được hỏi về kế hoạch tăng vốn trong năm 2008, ông tỏ ra rất dè dặt và cho biết, chưa tính đến phương án tăng thêm vốn điều lệ trong năm nay.

Theo Nghị định 141, các ngân hàng thương mại cổ phần và liên doanh đến cuối năm 2008 phải đạt mức vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2010, tất cả các ngân hàng thương mại phải có vốn tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, nếu không sẽ chịu các biện pháp xử lý, kể cả thu hồi giấy phép hoạt động.

Nhìn chung, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng hiện đã đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít nhà băng có vốn điều lệ đạt dưới mức quy định và kế hoạch tăng vốn trong năm 2007 đã được thay đổi hoặc hoãn sang năm nay. Một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng cổ phần ngại tăng vốn trong bối cảnh hiện nay là giá cổ phiếu nhà băng hiện đã giảm xuống gần bằng với mức xuất phát khi bắt đầu tăng nóng. Phát hành thêm cổ phiếu sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, vì không được nhà đầu tư hưởng ứng mạnh. Thực tế, trong những tháng cuối năm 2007, các ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu để hoàn tất kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ thông qua trước đó, dẫn đến thị trường bị “bội thực”, giá cổ phiếu ngân hàng càng ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu ngân hàng không còn mặn mà bỏ thêm tiền mua cổ phiếu, dù với giá ưu đãi, khi nhà băng đó phát hành thêm. Mặt khác, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn sẽ tạo ra áp lực về cổ tức. Chính vì thế, gần đây một số ngân hàng đã chọn phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, với thời gian chuyển đổi kéo dài từ 1 - 5 năm.      

ĐTCK

Các tin tức khác

>   2010: CPH xong toàn bộ 104 Tổng Cty Nhà nước (10/01/2008)

>   CTCP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái có sản phẩm trên thị trường vào cuối tháng 1/2008 (09/01/2008)

>   PVI đoạt giải Ngôi sao Kinh doanh (09/01/2008)

>   Thông tin chấp thuận niêm yết cho CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (09/01/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP GENTRACO (09/01/2008)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu cho CTCP Xuất nhập khẩu Intimex (09/01/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh (09/01/2008)

>   LICOGI 16 thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần (09/01/2008)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Thái Dương (09/01/2008)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Vận tải thủy bộ Đồng Nai (09/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật