Thứ Hai, 07/01/2008 16:29

Ngân hàng cũng khổ vì thiếu tiền lẻ

Tiền mệnh giá nhỏ khan hiếm, trong khi nhu cầu tiền lẻ cuối năm rất cao, nhiều ngân hàng phải tự cứu mình bằng cách tận dụng các mối quan hệ với nhà băng ở tỉnh song cũng chỉ đáp ứng được một phần nguồn cung.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank) xác nhận, loại tiền mệnh giá nhỏ ngày càng khan hiếm. Lượng tiền kim loại mệnh giá 500, 1.000 và 2.000 đồng trong lưu thông đang bị sụt giảm mạnh. Phần lớn số tiền lẻ này đang nằm trong ống tiết kiệm của các gia đình; một phần khác bị "hút" bởi các máy bán hàng tự động.

Các ngân hàng thiếu tiền lẻ phải cầu cứu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, nhưng ông Bình cho biết, nhiều lắm mỗi lần cũng chỉ được hỗ trợ vài chục triệu đồng. Một số nhà băng phải tự cứu mình bằng cách tận dụng các mối quan hệ với ngân hàng tại các tỉnh, song cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. "Gần đây nhiều cá nhân đến xin đổi tiền lẻ nhưng ngân hàng lực bất tòng tâm", ông Bình thừa nhận.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM có phân phối tiền lẻ cho các ngân hàng theo một tỷ lệ nhất định. Nhưng hiện tại ngân hàng trung ương rót xuống bao nhiêu, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chia bấy nhiêu. Theo đại diện nhiều ngân hàng lớn, nhu cầu giao dịch tiền lẻ của một chi nhánh rất lớn, dù cân đối từ nguồn thu của nhiều khách hàng thì ngân hàng vẫn không thể trang trải đủ. Những phản ứng của khách hàng về chuyện thiếu tiền lẻ như cơm bữa.

Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước thu hồi rất ít lượng tiền lẻ cotton cũ nát, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, nhất là mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng. Riêng tiền kim loại thì hầu như không thu hồi. Nguyên nhân là lượng tiền lẻ phát hành ra thị trường không nhiều nên những đồng tiền giấy mệnh giá thấp, rách nát vẫn được chuyền tay nhau sử dụng. Vì vậy, đến khi về ngân hàng, chúng đã quá nát. Tiền kim loại cũ dù xỉn màu nhưng vẫn có thể lưu thông được nên ngân hàng thương mại đều giữ lại chi dùng, không gửi trả Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết, họ nộp tiền không đủ chuẩn lưu thông cho Ngân hàng Nhà nước trung bình vài chục triệu đồng mỗi tuần. Song phần lớn là nộp và ghi có vào tài khoản chứ không được đổi lại tiền mới. Việc thu hồi tiền lẻ cũ nhưng không phát hành ra tiền mới tương ứng đã làm cho tình trạng khan hiếm tiền lẻ ngày càng nóng hơn.

Các bà nội trợ thì vẫn tiếp tục đau đầu với chuyện khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ. Mua 1.000 đồng hành ngò để làm gia vị cho nồi canh, song khi chị Lan ở TP HCM đưa giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng, người bán hàng kiên quyết không chịu thối vì không có tiền lẻ. "Thời buổi này tiền lẻ hiếm hơn vàng, muốn đổi vài trăm đồng phải dặn trước cả nửa tháng, mà thối cho chừng vài khách thế này là hết sạch", người bán hàng viện lý do.

Cuối cùng, chị Lan phải mua chịu chứ chủ quán kiên quyết không chịu xuất tiền lẻ. Tình huống phải mua chịu hoặc không mua được hàng vì chỉ có tiền mệnh giá lớn còn lan sang các hàng quán. Cô Thanh, bán bún bò tại hẻm 443 Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết, mối lo lớn nhất của cô hiện tại là tìm đâu ra tiền lẻ để thối cho khách.

Từ khi vật giá leo thang, nguyên liệu nấu bún, gas đồng loạt đội giá, nên cực chẳng đã cô phải tăng giá mỗi tô bún thêm 1.000 đồng, nhưng cũng từ đây rắc rối bắt đầu phát sinh. "Trước kia, mỗi tô bún giá 10.000 đồng nên việc thối tiền rất dễ dàng, giờ đây khách thường đưa tiền mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng, kiếm ra số tiền lẻ tương ứng để trả lại cho khách là cực kỳ khó khăn, cứ phải vừa bán vừa xin", cô Thanh thở dài.

Khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ, nhân viên thu ngân tại các siêu thị cũng phải thường xuyên sử dụng biện pháp xin đổi từ khách. Nhân viên thu ngân siêu thị Co.op Mart cho biết, đối với những hóa đơn lẻ 1.000-5.000, anh luôn phải hỏi khách có tiền lẻ không. Theo anh, trước kia tiền lẻ có khan hiếm nhưng không đến nỗi cạn kiệt như bây giờ, đặc biệt là tiền mệnh giá 500, 1.000 và 2.000 đồng.

Thiếu tiền lẻ, một số siêu thị bố trí gần quầy tính tiền các hộp đựng chewing gum, kẹo hoặc những món hàng có giá trị tương tự để trả tiền cho khách. Nhiều tiểu thương nghĩ ra cách đổi lại từ những người giữ xe, thậm chí cả ăn xin và bán vé số dạo với tỷ lệ thông thường 1,2 ăn 1 nhưng nhu cầu tiền lẻ bao giờ cũng lớn hơn cung, nhất là thời điểm cuối năm. Có khi, phải dặn trước vài ba ngày mới có thể đổi được 50.000 đồng tiền mệnh giá 500, 1.000 đồng và 2.000 đồng.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh khẳng định, tình hình khan hiếm tiền lẻ trên địa bàn TP HCM đã diễn biến từ lâu và căng thẳng hơn vào cuối năm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền lẻ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Tiền xu đã phân hết lại cho các ngân hàng con, hiện không còn giữ một đồng nào.

VnE

Các tin tức khác

>   VND/USD tụt giảm: toàn hệ thống ngân hàng "bối rối" (07/01/2008)

>   Ngân hàng Việt Nam còn hạn chế về khung pháp lý (07/01/2008)

>   Có thể tăng giá vé máy bay lên 1,7 triệu đồng (07/01/2008)

>   Tỷ giá sụt giảm... không phanh (07/01/2008)

>   Giá vàng vẫn cao ngất ngưởng (07/01/2008)

>   Đôla "tụt" dưới 16.000đồng (07/01/2008)

>   Nghiên cứu thành lập lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp tại các ngân hàng (07/01/2008)

>   Nhân viên ngân hàng "lên giá" (07/01/2008)

>   Ngân hàng Campuchia muốn mở văn phòng tại VN (07/01/2008)

>   Tăng lãi suất - Kháng sinh quá liều? (06/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật