Thứ Năm, 03/01/2008 13:47

Một năm bận rộn của cơ quan quản lý

Kết thúc năm 2007, khó ai nói đến sự thành công trong đầu tư, người ta thường than vãn thị trường. Một trong những lý do có thể thấy là việc bội thực phát hành chứng khoán của DN.

Một năm bội thực phát hành

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong năm 2007 đã có đến 179 công ty được cấp phép chào bán cổ phiếu, 3 ngân hàng phát hành trái phiếu, 1 chứng chỉ quỹ của Manulife. Tổng giá trị huy động được khoảng 90.000 tỷ đồng. Nhìn vào con số này quả thật là một sự thành công cho các DN Việt Nam trong vấn đề huy động vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành này.

Theo quy định hiện hành, tổ chức phát hành phải đáp ứng các điều kiện hồ sơ để trình ban chức năng (UBCK) xem xét. Sau khi xem xét, ban chức năng tổng hợp và báo cáo lên Hội đồng xét duyệt. Theo quy định tại Quyết định số 301/QĐ-UBCK, Hội đồng xét duyệt bao gồm Chủ tịch và các phó chủ tịch cùng các thành viên khác của UBCK. Điều này có vẻ như một hồ sơ phát hành được thẩm định kỹ càng. Nhìn lại quy định trên và thực tế phát sinh trong năm 2007, liệu rằng có kỹ như đã quy định không?

Trong năm 2007, có đến 183 tổ chức phát hành, điều này cũng có nghĩa là có đến bấy nhiêu bộ hồ sơ phát hành mà Hội đồng phải đọc để thẩm tra. Một hồ sơ phát hành phải công bố ra thị trường trước 20 ngày để nhà đầu tư nghiên cứu, trong khi chỉ có 2 ngày cho Hội đồng xét duyệt đọc và thẩm tra. Đó là chưa kể việc phát hành thường dồn dập vào thời điểm khởi sắc của thị trường nên những lúc cao điểm thì số ngày đọc hồ sơ cũng chưa đến 2 ngày. Như vậy, có thể nói, năm 2007 là năm quá đỗi tất bật đối với UBCK khi phải xử lý quá nhiều hồ sơ phát hành.

Theo Điều 12, Luật Chứng khoán, điều kiện bán chứng khoán ra công chúng của các tổ chức phát hành đều phải có phương án phát hành, phương án đầu tư (đối với quỹ đầu tư), phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được (đối với việc phát hành trái phiếu). Nếu điều kiện 2 năm liền trước năm phát hành có lợi nhuận và không có lỗ lũy kế đến năm phát hành là điều kiện mà DN nào muốn tham gia thì tự mình phải vượt qua rào cản này. Còn điều kiện về phương án phát hành và sử dụng vốn quả thật là một tiêu chuẩn khó vượt qua trong vấn đề xét duyệt. Bởi lẽ, nó không có một tiêu chuẩn nào trong việc xét duyệt; khó có sự đồng thuận trong việc xác định thế nào là phương án phát hành tối ưu, phương án sử dụng vốn có hiệu quả giữa tổ chức phát hành và UBCK. Trong điều kiện "bận rộn" như trên, liệu có sự "xuề xòa" trong việc xét duyệt các tiêu chuẩn trên hay không? Liệu cơ quan quản lý có đủ thời gian để hoạch định chiến lược phát triển thị trường nữa không?

Hệ lụy

Đồng nghĩa với thành công trong việc huy động vốn cho các DN, diễn biến thị trường trong năm 2007 cũng trở nên ảm đạm hơn. Nếu như hồi đầu năm, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên 1.200 tỷ đồng thì nay, con số này còn khoảng 600 - 800 tỷ đồng. Điều này cho thấy, có một sự dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chính thức sang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2007, số lượng công ty quản lý quỹ không ngừng gia tăng. Tính đến nay, có đến 25 công ty quản lý quỹ đã được cấp phép hoạt động. Phần lớn trong số đó là công ty quản lý quỹ Việt Nam. Nguồn vốn huy động của các quỹ này chủ yếu từ trong nước, trong khi đó dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn là con số ít ai biết.

Gần đây, nhà đầu tư luôn phải đứng trước vấn đề lựa chọn cơ hội đầu tư. Cụ thể, nhiều DN phát hành không thành công gần đây như Ngân hàng Gia Định, Công ty Hóa dầu Petrolimex…, thậm chí IPO Vietcombank cũng chỉ thu hút một lượng ít nhà đầu tư tham gia, đưa đến một tỷ lệ đăng ký vượt mức chào bán khoảng 13,8% (trừ phần vượt mức cơ hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua).

Những ai tham gia thị trường đều canh cánh bên mình những hoài nghi. Tiếp bước năm 2007, năm 2008 dự kiến hoạt động IPO của các "đại gia" được đẩy mạnh. Dự báo, thị trường năm 2008 sẽ có nhiều hàng hóa hơn. Điều đó cũng có nghĩa là thị trường sẽ tràn ngập cơ hội đầu tư, trong khi đó việc đẩy mạnh thu hút dòng vốn vào thị trường lại chưa được đẩy mạnh. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, chính sự ăn nên làm ra của các quỹ đầu tư là lý do chính cho việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy vậy, việc đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ đẩy lượng tiền trong lưu thông trở nên nhiều hơn, áp lực lạm phát sẽ gia tăng nếu không có một chính sách tỷ giá linh hoạt. Vậy liệu rằng, những giải pháp kích cầu mà UBCK đưa ra mới đây có khả thi cho hai phía cung và cầu? Những giải pháp này đang được thị trường kỳ vọng nhưng thị trường còn kỳ vọng hơn vào việc không quá tải trong xét duyệt hồ sơ để đảm bảo chất lượng của cung hàng.      

Lê Đạt Chí - Khoa Tài chính DN, ĐH Kinh tế

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Khi nào thì cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch? (03/01/2008)

>   STB: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (03/01/2008)

>   FPT: Thành lập chi nhánh Biên Hòa (03/01/2008)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho CTCP TIE (03/01/2008)

>   STB: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (03/01/2008)

>   Thông tin cảnh cáo thành viên (03/01/2008)

>    Nhà đất đã soán ngôi “vua cổ phiếu” (03/01/2008)

>   Chứng khoán vẫn “ngủ đông” (03/01/2008)

>   Công ty chứng khoán trước thời kỳ cạnh tranh khốc liệt (03/01/2008)

>   Ngày 4/1, cổ phiếu BTH chính thức niêm yết. (02/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật