Chưa bàn đến chuyện tăng giá bán lẻ xăng, dầu
Cuộc họp giữa Liên bộ Tài chính - Công Thương với 11 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối hôm nay 7/1 không đả động đến giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu mà chỉ xoay quanh quy chế điều hành giá bán mới cho năm 2008.
Như vậy, một vài ngày tới, người dân không phải lo lặng chuyện tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng, dầu.
Theo quy chế điều hành giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu được Liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra để lấy ý kiến các doanh nghiệp sáng nay, giá bán lẻ định hướng trong năm 2008 sẽ được dựa trên hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài.
Các hợp đồng mua bán này được ký trước một tháng hoặc quý, tùy thuộc vào năng lực kinh doanh của từng doanh nghiệp. Giá định hướng sẽ được các doanh nghiệp xây dựng ngay từ đầu năm căn cứ trên giá nhập khẩu, sau đó, đăng ký giá với Tổ giám sát xăng dầu Liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét. Nếu được chấp nhận, mức giá này sẽ được giữ ổn định cho cả năm.
Với Quy chế 187 cũ, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu do Liên bộ Tài chính - Công Thương tự xây dựng và công bố. Trên cơ sở này, doanh nghiệp được đề xuất giá bán mới khi thị trường biến động, không vượt quá 10% đối với mặt hàng xăng và 5% đối với dầu. Còn theo quy chế mới này, giá bán định hướng cho năm 2008 sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng.
Doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ dự phòng trong giá bán để phòng khi thị trường thế giới có biến động vượt giá định hướng. Khoản dự trữ này sẽ trích từ lãi mà doanh nghiệp được hưởng khi dầu thế giới giảm và được bù cho các tháng lỗ.
Sau 6 tháng, doanh nghiệp sẽ hạch toán lỗ lãi, các khoản tiền dôi dư từ quỹ sẽ được chuyển thành lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà nước không thu lại mà chỉ tính thuế đối với khoản dự trữ theo đúng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 28%.
Tại cuộc họp, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm đồng tình với quy chế mới mà Liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra, song họ còn băn khoăn với khung pháp lý đi kèm. Theo các nhà nhập khẩu, việc trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc điều hành giá bán hay cân đối cung cầu... cần phải quy định rõ ràng. Doanh nghiệp được làm gì, không được làm gì cũng phải được nêu rõ trong quy chế, đi kèm với đó là các chế tài cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có. Chẳng hạn Nghị định 55 tiếng là cho phép doanh nghiệp được chủ động về giá bán song kể từ thời điểm có hiệu lực 1/5 đến nay, chưa có đơn vị nào được thực hiện theo quy chế.
Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng thừa nhận cơ chế điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước hiện tại đang tạo ra tính phức tạp trong điều hành và gây vướng mắc cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa hoàn toàn có môi trường cần thiết để thực hiện nguyên tắc định giá bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý và có lời để đầu tư phát triển.
"Chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý mới. Phương án cuối cùng sẽ được trình Chính phủ xem xét và có ý kiến", đại diện Bộ Tài chính cho VnExpress biết.
VnE
|