Cạnh tranh khốc liệt... xe nhập khẩu
Một số DN ôtô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đây đã xin được giấy phép nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, báo hiệu sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ôtô thời gian tới. Ngày 28/12/2007, Toyota Việt Nam là DN đầu tiên được cấp phép nhập khẩu xe nguyên chiếc. Đến nay đã có thêm Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) và một số DN khác như Ford Việt Nam, Honda Việt Nam, GM- Daewoo... cũng đang xin giấy phép này.
Rồng được chắp cánh
Nhận xét về việc các DN FDI được nhập khẩu xe nguyên chiếc, tất cả các ý kiến đều thừa nhận chẳng khác nào "rồng được chắp cánh". Ông Phạm Hữu Tâm - Giám đốc Công ty Tradaco (TP.HCM) cho biết các DN FDI ôtô Việt Nam vốn là những đại gia, họ chiếm giữ phần lớn thị trường xe trong nước, nay lại tiếp tục mở rộng sang thị phần xe nhập khẩu thì đã mạnh lại càng mạnh hơn.
Khi các DN FDI được nhập khẩu xe nguyên chiếc thì điều chắc chắn là sẽ có nhiều mẫu xe mới với nhiều thương hiệu nổi tiếng được đưa vào Việt Nam. Tại lễ ra mắt mẫu xe MPV Chevrolet Vivant ngày 25/1/2008, Tổng giám đốc Công ty Ôtô GM-Daewoo Việt Nam Jung-In Kim cho biết, nếu GM Daewoo được nhập khẩu thì có thể sẽ đưa về Việt Nam cả 13 thương hiệu của Tập đoàn General Motor như: Opel, Chevrolet, Cadillac, GMC, Hummer, Saab, Saturn…
Ford hay Toyota Việt Nam cũng vậy, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu rất nhiều mẫu xe với các nhãn hiệu xe như Jaguar, Aston Martin, Land Rover, Lincoln, Mercury, Volvo (Ford); Lexus, Scion (Toyota).
Điều này sẽ làm cho thị trường xe nhập khẩu trở nên phong phú và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với xe nhập khẩu của các nhà nhập khẩu Việt Nam cũng như với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
11 tháng nữa là "cuộc chơi" sẽ bắt đầu
Tuy nhiên, theo lộ trình thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1/1/2009 các doanh nghiệp FDI mới được phép phân phối xe nguyên chiếc. Những DN đã có giấy phép nhập khẩu hiện chỉ giới hạn được phân phối xe nhập thông qua 1 đại lý. Điều này đã hạn chế phần nào "sức mạnh" của họ, nhưng cũng chỉ còn 11 tháng nữa là "cuộc chơi" bắt đầu. Các DN như Ford Việt Nam, Honda Việt Nam, GM - Daewoo... cho biết chắc chắn 2009 họ sẽ vào cuộc.
Các phân tích cho thấy, DN FDI chắc chắn sẽ có nguồn nhập khẩu xe dồi dào bởi được tiếp sức từ các công ty mẹ. Không những thế giá cả cũng có nhiều lợi thế và họ có tiềm lực để nhập khẩu xe với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các DN FDI cũng có lợi thế lớn với hệ thống bán hàng và dịch vụ chuyên nghiệp rộng khắp đã được xây dựng từ lâu, nên những khách hàng mua xe sẽ được hưởng lợi.
Những lợi thế mà các DN FDI có lại là những hạn chế của các DN nhập khẩu ôtô của Việt Nam. Hiện nay các DN nhập khẩu ôtô Việt Nam chủ yếu phải nhập xe qua trung gian, yếu tố giá cả không có nhiều thuận lợi, vốn lại ít, nguồn xe nhập cũng không khai thác được nhiều và thiếu hệ thống bán hàng, dịch vụ chuyên nghiệp. Nhiều nhà nhập khẩu của Việt Nam hiện chỉ bán xe cho khách hàng xong là hết trách nhiệm, việc bảo hành bảo dưỡng tự khách hàng lo. Nếu khách hàng đưa xe vào những cơ sở bảo hành của các DN FDI thì phải chịu 1 cái giá khác, cao hơn so với khách hàng mua xe từ DN FDI.
DN trong nước sẽ làm gì?
Để cạnh tranh, các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam cho biết họ đang lên kế hoạch chuẩn bị như đẩy mạnh tìm kiếm khai thác nguồn hàng với giá hợp lý, mẫu mã phong phú, hỗ trợ khách hàng dịch vụ sau bán hàng và thành lập Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô... Theo ông Tâm sắp tới thị trường ôtô nhập khẩu sẽ bước vào "cuộc chơi" khốc liệt, nhưng giá xe sẽ hợp lý hơn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều từ cạnh tranh này.
Đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các DN FDI khẳng định việc nhập khẩu xe nguyên chiếc không ảnh hưởng đến xe trong nước. Nhiều DN FDI vẫn coi xe sản xuất lắp ráp trong nước là sản phẩm chính và vẫn đầu tư cho ra đời nhiều mẫu mã mới. Những mẫu xe nhập khẩu chỉ là những mẫu xe trong nước chưa sản xuất lắp ráp được. Qua nhập khẩu thăm dò thấy mẫu xe nào có nhu cầu với số lượng lớn sẽ tiến hành sản xuất lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó để cạnh tranh với xe nhập khẩu thì xe sản xuất trong nước bắt buộc phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành... Điều này cuối cùng người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng khi xe nhập khẩu về nhiều, mà người tiêu dùng Việt Nam vốn vẫn đánh giá cao xe ngoại thì xe trong nước sẽ mất đi một bộ phận khách hàng, nhiều mẫu xe có nguy cơ sẽ tiêu thụ chậm hoặc giảm số lượng, điều này ngay lập tức tác động tới quyết định của nhà sản xuất. Rất có thể có những DN sẽ giảm sản xuất và tăng nhập khẩu - ông Trần Bá Dương Tổng giám đốc Công ty ôtô Trường Hải nói. Nếu ngành công nghiệp ôtô không có điều chỉnh để khuyến khích sản xuất trong nước thì sẽ gặp khó khăn. Công nghiệp phụ trợ không phát triển được, lực lượng lao động thu hút vào giảm và cơ hội để làm chủ công nghệ sẽ mất...
vnn
|