Công ty chứng khoán trước thời kỳ cạnh tranh khốc liệt
Năm 2008, các CTCK sẽ bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt do thị trường đòi hỏi các công ty phải hoàn thiện về trình độ công nghệ, chuẩn hoá quy trình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và quan trọng nhất là sở hữu được nguồn nhân lực có trình độ trong bối cảnh CTCK "trăm hoa đua nở".
Dấu vết vàng son và khó khăn xuất hiện
Thời kỳ vàng son của các CTCK là vào năm 2006 khi thị trường bùng nổ, số lượng CTCK còn ít. Khi đó, với cái mác rất mốt là CTCK, nhiều cổ phiếu của công ty mới thành lập đã được bán với giá rất cao, gấp 6 - 7 lần mệnh giá và trở thành hàng nóng. Sang năm 2007, TTCK kém sôi động và với số lượng trên 70 CTCK được cấp phép thành lập, khó khăn đã xuất hiện khi các công ty mới cạnh tranh nhau về thị phần, về nhân sự trong khi số lượng nhà đầu tư và giá trị giao dịch của thị trường tăng không tương ứng với tốc độ tăng số lượng CTCK. Đầu năm 2007, có thời điểm một ngày có đến 3 CTCK được Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM công nhận tư cách thành viên. Vào quý II/2007, một vài công ty đã công bố kết quả kinh doanh thua lỗ.
Dấu vết của thời kỳ vàng son là giá cổ phiếu của nhiều CTCK nhờ vào kết quả tự doanh khả quan đã tăng cao. Nhưng với diễn biến thị trường hiện nay, trông chờ vào kết quả tự doanh là hết sức rủi ro cho các CTCK và nhà đầu tư, bởi TTCK đã qua giai đoạn tăng trưởng đột biến.
Hiện đã có thêm khoảng 30 CTCK được cấp phép và khoảng 80 hồ sơ xin thành lập được gửi lên cơ quan quản lý. Như vậy, số CTCK có thể tăng lên 150 công ty trong năm 2008. Sự cạnh tranh khốc liệt có thể nhìn thấy từ giờ phút này.
Chạy đua về công nghệ
Các CTCK đang chạy đua đầu tư công nghệ để phục vụ nhà đầu tư tốt hơn vào thời điểm 1/3/2008, khi chính thức chuyển tài khoản tiền của nhà đầu tư về ngân hàng quản lý. Việc cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư cần sự phối hợp tốt giữa CTCK và ngân hàng, trước tiên là hệ thống công nghệ của hai bên phải tương thích.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt cho biết, Công ty đã hợp tác với Eximbank để quản lý tài khoản của nhà đầu tư. Về lâu dài, việc kết nối được với nhiều ngân hàng sẽ mang lại tiện ích cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể rút tiền ở bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng. CTCK VNDirect cũng chuẩn bị thử nghiệm kết nối với 5 ngân hàng lớn trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ kết nối với 10 ngân hàng. CTCK Quốc Gia cũng đang thử nghiệm với 5 ngân hàng…
Ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện CTCK An Bình cho biết, sau khi CTCK và ngân hàng kết nối hệ thống thì còn phải làm sao để đồng nhất quan điểm dịch vụ khách hàng, phương châm hoạt động, chia sẻ trách nhiệm trong phục vụ nhà đầu tư… Một giám đốc CTCK so sánh ngân hàng và CTCK kết hợp phục vụ nhà đầu tư chẳng khác nào "hai ông chồng lấy chung một bà vợ". Mọi việc phải khéo léo hơn rất nhiều để hệ thống kết nối được thông suốt, an toàn.
Việc hai sàn giao dịch chứng khoán đang gấp rút chuẩn bị chuyển sang giao dịch tự động là động cơ lớn hơn thúc đẩy các CTCK đầu tư vào công nghệ. Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Đầu tư CTCK VNDirect bình luận: nếu giao dịch thủ công, nhập lệnh bằng tay thì mất từ một đến hai phút để nhập lệnh của nhà đầu tư vào hệ thống, còn khi chuyển sang giao dịch tự động, thời gian nhập lệnh được tính bằng giây. Do đó, năng suất nhập lệnh của CTCK sẽ phụ thuộc vào hệ thống công nghệ có kết nối tốt với hệ thống ngân hàng cũng như hai sàn giao dịch hay không.
Nhân sự đóng vai trò quyết định
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc CTCK SSI khẳng định, cạnh tranh giữa các CTCK trong năm 2008 quyết định ở hai yếu tố: công nghệ và nhân sự.
Nếu nói đơn thuần về công nghệ, chỉ cần đầu tư một khoản tiền lớn là CTCK có thể sở hữu phần mềm công nghệ hiện đại, mang tính mở, có khả năng tích hợp với hệ thống của nhiều ngân hàng cũng như của Sở GDCK TP. HCM và TTGDCK Hà Nội. Tuy nhiên, đằng sau sự kết nối là sự chuyên nghiệp hoá về quy trình nghiệp vụ một cách chi tiết. Đó là lý do vì sao SSI tách riêng mảng nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư, thành lập công ty con là Công ty Dịch vụ chứng khoán SSI.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các CTCK là sự phát triển nhân sự không theo kịp sự bùng nổ số lượng công ty. Một nhân sự cấp cao của CTCK ACB vừa rời bỏ công ty để ra "ở riêng" sau khi liên tục được đề bạt lên những vị trí chủ chốt cùng chế độ đãi ngộ thích đáng. Phó giám đốc CTCK H. cũng vừa ra đi chỉ sau mấy tháng làm việc để nhận một mức lương cao hơn ở vị trí mới. CTCK nổi tiếng có nhiều triệu phú là SSI cũng không tránh khỏi "chảy máu" nhân lực.
Mảng dịch vụ chứng khoán sẽ yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của các CTCK. Theo thông lệ quốc tế, để một CTCK hoạt động an toàn thì mảng tự doanh chỉ chiếm 20 - 30% lợi nhuận. Lợi nhuận từ mảng dịch vụ mới đóng vai trò quyết định. Bởi trong một TTCK phát triển ổn định, thị phần của CTCK mới là yếu tố đem lại nguồn thu ổn định chứ không phải đặt hết hy vọng vào mảng tự doanh để thay đổi tình thế như một số CTCK hiện nay. TTCK Việt Nam tuy mới phát triển, có nhiều đặc thù riêng, nhưng tất yếu sẽ đi theo quy luật phát triển này. Những CTCK tồn tại và phát triển sẽ là những công ty tập trung đầu tư cho chất lượng dịch vụ ngay từ bây giờ, bởi một số dự đoán rằng, trào lưu sáp nhập, phá sản CTCK sẽ xảy ra sau 3 - 5 năm nữa.
ĐTCK
|