Kinh doanh các lĩnh vực ngân hàng: Mốt của “đại gia”
Thị trường ngân hàng năm 2008 sẽ có thêm một loạt các “gương mặt mới”, trong đó cổ đông sáng lập là những Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty lớn và cả các ngân hàng “đàn anh, đàn chị”. Kinh doanh ngân hàng đã được ví như một “miếng bánh béo bở” mà nhiều “đại gia” không muốn chậm chân.
Thị trường ngân hàng 2008: Bùng nổ?
Ngày 16-1, Ngân hàng TMCP Ngôi sao Việt Nam (Vietstarbank), một trong 5 ngân hàng được chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong năm 2008 đã tiến hành Đại hội cổ đông đầu tiên để thảo luận và thông qua điều lệ ngân hàng, đề án thành lập ngân hàng.
Ngôi sao Việt Nam là một trong 5 ngân hàng TMCP vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc thành lập và hoạt động, bao gồm: Năng lượng, Ngoại thương châu á, Đông Dương Thương Tín và Bảo Tín. Trước đó, năm 2007, đã có 4 ngân hàng được chấp thuận trên nguyên tắc là FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Dầu khí.
Các ngân hàng nói trên đều được góp vốn bởi các Tập đoàn, Tổng Công ty, ngân hàng lớn. Trong đó, vốn điều lệ lớn nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Dầu khí với 5.000 tỷ đồng của các cổ đông: Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Ngân hàng TMCP quốc tế (VIBBank).
Còn cổ đông lớn của Liên Việt (vốn 3.300 tỷ đồng) là Công ty TNHH Him Lam, Công ty Vận tải hàng không phía Nam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (vốn 1.500 tỷ đồng), bên cạnh Tập đoàn Bảo Việt (góp đến 40% vốn) thì cũng là những doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay “đàn anh” là ngân hàng TMCP SeAbank.
Với ngân hàng TMCP FPT (vốn 1.000 tỷ đồng), cổ đông sáng lập là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ FPT, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Vinare, VMS MobiFone. Rồi cổ đông của ngân hàng TMCP Năng lượng là Tổng Công ty Lilama, Sông Đà và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.
Các ngân hàng còn lại (đều có vốn 1.000 tỷ đồng) đều có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng “đàn anh, đàn chị” đang hoạt động như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chung vốn với một số doanh nghiệp thành lập Ngân hàng Ngoại thương châu á; Đông Dương Thương Tín có cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Quân Đội và một số doanh nghiệp Bộ Quốc phòng; Bảo Tín có vốn góp của Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank)...
Danh sách những ngân hàng mới với những “tên tuổi” đi kèm sẽ chưa dừng lại ở con số 9 trong năm 2008. Bởi đó chỉ là 9 trong số gần 30 bộ hồ sơ xin cấp phép và hoạt động được gửi đến NHNN trong năm 2007. Đó là chưa kể NHNN vừa chính thức cấp giấy phép cho 3 ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam, đó là Industrial Bank of Korea (Hàn Quốc), Commonwealth Bank of Australia (Australia) và Taipei Fubon (Đài Bắc - Trung Quốc).
Dẫu rằng có một số bộ hồ sơ sẽ phải bổ sung hoặc phải gác lại vì không đủ điều kiện thì thị trường ngân hàng vẫn hứa hẹn một sự bùng nổ mạnh mẽ đồng thời cũng cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
“Siêu lợi nhuận”?
Tài chính, ngân hàng luôn là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh nhất trong nền kinh tế phát triển, hội nhập như Việt Nam. Trong một vài năm trở lại đây, báo cáo tài chính của các ngân hàng luôn “đẹp” với những khoản lợi nhuận cực kỳ ấn tượng.
Do vậy, cũng dễ hiểu khi các tập đoàn, doanh nghiệp và chính bản thân các ngân hàng lại “chen chân” vào lĩnh vực được ví như một “miếng bánh” cực kỳ hấp dẫn này! Mặt khác, theo xu hướng và cả “thị hiếu” hiện nay, những doanh nghiệp sớm có được từ “ngân hàng” trong danh mục hoạt động như có thêm một lực hấp dẫn đầu tư mới, có vị thế mới trong hướng phát triển đa ngành và trong đối sánh với các doanh nghiệp khác (!?).
Bên cạnh đó, một lý do không thể không kể đến là khi những bộ hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng được lập thì cũng là thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang cực kỳ nóng sốt, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng trần và việc huy động vốn của nhà đầu tư trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết!
Còn nhớ, đầu năm 2007, trang web rao bán chứng khoán nào cũng tràn ngập các rao mua-bán cổ phiếu ngân hàng, trong đó có cả những ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và cả không ít ngân hàng chưa được thành lập. Đến mức, NHNN đã phải ra một văn bản khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng trong giao dịch cổ phiếu những ngân hàng này!
Và nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng đã từng phải lên tiếng trước xu hướng thành lập ngân hàng để bán cổ phiếu và khẳng định sẽ có những quy chế giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa tình trạng này.
Chính vì vậy mà những bộ hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng TMCP được NHNN xem xét cực kỳ thận trọng. Cụ thể, 6 tháng sau khi Quy chế cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP được ban hành (từ tháng 6-2007), mới có 4 ngân hàng TMCP (tháng 12-2007).
Một lãnh đạo cấp Vụ, NHNN giải thích, ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù và nhạy cảm với nền kinh tế. Trong khi đó, rất nhiều cổ đông sáng lập của các ngân hàng TMCP mới chưa có tiền lệ hoạt động trong lĩnh vực này như Tập đoàn Dệt may, FPT, Tổng Công ty Sông Đà, Habeco, MobiFone...
“Thế nên mới có chuyện, lãnh đạo đơn vị là cổ đông lớn của một ngân hàng TMCP đang xin cấp phép đã từng phát biểu, chỉ riêng phục vụ “nội bộ” thôi cũng đã đủ lãi. Bởi một trong số những nguyên tắc lập ngân hàng là phải khách quan, tránh tập trung rủi ro” - vị lãnh đạo này nhận xét.
Mặc dầu đến thời điểm này, sức hút từ cổ phiếu ngân hàng đã “tạm lắng” và Quy chế cấp phép thành lập ngân hàng TMCP đã có những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng lập ngân hàng để bán cổ phiếu (như sau khi thành lập, cổ đông sáng lập không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm và các cổ đông phổ thông không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm) nhưng lực hấp dẫn của lĩnh vực kinh doanh này không vì thế mà nhẹ đi.
An ninh Thủ đô
|