Sức ép giá cả, lạm phát trước ngưỡng cửa 2008
Chúng ta phải giải bài toán lạm phát với quá nhiều điều kiện: đảm bảo tự do hoá thị trường thông qua lộ trình giảm sự bảo trợ giá của nhà nước, đảm bảo hấp thụ tốt lượng vốn đầu tư, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập siêu trong đó không cho đồng nội tệ tăng giá quá nhiều. Nền kinh tế phát triển nhanh cũng là áp lực tạo ra lạm phát cầu kéo.
Năm 2008: nhiều biến động về giá?
Theo nội dung Nghị định 166, 167 và 168/2007/NĐ-CP, mức lương của người có thu nhập trung bình sẽ tăng 31,5% và mức lương người có thu nhập thấp tăng 50% so với mức lương cũ.
Theo đó, từ 1/1/2008 mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng từ 450.000 lên 540.000 đồng/tháng. Lương hưu cũng tăng 20%.
Cho đến qua tết Nguyên Đán, khi nhu cầu mua sắm ngày càng tăng thì lạm phát có thể sẽ càng tăng. Lạm phát do nhu cầu tăng trưởng kinh tế; do nhu cầu tiêu dùng và do lượng tiền trong lưu thông tăng: tháng lương thứ 13, tiền kiều hối gửi về và theo Việt Kiều về quê ăn tết, tiêu dùng mua sắm tết. Liệu câu chuyện cũ về lạm phát tăng đột biến vào các tháng sát tết lại lặp lại vào năm nay?
Theo lộ trình điều hành giá cả thì năm 2008, Nhà nước và DN điều hành giá nhiều loại hàng hoá theo cơ chế thị trường: điều hành xăng hoàn toàn theo thị trường, xoá bù lỗ dầu, đồng thời tăng giá bán than, điện theo lộ trình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Năm 2008 sẽ là năm tiếp tục thực hiện lộ trình xoá bao cấp về giá.
Việc thả nổi giá của một số mặt hàng chiến lược (như xăng dầu, than, xi măng) là tất yếu khi Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc cuộc chơi của nước có nền kinh tế thị trường và của WTO.
Năm 2008 là năm giải ngân đặc biệt của ngân sách nhà nước, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cam kết sẽ đầu tư khoảng 30 tỉ USD mỗi năm cho CSHT. Trong năm 2008 sẽ dành hầu như toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư để tập trung vào hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông và hạ tầng thủy lợi và lo hạ tầng xã hội.
Bài học từ việc mua dồn dập USD sau đó phát hành dồn dập trái phiếu để thu lại lượng tiền đồng đã dùng để mua USD vẫn còn đó. Chắc chắn, trong năm tới, chính sách tiền tệ của Chính phủ sẽ phải được thực hiện cẩn trọng hơn.
Tổng lượng vốn đầu tư FDI và ODA năm 2008 tiếp tục tăng. Nếu năm 2007, FDI dự tính đạt 16 tỷ thì con số ước đoán cho năm 2008 sẽ cao hơn nữa. ODA cam kết tài trợ năm 2008 là 5,4 tỉ USD. Rồi dòng vốn đầu tư gián tiếp, tức dòng tiền thuần túy đổ vào Việt Nam chủ yếu để mua chứng khoán, cũng gia tăng mạnh. Các dòng vốn USD này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng, đặt ra cho chúng ta bài toán: giữ tỷ giá hay tăng giá tiền đồng.
Câu trả lời dường như chúng ta tiếp tục ổn định tỷ giá tiền đồng, nghĩa là sẽ phải có một lượng tiền đồng được tung ra để chuyển đổi lượng USD này.
Khi đầu vào nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn cung thế giới và một chính sách tỷ giá gắn chặt với đồng đô la Mỹ như ở Việt Nam thì theo WB, sự tăng giá của một số mặt hàng trên thị trường thế giới, như dầu mỏ và nguyên liệu, sẽ làm gia tăng lạm phát chi phí đẩy trong nước.
Rõ ràng chúng ta sẽ bị kẹp trong cả hai “tròng” tăng cung tiền và tăng chi phí, đều làm lạm phát tăng.
Như vậy chúng ta phải giải bài toán lạm phát với quá nhiều điều kiện: đảm bảo tự do hoá thị trường thông qua lộ trình giảm sự bảo trợ giá của nhà nước, đảm bảo hấp thụ tốt lượng vốn đầu tư, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập siêu trong đó không cho đồng nội tệ tăng giá quá nhiều. Nền kinh tế phát triển nhanh cũng là áp lực tạo ra lạm phát cầu kéo.
Cũng không thể bỏ qua yếu tố tâm lý của nhà cung cấp và người tiêu dùng. Khi mà tất cả các phương tiện truyền thông quá nhấn mạnh tới lạm phát, làm mọi người có hình dung là lạm phát đang tăng cao, tự dưng tạo ra lực đẩy làm giá tăng theo. Người bán vin vào lý do để tăng giá kiếm thêm lời dù đầu vào không tăng, còn người mua sẽ dễ dàng chấp nhận việc tăng giá của người bán.
Giải pháp kiềm chế lạm phát và chìa khóa cải cách
Tăng tốc độ chu chuyển của dòng vốn là một giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra, điều này liên qua tới hiệu quả sử dụng vốn. Tiền nếu được quay vòng nhanh chóng sẽ giảm chi phí bản thân của đồng tiền, nâng cao hiệu quả sử dụng. Muốn vậy cần phát triển hệ thống tiền tệ phi tiền mặt, cũng như hệ thống tín dụng ngân hàng tiện lợi an toàn để thu hút tiền đồng về.
Giải pháp phát hành trái phiếu hiện chưa hiệu quả và trở nên đắt đỏ. Phát hành với lãi suất quá cao sẽ là gánh năng cho Chính phủ sau này. Hơn nữa lạm phát tăng làm trái phiếu không còn hấp dẫn.
Thay vào đó, hãy tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân vào khu vực nhà nước sẽ giảm gánh nặng chi ngân sách, đồng thời thu hút được một lượng vốn lớn dư thừa của xã hội, thông qua cổ phần hoá thực sự các doanh nghiệp nhà nước và xã hội hoá các lĩnh vực (như giáo dục, y tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, thay vì trực tiếp vay vốn qua phát hành trái phiếu).
Cổ phần hoá và tăng cường đầu tư tư nhân sẽ nâng cao hiệu quả được đầu tư, thu hút được vốn từ khu vực tư nhân vốn đang được giữ lại đầu tư ngắn hạn như vào vàng, chứng khoán hoặc nhà đất. Người dân rất muốn đầu tư vào các lĩnh vực vốn độc quyền của nhà nước nhưng vẫn e ngại về hiệu quả đồng vốn, khi mà các doanh nghiệp sau cổ phần hoá nhà nước vẫn chiếm chủ đạo nên được cho rằng chưa thật sự được đổi mới.
Thu hút đầu tư cũng có nghĩa là giảm tỷ trọng tiêu dùng trong tổng thu nhập của người dân, chuyển sang đầu tư dài hạn, qua đó giảm lạm phát. Muốn thu hút nhiều vốn từ người dân, chính phủ cần thông thoáng và mạnh dạn hơn nữa trong cổ phần hoá, công khai minh bạch hoá hơn nữa trong quản lý vốn. Đây không phải là việc khó làm và mất thời gian.
Giảm chi phí tất nhiên vẫn là một trong các câu trả lời nổi bật, trong đó bao gồm giảm chi phí thông qua giảm chi phí thủ tục hành chính, giảm các phí thu không chính đáng của nhà nước (như chi phí ngầm, hối lộ).
Giảm chi phí thông qua phát triển cạnh tranh gồm như tự do hoá thị trường tăng cạnh tranh làm giảm giá như chúng ta thấy trong kinh nghiệm của Đức chống độc quyền và phát triển hệ thống phân phối nhiều thành phần, hạn chế lợi nhuận tối đa của các lĩnh vực mà cạnh tranh còn hạn chế (như xăng dầu).
Giảm chi phí còn trong việc huy động và giải ngân nhanh chóng các nguồn vốn rẻ (như ODA và FDI). Chúng ta lại quá lệ thuộc vào đi vay trái phiếu cả trong và ngoài nước, vốn dĩ huy động nhanh nhưng chi phí lại quá cao và bị giới hạn thời gian vay ngắn, trong khi giải ngân nguồn vốn chi phí thấp như ODA lại quá chậm.
Tốc độ giải ngân FDI năm 2007 dưới 30%, tức là lãng phí 70% nguồn vốn này. Chính sự lãng phí này sẽ dẫn tới trong thời gian ngắn sắp tới thôi, chúng ta phải xuất tiền, đưa tiền đồng vào lưu thông nhiều hơn nữa để trả các khoản vay hoặc mua USD để trả nợ nước ngoài, có nghĩa là sẽ lại lâm vào cái vòng luẩn quẩn của lạm phát.
Cuối cùng, về lâu dài, cải cách hệ thống hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của sản xuất trong nước và trong xuất khẩu mới chính là các giải pháp xử lý bền vững và lâu dài lạm phát.
Báo cáo Giám sát kinh tế châu Á công bố hôm 13/12 (AEM) của ADB, trong phần liên quan Việt Nam, nêu lên quan ngại về mức độ lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
Theo ABD, lạm phát của Việt Nam trong năm 2007 có xu hướng tăng cao.
Tháng 11/2007 lạm phát đã đạt tới 10% so với cùng kỳ năm 2006. So với các nước khác trong khu vực thì tỷ lệ lạm phát vừa nêu của Việt Nam đều cao hơn.
Kết luận của ADB thì sự tăng giá của nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm là yếu tố chính khiến lạm phát gia tăng.
ADB chỉ ra rằng tại Việt Nam mức tăng lương thực thực phẩm luôn cao hơn so mức tăng tổng thể của chỉ số giá cả CPI.
Chính ADB đã đưa ra khuyến cáo là lạm phát sẽ làm giảm sức mua của người nghèo, dẫn đến tăng bất bình đẳng về thu nhập của người dân trong xã hội.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, đã khuyến cáo rằng Việt Nam cần phải kiềm chế lạm phát đang tăng lên mức độ “đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng mức lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm vào năm 2008.
VNN
|