Lãi suất tăng, đừng bỏ tiền vào một "giỏ”
Mặt bằng lãi suất VND đang dần nhích lên do các ngân hàng (NH) đã cạn tiền đồng. Diễn biến này khiến người gửi tiền phải thay đổi cách thức gửi tiền tiết kiệm của mình theo hướng sao cho có lợi nhất.
Nhu cầu sử dụng tiền đồng tăng mạnh buộc nhiều NH phải nâng lãi suất tiết kiệm VND để giữ chân khách hàng.
Nhà đất và xe hơi "ngốn" tiền NH
NH An Bình là NH đầu tiên "phát pháo" cho đợt tăng lãi suất của năm 2008 khi tăng lãi suất cho các kỳ hạn 1-24 tháng với mức tăng cao nhất lên đến 0,04%/tháng. NH Việt Á cũng công bố điều chỉnh tăng lãi suất đối với VND với mức tăng trung bình 0,005%/tháng. Ngày 28-1, NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) cũng sẽ gia nhập danh sách này với mức tăng bình quân 0,013%/tháng cho tất cả các kỳ hạn.
Theo dự đoán của các NH, tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút khách hàng vì "đầu ra" cho nguồn vốn đang rất lớn. Khả năng sinh lợi nhanh của thị trường bất động sản sẽ làm nhu cầu vay mua nhà tăng mạnh trong năm 2008. Cùng thời điểm, nhu cầu vay mua xe hơi đạt kỷ lục từ năm 2007 cũng sẽ được tiếp tục trong năm nay, một phần được thúc đẩy từ việc lượng xe hơi nhập khẩu khá đa dạng và phong phú.
Tính lại sổ tiết kiệm
Chị Quỳnh Vân, nhân viên một công ty nước ngoài ở quận 1, TP.HCM, cho biết lãi suất đang tăng khiến chị sẽ cân nhắc lại số tiền gửi tiết kiệm của mình. "Số tiền tích lũy của tôi không đủ lớn để chơi chứng khoán hay bất động sản, chỉ có thể đem gửi NH. Lúc trước tôi thường gửi kỳ hạn đến 12 tháng, nay chắc phải gửi ngắn lại vì nếu NH tăng lãi suất thì tôi sẽ bị thiệt" - chị Vân nói.
Theo các chuyên gia NH, mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục tăng, vì vậy người dân nên "chẻ nhỏ” số tiền gửi của mình. "Không nên bỏ hết tiền vào một giỏ mà cần phân ra nhiều giỏ với các kỳ hạn khác nhau để linh hoạt hơn trong sử dụng.
Trong tình hình hiện nay, nên chú trọng các kỳ hạn ngắn vì các NH sẽ liên tục tăng lãi suất, nếu gửi kỳ hạn quá dài sẽ bị thiệt vì lãi suất tăng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi mới" - một chuyên gia phân tích. Người gửi tiền cũng có thể gửi nhiều sổ thay vì gửi một sổ, với nhiều kỳ hạn khác nhau để có thể linh hoạt tính toán trong sử dụng tiền sao cho có lợi nhất.
Đầu vào tăng, đầu ra có tăng theo?
Chỉ còn vài ngày nữa, qui định về điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc của NH Nhà nước sẽ bắt đầu có hiệu lực (ngày 1-2). Với qui định này, giá vốn của các NH thương mại sẽ tăng lên, cùng với việc tăng lãi suất đầu vào sẽ buộc họ phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, NH Nhà nước cho biết đã trao đổi với các NH thương mại nhà nước và các NH này đều khẳng định sẽ không tăng lãi suất cho vay vào thời điểm này.
Tuy nhiên, theo các NH, việc tăng lãi suất VND là điều không thể tránh khỏi trong những tháng tới do tiền đồng sẽ tiếp tục khan hiếm.
Thị trường ngoại hối VN đang nhận một lượng lớn USD đổ vào từ các nhà đầu tư chứng khoán và trái phiếu nước ngoài bất chấp thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm. Chính nguồn ngoại tệ dồi dào này sẽ gây áp lực nặng lên khả năng cung ứng tiền đồng của các NH, khiến cuộc đua tăng lãi suất để đảm bảo tính thanh khoản tiền đồng của các NH chưa thể có điểm dừng.
Đề xuất cho mua cổ phần bằng ngoại tệ
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN vừa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề xuất một số giải pháp cải thiện tính thanh khoản cho tiền đồng trong bối cảnh ước còn vài trăm triệu USD vẫn đang nằm chờ được chuyển đổi thành tiền đồng tại các NH lưu ký chứng khoán.
Thứ nhất, khi nhà đầu tư nước ngoài tham dự đấu giá thành công các đợt IPO thì khoản tiền bán cổ phần nhà nước thu được sẽ được thanh toán bằng ngoại tệ theo tỉ giá bình quân liên NH tại thời điểm đó.
Thứ hai, cho phép các công ty cổ phần, kể cả các NH cổ phần khi tăng vốn điều lệ và có bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông nước ngoài được phép thu bằng ngoại tệ.
Thứ ba, giao dịch thỏa thuận mua bán cổ phần hay trái phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau cũng cho phép thanh toán bằng ngoại tệ.
Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ không nên phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế mà thay vào đó phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước.
TT
|