Còn nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang thu thập ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp về các quy định thuế để soạn thảo dự thảo luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, cơ quan thuế địa phương tham gia, góp ý để bảo vệ chính quyền lợi của mỗi đơn vị mình.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi có luật thuế thu nhập doanh nghiệp đến nay đã góp phần quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài; khuyến khích đầu tư theo định hướng của nhà nước và giảm khoảng cách phát triển giữa các địa phương… Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục để hài hòa giữa việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước với khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và công bằng doanh nghiệp.
Điểm hạn chế dễ nhận thấy của chính sách ưu đãi thuế hiện nay là mức thuế ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải. Hiện nay, theo quy định, có tới 53 lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, 26 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và các địa bàn huyện, thị xã ưu đãi đầu tư lên tới 55 trong tổng số 64 tỉnh thành trong cả nước. Về mức ưu đãi, các đối tượng thuộc diện ưu đãi với mức tối đa là: thuế suất 10% trong 15 năm đầu, miễn thuế 4 năm và giảm tới 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo... Điều này không những không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng, miền mà nhà nước mong muốn đầu tư mà vô tình đã để nhiều doanh nghiệp lách luật. Đó là hết thời gian ưu đãi, chủ doanh nghiệp giải thể doanh nghiệp cũ, đồng thời thành lập doanh nghiệp mới. Về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sỹ Bạch Thị Minh Huyền, chuyên gia tư vấn trong nước thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của ủy ban châu Âu cho Việt Nam, cho rằng: “Theo tôi chính sách ưu đãi thuế nên tập trung hơn. Thứ nhất là tập trung vào một vài lĩnh vực, ngành nghề mà chúng ta cần thu hút và phải có tiêu chí ưu đãi cụ thể, rõ ràng để tránh những cách hiểu sai khác. Thứ hai là thu hẹp bớt các vùng ưu đãi, không nên quá ưu đãi nhiều vùng như hiện nay, như vậy sẽ rất dàn trải”.
Về quy định mức ưu đãi thuế khác nhau giữa dự án mới và dự án mở rộng đầu tư sản xuất hiện nay, ông Quách Mạnh Đạt, chuyên viên Cục thuế Quảng Ninh, cho rằng: “Việc quy định mức ưu đãi giữa dự án mới và dự án đầu tư mở rộng đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư dự án mới. Điều này sẽ dẫn đến doanh nghiệp ít đầu tư chiều sâu, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng, phát triển. Do đó tôi cho rằng mức ưu đãi nên như nhau, không phân biệt giữa dự án mới và dự án đầu tư mở rộng”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lồng ghép giữa biện pháp miễn, giảm thuế với các chính sách xã hội cũng đang làm cho cơ quan thuế khó quản lý hơn và tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi này, gây mất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Ví dụ: quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập từ sản xuất kinh doanh của cơ sở giành riêng cho lao động là người tàn tật. Ông Nguyễn Huy Nhạn, Phó cục trưởng cục thuế thành phố Hải Phòng cho biết, do có quy định này, có thời điểm thành phố Hải Phòng có tới gần 100 doanh nghiệp thương binh ra đời để được miễn giảm thuế, tuy nhiên, trong thực tế các doanh nghiệp này đã dùng thẻ thương binh để làm thủ tục đăng ký. Trước thực trạng này, ông Nhạn đề xuất ý kiến: “Nên tách bạch giữa mục tiêu phát triển doanh nghiệp với chính sách xã hội. Không nên lồng ghép vào nhau, bởi như vậy sẽ vừa khó quản lý, vừa tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lách luật, thất thu thuế cho nhà nước và không tạo công bằng giữa các doanh nghiệp”.
Theo luật quản lý thuế vừa có hiệu lực, xu hướng chung sẽ tiến tới việc doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế, các cơ quan thuế chỉ tiến hành hậu kiểm. Do vậy các chuyên gia về thuế cho rằng, các quy định về thuế phải ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu, dễ thực hiện, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế. Bà Giovana Chiesa, chuyên gia chính sách thuế của Văn phòng thuế quốc tế tại Hà Lan, cho rằng: “Nhìn chung quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp ở các nước là tương đồng. Do đó điều quan trọng hơn cả là cần làm chính sách đó minh bạch, rõ ràng với các tiêu chí cụ thể cho doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo đúng mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, tránh tình trạng lách luật để được ưu đãi, gây thất thu thuế cho nhà nước. Hơn nữa quy trình thủ tục về miễn giảm thuế cần đơn giản hơn, tránh việc doanh nghiệp phải chờ đợi và phải chi phí ngầm để được hưởng ưu đãi.
Bộ Tài chính đang thu thập ý kiến của các chuyên gia trong ngành thuế và các doanh nghiệp về các quy định thuế để soạn thảo dự thảo luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, cơ quan thuế địa phương tích cực tham gia, góp ý để bảo vệ chính quyền lợi của mỗi đơn vị mình. Dự kiến dự thảo luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ được Bộ Tài chính hoàn tất trong năm 2008 trình Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội./.
VOV
|