Thứ Hai, 14/01/2008 07:27

DNNN bán cái có sẵn hơn là cạnh tranh vươn lên

Đa số DN Nhà nước khai thác cái sẵn có để bán ra thế giới hơn là cạnh tranh vươn lên trong chuỗi giá trị, nhập vào chuỗi cạnh tranh, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn. Các tập đoàn của VN không hình thành theo quy luật tự nhiên, qua quá trình tích tụ vốn mà theo quyết định hành chính.

Làm tốt gia công, nhưng không đặt mục tiêu vươn lên

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại với các vấn đề nóng đang gây sốt trong thời gian gần đây như thị trường bất động sản, sốt căn hộ cao cấp.v.v...  Phải chăng do môi trường kinh doanh chưa tốt nên người dân và doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư kinh doanh dịch vụ và đã đổ hết vào bất động sản? Ý kiến của nguyên bộ trưởng thế nào?

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Khi trao đổi trên VTV tôi đã nêu 1 chuyện buồn. Chúng ta cần phát triển mạnh công nghiệp bổ trợ. Nhưng ai là lực lượng đầu tàu? Chính là doanh nghiệp nhà nước, họ có vốn lớn, nguồn lực lớn. Mà có phát triển doanh nghiệp bổ trợ thì mới phát triển được. Trong khi đó, họ lại đang đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Đó là hiện tượng kinh tế không tốt.

Việc đầu tư đó đem lại lợi ích ngắn hạn cho các tập đoàn.

Nguyên nhân khác là do chính sách đất đai, nhà cửa chúng ta chưa minh bạch. Hệ thống bất động sản và giá cả xử lý chưa tốt, cần cải cách triệt để. Nghị quyết 08 ghi rõ cần hoàn thiện thị trường BĐS công khai, minh bạch tốt hơn nữa. Nếu giải quyết tốt điều này thì thị trường mới kịp thời trở lại như cũ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Sau 1 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp nhà nước đã vươn ra thế giới như thế nào? Đây là tập đoàn mạnh có đầy đủ tiềm lực, là đội quân hùng hậu nhất của đất nước.

TS Trần Đình Thiên: Chúng ta đã lập được một số tập đoàn hùng mạnh nhất Việt Nam. Tuy nhiên so với tiêu chuẩn thế giới thì mới chỉ là DN hạng trung thôi. Vươn ra thế giới để cạnh tranh thì đến giờ hiện chưa rõ. Hiện nay DN của ta đa số là khai thác cái đã có để bán ra thế giới chứ chưa vươn ra cạnh tranh tham gia vào các chuỗi giá trị, để nhập vào hệ thống phân công lao động thế giới, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn.

Nhiều nhà đầu tư đã ngạc nhiên khi đến Việt Nam, họ thấy chúng ta làm tốt khâu gia công nhưng lại không đặt ra mục tiêu vươn lên những nấc thang của các chuỗi giá trị gia tăng ... Điều này rõ nhất trong các tập đoàn.

Nhưng cũng có điều khác là nhiều DNNN đã bắt đầu kéo liên minh, liên kết với các công ty nước ngoài để đầu tư tại Việt Nam. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ thôi. Chúng ta vẫn chưa tận dụng hết cơ hội để vươn ra. Tính định hướng thay thế nhập khẩu còn nặng, tập trung trước tiên ở các tập đoàn kinh tế của nhà nước, các tập đoàn lớn cũng như vậy.  Chúng ta vẫn dừng lại, mức độ cải thiện cơ cấu xuất khẩu còn chậm. Điều này giải thích lý do vì sao xuất khẩu đã tăng lên 21% nhưng vẫn chưa khắc phục được hết điểm yếu cơ cấu.

Khuynh hướng này cần được dỡ bỏ thật nhanh và cần bắt đầu bằng việc các DNNN và tập đoàn phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn. Chừng nào còn chỗ dựa, ỷ lại nhà nước, độc quyền như bây giờ thì còn chưa phát triển được.

Hình thành tập đoàn không phải để chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Tập đoàn là một câu chuyện có tính hai mặt cần trao đổi rộng rãi. Mặt tích cực là sự hình thành tập đoàn đã kích thích quá trình tích tụ vốn. Điều này rất cần thiết.

Nhưng điều quan trọng là các tập đoàn phải đầu tư xây dựng công nghệ, phải tập trung xây dựng thương hiệu tập đoàn. Biểu đồ chuỗi giá trị hình thành theo parabol. Nhánh đầu tiên là nghiên cứu, triển khai, sau đó là thiết kế, tạo mẫu rồi mới đến chế tạo phụ tùng. Đáy của nó là gia công lắp ráp. Nhánh bên phải là tổ chức phân phối thị trường, xây dựng thương hiệu.

Tập đoàn của chúng ta hiện nay đều làm chưa tốt cả hai phần trên nhánh là nghiên cứu triển khai và đầu tư thiết kế tạo mẫu vì chủ yếu đang làm ở giai đoạn gia công.

Hơn nữa, các tập đoàn không hình thành theo quy luật phát triển tự nhiên mà có phần thiên về các quyết định hành chính nên hiệu quả thế nào, đến đâu cũng cần phải có một nghiên cứu, đánh giá lại thật cần thiết.

Tại một hội thảo ở Nhật cách đây vài tháng, người ta cũng phân tích rằng xu hướng hình thành tập đoàn ở Việt Nam như vậy có hạn chế là làm tăng cường xu thế độc quyền, chẳng hạn các tập đoàn than - khoáng sản dầu khí, điện... Xu hướng đúng là xu hướng hình thành tự nhiên thông qua quá trình tích tụ vốn.

TS Trần Đình Thiên: Tôi muốn bổ sung thêm khái niệm tập đoàn và gắn với nó là các nhóm lợi ích. Nếu đơn thuần là tập đoàn kinh doanh, thì không cần nói. Nhưng tập đoàn kinh doanh của nhà nước mới là câu chuyện đáng bàn. Nếu là 1 tập đoàn kinh doanh thông thường thì sẽ phải tuân theo nguyên lý phát triển bình thường theo thị trường.

Còn Tập đoàn Nhà nước thì cần phải định vị một chức năng gắn với nhà nước. Nghĩa là hoạt động của nó phải phục vụ và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển hơn là chèn lấn các khu vực kinh tế tư nhân, với tư cách là "đại gia" trong giới kinh doanh. Đây là điều cần cảnh báo. Trong điều kiện của chúng ta, tập đoàn gắn với cam kết WTO là phải đi liền với quá trình cổ phần hóa.

Mặt khác, bao giờ cũng có những nhóm lợi ích thao túng chính sách, tái định hướng chính sách theo lợi ích của họ, làm méo mó môi trường kinh doanh... Đây không phải chỉ là xu hướng riêng ở Việt Nam.

Gần đây, như báo chí đã nêu, rất nhiều tập đoàn chuyển sang kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Đây là vấn đề đang làm méo mó thị trường.

Xu hướng thứ hai là liên minh với nhau để lập ra các ngân hàng. Ngân hàng trong tập đoàn là xu hướng cần cảnh báo, vì nó có thể tài trợ cho những dự án kém hiệu quả và làm cho các dòng vốn bị sai lạc. Việc hút vốn và phân bổ vốn sẽ sai lạc. Điều này sẽ gây ra những rủi ro. Mà rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng là rủi ro hệ thống.

Một xu hướng khác nữa là lập ngân hàng để lên sàn Chứng khoán. Trước khi trở thành công cụ cho một nhóm lợi ích nào đó thì việc lập ngân hàng là để bán cổ phiếu vì giá cổ phiếu ngân hàng bao giờ cũng rất cao. Như vậy là tính chịu trách nhiệm đối với một cơ cấu tài chính như thế là có vấn đề.

Chính phủ cần thận trọng hơn trong việc ra các quyết định về những vấn đề nêu trên. Bởi vì chúng ta đã gia nhập vào một sân chơi mà ở đó, các nước đã kịp rút kinh nghiệm về vấn đề này từ lâu lắm rồi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Nhưng còn giải pháp? Ai sẽ là người giải quyết những vấn đề trên? Liệu lãnh đạo chúng ta có nhận thức được vấn đề này hay không?

Trương Đình Tuyển: Về vấn đề tập đoàn, trong xã hội đang còn nhiều luồng dư luận khác nhau. Nhận thức chung là "có vấn đề". Nhưng cụ thể là vấn đề gì thì đánh giá còn chưa thống nhất.

Nên có 1 cuộc trao đổi thẳng thắn với các ý kiến phản biện của chuyên gia lẫn đại diện tập đoàn kinh tế để Chính phủ lắng nghe, cân nhắc và lựa chọn ưu điểm, hạn chế để có phản ứng chính sách đúng. Đừng đề xã hội cứ nói một đằng và xu hướng hình thành cứ diễn ra một nẻo.

TS Trần Đình Thiên:  Phải có một sự phân biệt. Tập đoàn không phải là một chủ thể pháp lý. Đất nước rất cần những tập đoàn mạnh. Hiện chúng ta có các tập đoàn gắn với DN nhà nước. Có thể vẫn giữ tập đoàn với tư cách tổ chức kinh doanh nhưng trên nguyên tắc những gì cổ phần hoá được thì nên tinh đến việc huy động đóng góp của xã hội. Điều này cũng nằm trong lộ trình cổ phần hóa của chúng ta.

Cổ phần hóa: Cân nhắc lợi ích tổng thể và lợi ích khu vực

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Có một điều  quan trọng là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, lượng vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng lượng GDP họ tạo ra lại thấp hơn nhiều khu vực khác như đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân.

Do đó, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Như năm qua, Chính phủ cũng đã làm nhiều việc. Chuyện cổ phần hóa Vietcombank cũng cho thấy một nỗ lực. Hy vọng sang năm 2008 sẽ càng làm mạnh hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Để đẩy mạnh các cam kết gia nhập WTO?

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: WTO không buộc chúng ta phải loại bỏ doanh nghiệp nhà nước, nhưng họ yêu cầu các doanh nghiệp đó phải hoạt động theo tiêu chí thương mại bình đẳng. Họ rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp của chúng ta. Họ thường xuyên yêu cầu thông báo về tiến trình thực hiện.

TS Trần Đình Thiên: Cổ phần hóa xuất phát từ chính lợi ích của Việt Nam. Anh kiểm soát một lượng vốn rất lớn, nhưng hiệu quả, thì như chúng ta đã biết, ngoại trừ một số khu vực liên quan đến đầu tư, chỉ số ICOR cao, còn lại là họat động so với khu vực khác sẽ kém hiệu quả. Nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì lượng tài sản quốc gia ở một khu vực kém hiệu quả như vậy, thì tự chúng ta làm giảm đi lợi ích phát triển quốc gia. Nếu vẫn là tài sản quốc gia đó, mà huy động sự tham gia quản trị của toàn xã hội thì sẽ khác đi.

Đây chính là điểm cần cân nhắc giữa lợi ích tổng thể hơn là lợi ích khu vực.

Trương Đình Tuyển: Không những so sánh về GDP, mà ngay cả lượng lao động hút về khu vực nhà nước cũng ít hơn nhiều so với khu vực khác. Trong khi chúng ta đang rất có nhu cầu khẩn thiết về tạo việc làm cho người lao động.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Có lẽ chúng ta cần một giải pháp, biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa cho khu vực nhà nước để tăng cường hiệu quả kinh tế cho Việt Nam? Bắt đầu một năm gia nhập WTO, có lẽ cũng cần làm mạnh hơn nữa để tách bạch vai trò của nhà nước trong làm kinh tế. Nhà nước không nên làm kinh tế nữa để cho doanh nghiệp tư nhân làm.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Nếu bàn về vai trò nhà nước trong thời WTO thì còn rất nhiều chuyện. Tất nhiên nhà nước ngoài chức năng quản lý vĩ mô ra còn có chức năng phát triển. Nhà nước có thể phát huy chức năng ấy tại những nơi mà thị trường không vận hành đầy đủ, thị trường không bao phủ hết. Còn những nơi thị trường phát triển thì hãy để tư nhân hoạt động.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Vậy trong năm qua chúng ta đã làm tốt chưa? Đã tạo được chuyển biến gì chưa? Hay vẫn cứ giậm chân tại chỗ?

TS Trần Đình Thiên: Năm qua là một năm nhiều biến cố. Có những cái ta đã dự kiến được mà nó vẫn cứ ùa vào khiến ta vẫn thấy bất ngờ. Chẳng hạn như biến cố khiến chúng ta "xao xuyến" một thời gian như dự án 30 tỷ.

Năng lực hiện tại của chúng ta cho thấy mọi chuyện không phải đã giải quyết tốt. Có nhiều chuyện chưa tốt như mong muốn. Nhưng điều đáng kể là các vấn đề đã rõ ra, tạo áp lực, tạo ra nhận thức để năm sau, những việc làm sau đó sẽ bài bản hơn, nhất quán và hệ thống hơn. Đây là cái làm được lớn nhất trong năm 2007 - năm đầu tiên chúng ta là thành viên chính thức của WTO.

Trong năm 2007, những thời cơ, thách thức đã làm chúng ta ngây ngất, choáng váng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Cái chúng ta làm được năm 2007 là chúng ta đã nhận thức rõ hơn vai trò của nhà nước và thị trường. Phân vai về tư duy, nhận thức là có nhưng về hành động thì vẫn chưa chuyển đổi. Có lần tôi đã phát triển trong chính phủ, rằng đấy là mâu thuẫn trong tư duy chứ không phải là mâu thuẫn trong tư duy  - hành động. Nhiều khi chúng ta còn muốn níu kéo cách điều hành và tư tưởng điều hành cũ.

Hoàn tất cổ phần hóa 2010: Quá khó

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Trong khi chúng ta đang trực tuyến tại đây thì lúc này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đối thoại với 500 nhà đầu tư nước ngoài với tạp chí Economist - Việt Nam - Ngôi sao đang lên. Thủ tướng có cam kết trên diễn đàn này rằng năm 2010 sẽ hoàn tất thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng đây là một tin vui, nếu Thủ tướng đã cam kết và quyết liệt thực sự thì nghĩa là 3 năm nữa chúng ta sẽ hoàn tất cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Đây là một tin mừng nhưng đồng thời là một việc không dễ làm. Phải quyết tâm rất cao mới làm được.

Lý do thứ nhất là các doanh nghiệp nhỏ rất khó xử lý các khoản nợ. Nếu doanh nghiệp nhỏ thì không ai cản trở quá trình cổ phần hóa nhưng tiến trình vẫn chậm do hậu quả kinh doanh chồng chất lại và chưa xử lý được. Lý do thứ hai, đối với doanh nghiệp lớn thì có thể làm được không? Ví dụ việc IPO của Vietcombank chuẩn bị rất lâu.

Quan trọng nhất là cam kết của Thủ tướng thì tốt rồi còn phải hành động quyết liệt thì mới làm được vì khó lắm.

TS Trần Đình Thiên: Đấy là một quyết tâm. Nhưng cần phải xem những công cụ nào ta có trong tay để thực hiện quyết tâm đó? Tôi không nghi ngờ vào khả năng chúng ta có thể làm được việc ấy mặc dù rất lâu. IPO của Vietcombank  là cái đầu tiên nên mới lâu. Còn những lần sau nếu ta rút kinh nghiệm và xử lý tốt thì quá trình sẽ được đẩy nhanh.

Thứ nhất, chúng ta đã có công cụ tốt và nếu quản lý tốt công cụ này thì quá trình vận hành sẽ được đẩy nhanh. Đó chính là thị trường chứng khoán. Chúng ta biết rằng gia tốc của thị trường chứng khoán tăng lên rất rõ ràng. Đây là công cụ đặc biệt tích cực cho quá trình cổ phần hóa.

Thứ hai, sự quyết tâm cao của chính phủ và nhà nước.

Và cuối cùng là các bài học được tổng kết phổ biến nghiêm túc kể cả từ phía nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài sự quyết tâm của Thủ tướng, còn cần sự đồng thuận của bộ máy vận hành. Cần một quyết tâm chính trị của đất nước cho chuyện này. Đây mới là điểm xuất phát.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Liệu có còn nhiều lực cản?

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Tôi cho là lực cản đang ngày càng ít đi. Đồng thuận trong việc cổ phần hóa DN nhà nước là rất cao. Tuy còn một vài lực cản, nhưng đã thấp hơn so với mấy năm trước rất nhiều. Mục tiêu cổ phần hóa toàn bộ DN nhà nước vào năm 2010 dù rất khó nhưng không phải không làm được với công cụ hỗ trợ và kinh nghiệm chúng ta có trong thời gian vừa qua.

TS Trần Đình Thiên: Vấn đề này khó vì không chỉ liên quan đến lợi ích nhóm mà còn là lợi ích cho người lao động.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển:  Tôi lại không lo về vấn đề người lao động vì thực tiễn bao nhiêu năm đã cho thấy cổ phần hóa không khiến cho người dân mất việc, thậm chí còn thu hút thêm lao động từ ngoài về. Không phải cứ cổ phần hóa là người lao động mất việc mà ngược lại, các doanh nghiệp cổ phần hóa đều có những chỉ tiêu kinh tế xã hội rất tốt, lợi nhuận tăng, doanh thu tăng, nộp ngân sách nhà nước tăng và người lao động có thêm việc làm, lương tăng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Và quan trọng là người lao động chủ động hơn trong công việc của mình, có trách nhiệm hơn với công việc, năng động hơn, thực sự làm chủ hơn?

Trương Đình Tuyển: Vấn đề là cổ phần hóa kiểu gì? Bao nhiêu %? Thực tế là có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cổ phần rồi nhưng vẫn nắm giữ một tỷ lệ vốn rất lớn và điều này không tạo được áp lực để thay đổi. Do vậy đã làm hạn chế tính năng động tích cực của cổ đông và xã hội. Đây cũng là một bài toán chính phủ cũng phải tính kỹ để nâng cao hiệu quả cổ phần hóa.

VNN

Các tin tức khác

>   Vì sao EVN “lỡ hẹn” với nhà đầu tư? (12/01/2008)

>   Hải Phòng: Khởi công xây dựng Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp- PTSC (11/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Đầu tư và xây dựng Hồng Hà (11/01/2008)

>   Habeco lùi thời hạn IPO (11/01/2008)

>   Công ty TNHH Một thành viên DVDL Bến Thành IPO (11/01/2008)

>   Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) (11/01/2008)

>   CTCP Sản xuất-Thương mại Thiên Long: Điều chỉnh thời gian đăng ký tham dự đấu giá (11/01/2008)

>   Vinare tổ chức họp Đại hội Cổ đông bất thường (11/01/2008)

>   HDBank tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2007 và đổi cổ phiếu mới (11/01/2008)

>   SeaBank tăng vốn điều lệ (11/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật