“Vật vã” cổ phần hóa nông, lâm trường
Trong ngành nông nghiệp, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu khá suôn sẻ, trái ngược hẳn với việc cổ phần hóa nông, lâm trường.
Đây là nguyên nhân chính khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa toàn bộ 17 tổng công ty lớn của Bộ và 329 doanh nghiệp trực thuộc. Cụ thể, vẫn còn 19 doanh nghiệp và 11 tổng công ty nông nghiệp không thể thực hiện được cổ phần hóa.
Theo phân tích của Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sở dĩ việc cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra chậm là do, hầu hết các doanh nghiệp có lượng vốn ít, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, số vốn của 329 doanh nghiệp và 17 tổng công ty nông nghiệp là 6.050 tỷ đồng, tức bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ có... 17,5 tỷ đồng, thậm chí có tới 15% doanh nghiệp còn có vốn chưa đến 1 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp có nguồn vốn ít chủ yếu nằm ở các tổng công ty xây dựng, rau quả, chè... khi vốn Nhà nước tại các tổng công ty này bình quân là 100-200 tỷ đồng.
Trái lại, một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Lương thực, Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp... có vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chính điều này cũng đã tạo nên sự chênh lệch rất lớn giữa các tổng công ty, dẫn đến quá trình cổ phần hóa không thể diễn ra đồng đều.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam Trần Đức Sinh cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay là sự bất cập trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, hiện tại mới chỉ xác định được giá trị của một số loại cây như cà phê, cao su, còn các loại cây khác vẫn chưa thể xác định được. Mặt khác, nhiều nông lâm trường có xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, dẫn đến việc sản xuất, trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, đặc biệt là các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ. Một số đơn vị lâm nghiệp gắn với chế biến đang chuẩn bị phương án để cổ phần hóa trong năm 2008 nhưng cản trở lớn nhất là vấn đề đất đai bởi gần như địa phương nào cũng nảy sinh tranh chấp về đất rừng.
Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế, tiêu chí rõ ràng để phân loại, xác định giá trị rừng. Mô hình gắn trồng rừng với chế biến là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có hàng loạt chính sách, cơ chế.
Theo ông Sinh, cần tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát kỹ lưỡng trước khi ban hành khung giá. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung, khi cổ phần hóa các đơn vị cao su là chúng tôi vẫn giữ được cổ phần chi phối trên 50% sau khi xác dịnh được giá trị vườn cây, do đó, khi đưa lên sàn, nhà đầu tư đã đấu giá đúng.
Ông Thung cho rằng, sở dĩ giá cổ phiếu của cao su tăng mạnh là do giá cao su thế giới tăng, cũng như năng suất vườn cây cũng tốt. "Song điều quan trọng là thương hiệu, do đó sau khi cổ phần hoá giá trị của chúng tôi đã tăng tới 6-10 lần, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 42 lần", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng, về cơ bản các tổng công ty hiện nay có khó khăn chính là cơ cấu lại công ty mẹ, tức là các đơn vị phụ thuộc công ty mẹ cũng phải sắp xếp lại. Điều đó bắt buộc họ phải sắp xếp công ty mẹ ổn định, rồi mới tiến hành cổ phần hoá được công ty mẹ.
"Chúng tôi cũng đã có chủ trương, nếu các doanh nghiệp nào quá yếu sẽ buộc phải giải thể để bớt làm gánh nặng cho các công ty mẹ. Trước mắt, đã có một số công ty chè buộc phải giải thể. Việc giải thể này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty mẹ tập trung nhân lực, nguồn vốn để dồn cho các đơn vị còn lại trong công ty mẹ lớn hơn, mạnh hơn", ông Tần khẳng định.
Bên cạnh đó, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các nông lâm trường được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến. Qua thí điểm hiệu quả ở Tông công ty Chè Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ cho phép tổ chức đại trà cổ phần hóa cơ sở chế biến gắn với vườn cây thay vì cổ phần hóa từng bộ phận.
Vấn đề đặt ra là cần sớm có cơ chế phân chia quyền lợi phần giá trị gia tăng giữa bên giao khoán và người nhận khoán khi đánh giá giá trị vườn cây để cổ phần hóa. Theo kế hoạch, trong năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành cổ phần hoá toàn bộ 11 tổng công ty còn lại ngay sau quý 1.
* Từ năm 2002 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sắp xếp, đổi mới 310/329 doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có 236 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, huy động thêm 160 tỷ đồng từ người lao động, nhà đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, hầu hết doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả, 137/144 doanh nghiệp đã cổ phần từ 1 năm trở lên đều có lãi, trong đó nhiều doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa thường xuyên thua lỗ.
Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ 5 năm trở lên liên tục giữ được mức tăng trưởng khá, ổn định như Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty Cổ phần Dược và Vật tư thú y, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Hải... Chỉ có 7/144 doanh nghiệp lỗ, nhưng đều là những doanh nghiệp trước đây đang thua lỗ nặng và chưa xác định được hướng phát triển hữu hiệu.
TBKTVN
|