Mệt mỏi với ATM!
Hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) của các ngân hàng đang hoạt động "bở hơi tai" vào dịp cận Tết. Với quy định mới từ 1.1.2008, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đều phải nhận qua tài khoản, ATM càng làm khổ khách hàng...
Vừa trục trặc, vừa quá tải
Từ đầu tháng 1 đến nay, nhiều chủ thẻ ATM ở TP.HCM do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) phát hành luôn gặp sự cố, không thanh toán được các dịch vụ điện, điện thoại...
Anh Quốc Minh, ngụ ở đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 (TP.HCM) thanh toán tiền điện trên ATM VCB từ 3 năm nay. Đầu tháng 1.2008, anh Quốc Minh không thể nào thanh toán tiền điện khi trên máy ATM không có dữ liệu thông tin; nhập số tiền cần thanh toán nhưng máy cũng không chịu nhận tiền! Một trường hợp khác, chị Thanh, nhà ở đường Thống Nhất, P.10, Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã thanh toán tiền điện vào ngày 5.1 qua hệ thống máy ATM VCB và máy đã trừ tiền trong tài khoản. Nhưng đến ngày 8.1, Điện lực Gò Vấp lại gửi thông báo nhắc nhở đóng tiền điện lần 3 nếu không sẽ bị cắt điện. Anh Huyền Vũ, làm ở một công ty cổ phần ở quận 11 (TP.HCM) cũng bực mình khi thanh toán tiền cước MobiFone trên máy ATM VCB đến 3 lần vẫn không được...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng thanh toán bằng thẻ chiếm 6% trong tổng giao dịch của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng thẻ mỗi năm từ 150 - 300%. Tính đến tháng 11.2007, số lượng thẻ của 30 ngân hàng là hơn 8,28 triệu với 130 thương hiệu khác nhau, trong đó thẻ nội địa chiếm 93,87%. Trên thị trường hiện nay có 4.280 máy ATM, 22.959 máy POS. Để thuận lợi cho khách hàng, các liên minh thẻ được hình thành như Công ty Smartlink (25 thành viên), Liên minh thẻ Đông Á (5 thành viên)... Tuy nhiên thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là còn manh mún. Phạm vi phát hành và sử dụng thẻ còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh thành lớn, đối tượng sử dụng thẻ chủ yếu làm việc trong ngành ngân hàng tài chính, cán bộ, công chức.
Chị Phạm Minh Hồng, ở phố Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: "Thông thường cứ 10 lần đi rút tiền ở máy ATM thì 3 - 4 lần tôi nhận được thông báo: Xin lỗi quý khách, máy ATM tạm ngừng phục vụ. Có khi sang máy thứ hai cũng bị "tạm ngừng phục vụ". Đến lúc này, thà vào ngân hàng rút tiền còn nhanh hơn đi tìm máy ATM". Anh Hoàng Bình ở Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) than: "Gần nhà có máy ATM của VCB, tưởng là tiện nhưng thực ra nhiều khi mất thời gian hơn. Cứ thỉnh thoảng máy lại thông báo tạm ngừng phục vụ".
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều máy ATM đặt ở các khu phố Thái Hà, Thái Thịnh, Láng Hạ, Tây Sơn... Sinh viên Hoàng Nhất Thống, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phàn nàn: "Chúng em làm gì có tiền nhiều, nhưng thấy tiện lợi nên cũng làm một cái thẻ để hằng tháng bố, mẹ chuyển "tiền lương" cho mình vào đó. Có những lúc đầu giờ sáng vào rút tiền thì máy bị trục trặc, đến trưa tan học về, vào máy vẫn thế. Thôi thì vay tạm bạn bè rồi hôm sau trả". Những ngày bình thường, nhiều lúc ATM bị "sổ mũi, nhức đầu", trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết thì tình trạng quá tải, nghẽn mạng còn tệ hơn.
Thêm máy, nhưng chưa yên tâm
Hệ thống máy ATM của các ngân hàng hiện đang chạy "bở hơi tai" và dự báo sẽ càng quá tải vào cận Tết. Với quy định mới các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đối tượng hưởng lương hưu đều phải nhận qua tài khoản kể từ 1.1.2008, lượng thẻ trên thị trường tăng vọt. "Mỗi ngày hệ thống máy ATM xử lý từ 60.000 - 70.000 giao dịch nhưng với đà này, chắc chắn hệ thống máy ATM sẽ quá tải vào dịp Tết, đặc biệt là cuối giờ mỗi ngày vì đây là thời điểm khách hàng rút tiền nhiều nhất" - ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ thẻ VCB TP.HCM cho hay. Hiện VCB có 900 máy phục vụ hơn 2,5 triệu thẻ ATM, dự kiến sẽ đưa thêm 200 máy vào trước Tết để phục vụ khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) hiện có 670 máy ATM, số thẻ đã phát hành hiện nay lên 1,7 triệu. Bình quân mỗi ngày có khoảng 40.000 - 50.000 khách hàng đến giao dịch tại máy. "Thỉnh thoảng, một số trường hợp máy ATM của ngân hàng bị trục trặc hoặc hết tiền, khách hàng vẫn có thể giao dịch ở những máy gần đó. Ngân hàng có tổ chức đội ngũ trực và giám sát tình hình hoạt động của máy hỏng hóc hoặc hết tiền để cử người sửa chữa hoặc tiếp ứng tiền... Do số lượng thẻ tăng đều qua các tháng nên ngân hàng phải thường xuyên nâng cấp hệ thống nhằm giảm tình trạng quá tải" - bà Lý Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm thẻ DongA Bank nói.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ, khi máy ATM thông báo tạm ngưng phục vụ thì có hai nguyên nhân, một là các ngân hàng chưa kịp nạp tiền, máy hết tiền và hai là mạng hoặc máy bị trục trặc. Máy hết tiền có thể nạp ngay vào sau đó nhưng nếu máy bị trục trặc thì còn tùy thuộc vào mức độ sự cố. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Thanh Niên, không có ngân hàng nào khẳng định chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng trục trặc của hệ thống máy ATM trong dịp Tết.
"Cách đây mấy ngày đường truyền giữa MobiFone và ngân hàng có trục trặc nên khách hàng không thể thanh toán dịch vụ qua máy ATM được, sau đó đường truyền này đã được khắc phục. Còn dịch vụ không thanh toán được tiền điện trên máy ATM do bên công ty điện lực thay đổi phiên lộ trình. Sau vài ngày, chúng tôi nhận được nhiều phàn nàn của khách hàng và kiểm tra lại mới phát hiện ra chuyện này. Để có thể thanh toán tiền điện trên máy ATM, các khách hàng cần nhập lại phiên lộ trình hoặc mã khách hàng".
Ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ thẻ VCB TP.HCM
TN
|