2010: CPH xong toàn bộ 104 Tổng Cty Nhà nước
Hơn một giờ đối thoại với các nhà đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế đối ngoại "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á", Thủ tướng đã đề cập đến những vấn đề “nóng” liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế.
Ưu tiên phát triển hạ tầng đường bộ và điện
Trả lời câu hỏi của ông Stuart Dean - Chủ tịch tập đoàn General Electric (Hoa Kỳ) khu vực Đông Nam Á - về việc Việt Nam hiện đang tập trung đầu tư phát triển loại cơ sở hạ tầng nào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:
Việt Nam đang triển khai đầu tư phát triển đồng bộ các loại hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề hạ tầng giao thông với sự phát triển mạnh hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc và hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TPCM.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất quan tâm phát triển nhanh ngành hàng không, cảng biển, vận tải biển của Việt Nam do các các ngành này có tốc độ tăng bình quân từ 15 – 18 %/năm liên tục trong nhiều năm qua. Một số hạ tầng khác cũng được đặc biệt quan tâm là hạ tầng CNTT, điện lực, y tế và giáo dục.
“Có thể nói, một trong những điều quan tâm thường xuyên của Chính phủ Việt Nam là đầu tư để đảm bảo điện năng cho phát triển sao cho đến năm 2010 sẽ cung ứng được từ 115 - 120 tỷ kwh/điện, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế” - Thủ tướng cho biết.
Liên quan đến chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Chính phủ, Thủ tướng nói Việt Nam tuân thủ nguyên tắc: Nhà nước vừa trực tiếp đầu tư vừa khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế của Việt Nam. Việc này đem lại lợi ích cho cả Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
2010: Cổ phần hóa xong toàn bộ 104 Tổng Cty Nhà nước
Bên cạnh những mối quan tâm về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam. “Liệu có hay không việc các DNN đang tìm cách vận động hành lang để làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa?” - Một đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời thẳng và trực tiếp vào câu hỏi, Thủ tướng cho biết: Đầu năm 2001 Việt Nam có 6.000 DNNN, đến nay chỉ còn 1.400 DNNN; trong đó có 104 Tổng Cty của Nhà nước chưa cổ phần hóa. Theo kế hoạch, trong năm 2008 đến 2010, Việt Nam sẽ cổ phần hóa toàn bộ 104 Tổng Cty này.
Các Tổng Cty này sẽ được cổ phần hóa theo nguyên tắc gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện để các đơn vị này niêm yết cả trên thị trường nước ngoài. Thủ tướng cũng cho biết hiện nay, việc cổ phần hóa của Việt Nam đang được đẩy mạnh thuận lợi và hiệu quả.
“Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh - Vietcombank đã được cổ phần hóa - và tới đây sẽ cổ phần nốt các đơn vị còn lại. Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ được cổ phần hóa. Hiện Việt Nam đang mở cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Còn trong lĩnh vực ngân hàng thì mức này là 30%.
Quy định hạn chế cổ phần đối với các nhà đầu tư nước ngoài là bước đi cần thiết đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc buổi đối thoại với các nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào. Đó là Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; có mức tăng trưởng kinh tế cao; chính trị ổn định; dân số trẻ và giá nhân công tương đối rẻ; Việt Nam đang hội nhập quốc tế và sẵn sàng làm bạn, hợp tác với các nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Cụ thể, trong 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,5 %/năm; riêng trong 3 năm 2005 - 2007 đạt trên 8,0 % và dự kiến năm 2008 đạt khoảng 8,5 - 9 %. Xuất khẩu đạt mức tăng bình quân 18 %/năm, riêng 3 năm gần đây tăng khoảng 22 %/năm.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; Giá cả tăng khá cao, kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; làm hạn chế khả năng hấp thụ nhanh các nguồn vốn.
Bên cạnh đó dù những biện pháp cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực nhưng vẫn còn phiền hà, vướng mắc; Đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai còn rất khó khăn. Một thách thức lớn khác là nạn ùn tắc và tại nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và một số vấn đề xã hội khác đang trở nên rất bức xúc.
Nói về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chống tham nhũng là vấn đề được Việt Nam coi thách thức cho sự tồn vong của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi khẳng định sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn này. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không có cái gì Việt Nam quyết tâm mà không làm được. Cuộc đấu tranh này rất khó khăn, phức tạp nhưng nếu kiên quyết, kiên trì, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thì sẽ làm được”- Thủ tướng nói .
tp
|