Giá tăng, tiểu thương "găm" hàng".
Khác với mọi năm, bắt đầu từ ngày ông Táo lên chầu trời, sức mua trên thị trường tiêu dùng Hà Nội tăng mạnh, còn năm nay, sức mua chỉ tăng hơn ngày thường 10%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhiều mặt hàng đã tăng giá từ 30 - 100% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Nông sản, thực phẩm tăng giá
Người nông dân thay vì đưa hàng ra thị trường, những ngày này họ giữ hàng để chờ tới 26 - 29 tháng chạp. Do đó, lượng hàng thực phẩm, nông sản về chợ tiếp tục giảm 20% so với tuần trước và giảm 30 - 40% so với thời điểm cuối tháng 12.2007. Theo chị Nguyễn Thị Tươi - một lái buôn chuyên đưa hàng tại chợ đầu mối phía nam: "Vì người nông dân găm hàng, nhiều tiểu thương muốn đặt tăng số lượng hàng, nhưng các lái buôn không dám nhận".
So với cùng thời điểm năm ngoái, nhiều mặt hàng tăng từ 30 - 100%. Nếu như Tết Đinh Hợi, giá dầu ăn từ 17.000 - 18.000đ/lít, thì năm nay tăng lên thành 29.000 - 32.000đ/lít; thịt lợn móc hàm thời điểm cận Tết Đinh Hợi chỉ 2.300.000 - 2.400.000đ/tạ thì nay là 4.400.000 - 4.600.000đ/tạ; thịt gà ta làm sạch, Tết Đinh Hợi là 60.000 - 70.000đ/kg, thì năm nay đã là 90.000 - 100.000đ/kg. Rau tươi các loại cũng tăng từ 10 - 15% so với tuần trước và tăng từ 20 - 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nông sản sơ chế như: Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương đều tăng từ 30 - 50% so với cùng thời điểm năm ngoái. Những mặt hàng thay thế như cá, tôm cũng trong cơn bão giá. Thay vì sức mua tăng từ 30% (những ngày cận Tết Đinh Hợi) thì nay sức mua chỉ tăng khoảng 10%.
Không chỉ có nhóm hàng thiết yếu tăng, các đồ vàng mã, cúng lễ cũng tăng theo. Bộ cúng ông Công, ông Táo, quan thần linh trung bình từ 35.000 - 50.000đ/bộ, tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2007. Đơn giản nhất là bộ cá chép vàng cúng ông thần Bếp cũng tăng từ 6.000 - 8.000đ/bộ (ba con) lên 12.000 - 15.000đ/bộ (3 con).
Dự trữ có đáp ứng nhu cầu?
Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trực thuộc ngành thương mại thành phố đều có kế hoạch dự trữ hàng hoá với ước tính khoảng 6.500 tỉ đồng, trong đó lương thực khoảng 50.000 tấn/tháng, thịt lợn hơi: 6.500 tấn/tháng, thịt trâu bò: 1.200 tấn/tháng, gia cầm: 2.000 tấn/tháng...
Số lượng này chỉ chiếm khoảng 20 - 30% thị phần, còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng từ các tỉnh, nông dân thành phố. Tính đến ngày 23 Tết, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố đã ký hợp đồng cung ứng hàng hoá với các tỉnh và đưa hàng về kho ở HN chiếm tới 100% và 100% doanh nghiệp ký cam kết không tăng giá nếu đầu nguồn không tăng.
Ông Nguyễn Mạnh Hoàng - GĐ Sở Thương mại HN - cho biết: "Nguồn dự trữ trong dân đóng vai trò quan trọng bên cạnh dự trữ của các siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị sản xuất, phân phối hàng trong ngành. Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thương nhân vận chuyển hàng hoá thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm để cung ứng cho thị trường. Tránh tình trạng đứt nguồn hàng dẫn tới khan hiếm hoặc sốt hàng cục bộ.
Theo ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại): "Từ sau ngày 23 tháng chạp, người nông dân sẽ tập trung hàng cung cấp cho thị trường, tình trạng khan hiếm hàng sẽ được cải thiện, nhưng giá thực phẩm đặc biệt là thịt lợn, thịt gà ta có thể sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu về mặt hàng này tăng đột biến".
lđ
|