Kiềm chế lạm phát 2008 - phải có giải pháp từ bây giờ!
Từ đà lạm phát trong năm 2007 và những yếu tố tác động trong thời gian tới, các chuyên gia đều dự đoán, nếu không có những giải pháp mạnh ngay từ bây giờ thì lạm phát 2008 nếu không cao như năm ngoái (12,63%) thì cũng có thể vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP (mục tiêu tăng 8,5-9%). Vậy những yếu tố đó là gì và giải pháp cần thực thi ngay từ bây giờ là như thế nào?
Những yếu tố tác động đến lạm phát năm 2008 không hề suy giảm, thậm chí còn cao hơn cả năm 2007.
Trước hết là mặt bằng giá thế giới tính bằng USD vẫn không có dấu hiệu sụt giảm, thậm chí còn tăng lên, một mặt do bản thân giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng, mặt khác do USD sẽ tiếp tục giảm, làm cho giá cả tính bằng USD sẽ tăng. USD giảm giá do nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố nội tại của nước Mỹ (kinh tế Mỹ suy thoái, thị trường tài chính, thị trường nhà cửa tiếp tục bất ổn...) buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ sau 3 lần giảm lãi suất cơ bản từ 5,25% xuống 4,25% vào cuối năm 2007 sẽ còn phải tiếp tục cắt giảm lãi suất nữa để ứng phó. Tình hình đó làm cho chi phí đầu vào (đối với sản xuất) và giá hàng tiêu dùng tăng.
Một yếu tố rất quan trọng là Chính phủ sẽ điều hành giá cả theo cơ chế thị trường. Theo đó, nhiều mặt hàng do Nhà nước định giá được kiềm chế trong mấy năm trước, nay sẽ tăng lên tạo thành mặt bằng giá mới, do những mặt hàng này bản thân đã chiếm tỷ trọng không nhỏ, lại còn tác động dây chuyền đến hầu hết giá của những mặt hàng khác. Khi mặt bằng giá lên sẽ kéo theo giá của toàn thị trường; đó là chưa kể tình hình "té nước, tát nước theo giá" Nhà nước thả nổi.
Một yếu tố khác rất quan trọng là lượng ngoại tệ tiếp tục đổ vào Việt Nam từ tất cả các nguồn, các kênh mà năm ngoái đã đạt kỷ lục về đăng ký, cam kết năm nay sẽ thực hiện cũng như việc thực hiện lượng vốn đăng ký, cam kết đang trong xu hướng tăng lên trong năm nay. Khi lượng ngoại tệ vào nước ta tăng, với chủ trương giữ giá tiền đồng để khỏi ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu, nhập siêu... sẽ lại phải đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ vào như thế sẽ tạo sức ép tăng lạm phát.
Ngoài ra, khi tăng trưởng kinh tế cao lên, vốn đầu tư sẽ đưa ra nhiều hơn (tỷ lệ vốn đầu tư năm nay so với GDP dự kiến đưa lên 42%, cao hơn tỷ lệ 40,4% của năm ngoái), trong đó lượng vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở tăng cao hơn nhưng không tạo ngay ra sản phẩm để trung hòa với lượng vốn đưa ra. Đó là chưa kể lượng tiền đưa ra trong các năm trước quá lớn hiện còn nằm ở lưu thông. Hãy xem các con số sau đây để biết sức ép đối với lạm phát trong năm qua và tới đây sẽ như thế nào? Theo ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng cung tiền M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của nước ta năm 2005 tăng 23,34%, năm 2006 tăng 33,59%, năm 2007 ước tăng 35% (tính chung 3 năm tăng tới 122,44%), cao gấp gần 4,5 lần so với tốc độ tăng GDP 27,25% (năm 2005 tăng 8,44%, năm 2006 tăng 8,17%, năm 2007 tăng 8,48%) trong thời gian tương ứng, vượt rất xa so với mức từ 2,5 lần trở xuống của các nước trong khu vực. Khi mức cung tiền lớn gấp 4,5 lần so với mức tăng GDP thì lạm phát cao là đương nhiên, không những trong kỳ mà còn tới cả các kỳ sau.
Những giải pháp chống lạm phát trong năm trước đã được đưa ra, nhưng hoặc là quá chậm (tiền đưa ra dồn dập mua từ đầu năm, nhưng những giải pháp tăng dự trữ bắt buộc, khống chế cho vay đầu tư chứng khoán mãi đến tháng 6 mới đưa ra), hoặc là chưa đủ liều lượng, thậm chí có biện pháp chưa trúng... Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay cần thực hiện sớm hơn, đủ liều lượng hơn, trúng hơn và cần có giải pháp mới.
Về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ hiện nay là 10%, nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ của Trung Quốc. Ngân hàng thương mại cũng kêu ca về tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao đã làm cho vốn khả dụng và lợi nhuận bị giảm, nhưng với tốc độ tăng M2 cao như trên và ngân hàng nào cũng có lãi lớn, tăng cao, tiền lương và thu nhập vượt xa ngành đứng thứ hai (đó mới là so lao động trong khu vực nhà nước, nếu tính cả ngân hàng cổ phần thì còn chênh lệch lớn hơn nữa).
Đến 31.12.2007, dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán là 13.149 tỉ đồng, chiếm 1,49% tổng dư nợ của 43 tổ chức tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán (ước tính bằng 1,37% tổng dư nợ toàn hệ thống tổ chức tín dụng); hiện chỉ còn 2 công ty tài chính có dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán vượt 3%. Việc giảm cho vay đầu tư chứng khoán tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đó là chủ trương đúng đắn và việc thực hiện như thế là nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp với các loại ngân hàng có quy mô tín dụng khác nhau; các ngân hàng thương mại phải có cơ chế tự giám sát để bảo toàn cho mình và cho toàn hệ thống.
Để ngăn chặn cơn sốt bất động sản lần thứ ba đang có dấu hiệu xuất hiện và rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản ở Mỹ đang gây hậu quả hơn mức người ta tưởng, ngoài các chính sách về tài chính, như khẩn trương ban hành và cho thực hiện ngay việc đánh thuế lũy tiến đối với những người vượt định mức nhà ở, đất ở để giảm đầu cơ nâng giá, cần áp dụng chính sách khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản, kiểu như chứng khoán, nhưng rút kinh nghiệm điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, giá bất động sản không tính vào "rổ" để tính chỉ số giá tiêu dùng, nhưng sự nóng lạnh của thị trường này lại tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, bởi việc đưa vào hay rút ra một lượng tiền khổng lồ vào thị trường này cũng tác động đến giá cả trên thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Giải pháp mới là phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, không chỉ là trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ, mà còn cho phép các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp có uy tín, có nhu cầu ngoại tệ chính đáng được phép phát hành để huy động ngoại tệ trôi nổi trong nền kinh tế và cả lượng ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại đang được coi là "thừa". Đây là giải pháp có tác dụng kép: vừa hút được USD về, vừa tránh đưa tiền đồng ra lưu thông tạo sức ép lạm phát, vừa ổn định được tỷ giá. Trung Quốc cũng đã áp dụng giải pháp này và đã đạt kết quả tích cực: vừa tăng mạnh dự trữ (hiện đã lên đến 1.530 tỉ USD, lớn nhất thế giới, vượt xa nước đứng thứ hai là Nhật Bản), vừa khống chế tốc độ tăng giá. Vấn đề đặt ra là cần có mức lãi suất trái phiếu phải đủ sức hấp dẫn và sử dụng có hiệu quả số USD huy động được từ trái phiếu.
Nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển xã hội, với con người. Lạm phát trước đây làm cho mọi người đều thiệt hại vì mọi người cùng nghèo; lạm phát bây giờ sẽ làm cho người nghèo khổ hơn.
TN
|