Thay đổi cách thức cổ phần hóa, nên chăng?
Nhóm chuyên gia về thị trường vốn vừa đưa ra một kiến nghị tại Diễn đàn DN Việt Nam 2007 là thay vì định giá bằng cách lấy giá bình quân thông qua IPO của DN, nên chuyển sang hình thức định giá trên cơ sở của giá trị tổng hợp và cố định giá của các lần chào bán ra công chúng như các quốc gia khác đã làm. Xung quanh đề xuất này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Tuấn, Trưởng đại diện Dragon Capital tại Hà Nội.
Ông có thể cho biết, xuất phát từ cơ sở nào mà nhóm chuyên gia về thị trường vốn lại đưa ra đề xuất trên?
Các văn bản pháp luật hiện hành đưa ra yêu cầu phải có đấu giá công khai và cổ phiếu bán ra với nhiều loại giá. Tuy nhiên, qua 2 đợt CPH của Bảo Việt và tới đây là Vietcombank có thể thấy, 2 lần Chính phủ đều đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trước và định ra được giá cổ phần, trên cơ sở đó tiến hành đấu giá bán một phần tương đối nhỏ cổ phần ra công chúng.
Cung yếu, cầu cao, TTCK Việt Nam đang nóng khiến giá cổ phiếu được đẩy lên mức rất cao, kết quả là bình quân giá cổ phiếu mua ngoài thị trường lên quá mức, khiến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không thể tiếp cận được.
Cần nhìn nhận một thực tế, đây là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đánh giá giá trị công ty theo cách của riêng họ và không thể chấp nhận được mức giá mà nhà đầu tư cá nhân không hiểu DN lại trả giá cao. Hơn nữa, nhà đầu tư chiến lược còn có một loạt điều kiện bắt buộc khác để họ gắn bó với DN.
Cơ chế CPH như hiện tại buộc các nhà đầu tư nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược của các DN lớn chuyển sang CPH phải chấp nhận giá đấu bình quân cao. Đây cũng là lý do sau khi có giá đấu bình quân của Bảo Việt nhiều nhà đầu tư đành bỏ cuộc, từ chối trở thành đối tác chiến lược. Với Vietcombank, nếu tới đây giá trúng thầu bình quân quá cao, có thể lại không có nhà đầu tư chiến lược, mà không có nhà đầu tư chiến lược thì không đẩy được hoạt động của DN đi lên.
Nếu để nhà đầu tư chiến lược được mua giá thấp thì có thể tạo ra sự mất công bằng như trước đây?
Nếu vẫn tổ chức đấu giá và giá trúng thầu có thể rất cao sau đó lại để nhà đầu tư chiến lược mua thấp hơn thì không công bằng. Vì vậy, chúng tôi đề xuất nên có giá cố định, tức là đưa ra mức giá trên cơ sở tổng hợp mọi yếu tố, dựa trên góc nhìn của nhà tư vấn và cố định giá của các lần chào bán ra công chúng. Hãy đừng nghĩ rằng, IPO bán được giá càng cao càng tốt, nên hướng về mục tiêu bán được giá để sau này DN thu được giá trị mà vẫn có lực để phát triển bền vững lâu dài.
Nếu chào bán giá cố định như vậy, cơ hội tiếp cận cổ phiếu liệu có công bằng với các nhà đầu tư?
Nếu thực hiện theo phương thức này, cần nhìn nhận khía cạnh cung cầu. Hiện nay, đang tồn tại sự chênh lệch về cung cầu cổ phiếu của các DN lớn khi Nhà nước chỉ đưa ra một lượng rất nhỏ cổ phiếu bán ra bên ngoài. Trước đây, với cung cầu như vậy, đấu giá cổ phần DN nào cũng bán hết, giá gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng gần đây tình hình có khác, khi cung tăng mạnh thì giá cả và cơ hội tiếp cận hàng hóa dễ dàng hơn, có thể thấy thực tế này qua các đợt bán trái phiếu DN của những công ty lớn như Vinaconex chẳng hạn. Khi phát hành, nên đưa ra lượng tương đối đủ cung cầu như nước ngoài, nhà đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn. Khi DN CPH cần xác định cầu vốn cho DN mới là quan trọng, tức là DN cần huy động vốn để phát triển, chứ không phải xác định mục tiêu là tạo cơ hội cho nhà đầu cơ mua hôm nay, bán ngày mai.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng
Đã đến thời điểm nghiên cứu điều chỉnh phương thức CPH, định giá DN. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã xem xét việc mở rộng các phương thức, thay vì chỉ thông qua đấu giá như hiện nay, có thể đưa ra phương án chào bán trước hoặc sau cho đối tác chiến lược, thay vì chỉ có một hướng là chào bán sau.
ĐTCK
|