Sẽ có một "thành phố" công nghệ cao Hòa Lạc?
Mục tiêu đặt ra của Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc theo TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Trưởng BQL, là đến năm 2010 sẽ lấp đầy 50-60% diện tích KCN và khu công viên phần mềm, phấn đấu có từ 8-10 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và đến năm 2015 sẽ cơ bản lấp đầy các khu vui chơi giải trí, khu nhà ở và khu trung tâm... và trong kế hoạch dài hạn Khu CNC Hòa Lạc sẽ trở thành một thành phố công nghệ như quy mô thu nhỏ của Tân Trúc (Đài Loan), Silicon Valley (Mỹ), Bangalor (Ấn Độ)...
Tuy nhiên, trước mắt, cũng theo ông Lạng, để làm được một cú đột phá trong năm 2008, thực hiện được mục tiêu là phải đạt được khoảng nửa tỷ USD vào KCN Hòa Lạc, thu hút nhiều hơn những nhà đầu tư đến với KCN Hòa Lạc và từng bước khắc phục những yếu kém còn tồn tại, Ban quản lý đang xúc tiến thực hiện chính sách 4 cửa trong 1: 1 cửa, 1 chữ ký, 1 con dấu và 1 ngày để giảm thiểu những khó khăn cho nhà đầu tư, tạo thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cũng như thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Lạng và một số nhà đầu tư tại KCN Hòa Lạc đã trả lời phỏng vấn của VietNamNet:
- Theo ông tự đánh giá thì Khu CNC Hòa Lạc có ưu thế cạnh tranh như thế nào để kêu gọi các nhà đầu tư?
TS. Nguyễn Văn Lạng: Chúng tôi cũng phải nói thật là trong giai đoạn đầu tiên là năm 2007 và một phần của năm 2008 chúng tôi muốn đạt được sự đột phá về lượng vốn đầu tư khoảng 300- 400 triệu USD thậm chí nửa tỷ USD đổ vào khu Hòa Lạc để tạo một không khí mạnh mẽ hơn, khởi sắc hơn. Còn khi hạ tầng KCN tốt hết, hạ tầng xong hoàn toàn, đường cao tốc Láng Hòa Lạc hoàn thiện, hệ thống cáp thông tin viễn thông được kết nối hoàn chỉnh v.v... thì lúc đó những nhà đầu tư lớn sẽ đến, và sẽ tạo ra được sự cạnh tranh tốt.
Hiện nay chúng tôi chưa có thế mạnh nào trong sự cạnh tranh với các KCN khác. Nếu so sánh với các KCN của TP.HCM thì chúng tôi còn yếu hơn nhiều, hạ tầng chưa tốt hơn, bộ máy quản lý chưa chuyên nghiệp hơn. Họ gần cảng, gần sân bay, có hạ tầng tốt hơn và họ là một thành phố đông dân và năng động nhất VN và cũng là trung tâm tài chính thương mại lớn nhất VN.
Và khi họ đã có nhà đầu tư lớn tầm cỡ như Intel vào, sẽ tạo một lực hút rất lớn cho các nhà đầu tư khác. Họ sẽ đặt câu hỏi vì sao Intel đã chọn KCN Saigon Hitech. Nhưng chúng tôi thì chưa làm được điều đó. Mình phải biết điểm yếu của mình ở đâu để khắc phục.
Chúng tôi thấy rằng vấn đề quan trọng nhất sau khi giải quyết được hạ tầng là phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Khu CNC Hòa Lạc không có được những thuận lợi như các KCN khác, không gần cảng, không gần sân bay, hạ tầng chưa được giải quyết tốt bằng các KCN khác thì anh phải có gì khác họ, là phải có được dịch vụ tại chỗ tốt hơn, như nhà ở, lực lượng lao động. Kêu gọi đầu tư không thôi chưa đủ. Nếu mình không có gì khác biệt, không có gì hơn các KCN khác thì khó có thể mời gọi nhà đầu tư đến.
- Thưa ông, liệu có mâu thuẫn gì không giữa mong muốn kêu gọi càng nhiều càng tốt với việc các nhà đầu tư có đủ tiêu chuẩn phải hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao mới được vào khu CNC Hòa Lạc?
TS. Nguyễn Văn Lạng: Theo tôi không hề có mâu thuẫn gì cả. Họ vào rất nhiều nhưng vấn đề là ai sẽ đậu lại. Họ phải là DN đủ tiêu chuẩn theo những quy định hiện hành của Chính phủ về DN công nghệ cao. Đó là Quyết định 99, Quyết định 53 của Chính phủ và Quyết định 27 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ về danh mục các loại sản phẩm được ưu tiên vào Khu CNC (DN đủ tiêu chuẩn được vào khu CNC sẽ được hưởng ưu đãi của Chính phủ, miễn thuế TNDN trong 10 năm - PV). Ví dụ như chúng tôi vừa cấp phép cho DN Thuận Phát đầu tư dự án 70 triệu USD, nhập dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất của Siemen xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và máy điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam. Tôi cho rằng họ hoàn toàn xứng đáng được cấp phép vào KCN Hòa Lạc và năm 2008, họ sẽ đi vào hoạt động sản xuất.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do chọn Khu CNC Hoà Lạc là nơi đầu tư, ông Toshihiko Kanazawa, Giám đốc hành chính Tập đoàn Noble (Nhật Bản) cho biết, khu CNC Hoà Lạc hội tụ đủ những ưu đãi dành cho các sản phẩm của Noble - nhà sản xuất những sản phẩm công nghệ cao cho các tập đoàn lớn trên thế giới như Sharp, Canon... và Công ty TNHH điện tử Noble Việt Nam có vốn đầu tư 5 triệu USD đã hoạt động tại Khu CNC Hoà Lạc được 2 năm và giá trị xuất khẩu riêng trong năm 2007 dự kiến đạt trên 10 triệu USD.
- Đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, ông có gặp khó khăn gì không?
Ông Kanazawa: Khó khăn nhất với Noble hiện nay là vấn đề nhân lực. Các bạn cũng biết, khu CNC Hòa Lạc hơi xa so với Hà Nội nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng những kỹ sư có trình độ cao. Trong tương lai Hòa lạc sẽ trở thành khu công nghệ - đào tạo tập trung nhiều nhân lực nhất là khi Đại học Quốc gia được tập trung về đây, nhưng đó là kế hoạch dài hạn, còn hiện nay vẫn là khó khăn lớn. Tôi hy vọng với sự xuất hiện của các trường đại học công nghệ cao như Đại học FPT, sau 5 năm nữa, các nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc có thể tuyển dụng được những kỹ sư, lập trình viên có trình độ cao ngay tại chỗ.
Bà Bùi Phương Anh, đại diện Công ty Thuận Phát IMOSO, nhà sản xuất điện thoại di dộng đầu tiên của Việt Nam cũng cho biết: "Thuận Phát tự làm mọi thủ tục để xin phép được đầu tư vào KCN Hòa Lạc mà không cần phải qua bất cứ một công ty tư vấn nào. Mọi thủ tục hoàn thành nhanh gọn trong một tháng, được coi là một kỷ lục về thủ tục đăng ký cấp phép vào KCN. Sản phẩm điện thoại di động của Thuận Phát sẽ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm 2008. Dự án sử dụng công nghệ tự động nhập khẩu từ nhà máy của BenQ - Siemen (Đức), và sẽ tuyển dụng khoảng 100 lao động".
Ngày 14/12 vừa qua, 4 dự án với tổng số vốn 188 triệu USD đã được UBND tỉnh Hà Tây và BQL KCN Hòa Lạc cấp giấy chứng nhận đầu tư là dự án 70 triệu USD của Công ty Thuận Phát IMOSO, công ty sản xuất ĐTDĐ đầu tiên của VN; Dự án 18 triệu USD của Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel xây dựng trung tâm CNC Viettel. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số CNC với số vốn 8 triệu USD, liên doanh giữa trung tâm công nghệ laze và Công ty Comed của Hàn Quốc. Dự án thứ 4 có vốn 92 triệu USD của Công ty APSS Hoa Kỳ sản xuất vật liệu và các bán thành phẩm chế tạo sản phẩm năng lượng mặt trời. Đầu năm 2008, BQL sẽ cấp phép cho các dự án với tổng trị giá 200 triệu USD, trong đó Đại học FPT sẽ được khởi công và đến 9/2009 sẽ chính thức tuyển sinh...
VNN
|