Sabeco thực hiện mục tiêu sau cổ phần hóa - Phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế
Giữa tháng 12-2007, đề án cổ phần hóa của Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức được cấp bộ thông qua và đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đầu năm 2008, cổ phiếu của Sabeco sẽ chính thức ra công chúng. Nhằm chuẩn bị thực hiện mục tiêu của Chính phủ trong việc cổ phần hóa, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước tiến ra thị trường thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong hai năm trở lại đây Sabeco đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ…
Chuyển mình
Một vấn đề thời sự đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm là quá trình cổ phần hóa của Sabeco. Theo ông Nguyễn Bá Thi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, hiện nay đề án cổ phần hóa của công ty đã được cấp bộ thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đề án, vốn điều lệ của công ty là 5.500 tỷ đồng.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đợt bán cổ phiếu IPO lần đầu sẽ được thực hiện và bán ra 20% tổng số lượng cổ phiếu với giá khởi điểm 70.000 đồng/cổ phiếu. Sau đại hội cổ đông, lựa chọn đối tác chiến lược… công ty sẽ bán tiếp 29% lượng cổ phiếu và làm thủ tục đăng ký lên sàn. “Cổ phần hóa xong sẽ tạo thêm lực để Sabeco phát triển mạnh hơn nữa, thực hiện mục tiêu xây dựng bia Sài Gòn trở thành bia của người Việt” ông Thi nói.
Bên cạnh việc chuẩn bị thủ tục cổ phần, những ngày cuối năm 2007, Sabeco cũng đang ráo riết xây dựng hệ thống quy chuẩn mới. Kết quả 3 cuộc điều tra và đánh giá về nhu cầu của thị trường, mẫu mã bao bì, đặc biệt lấy ý kiến khách hàng do một công ty độc lập có uy tín vừa thực hiện cho thấy, đại bộ phận người tiêu dùng hài lòng về chất lượng nhưng mong muốn Sabeco nâng cao hình ảnh, mẫu mã các dòng sản phẩm của bia Sài Gòn lên một đẳng cấp mới.
Từ thực tế đó, Sabeco đang tập trung triển khai một chiến dịch cho sự thay đổi này, từ hình ảnh cho từng sản phẩm đến hình ảnh chung của công ty. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được tung ra vào cuối quý 1 năm 2008. “Kinh doanh trong thời kinh tế thị trường, chúng tôi luôn coi trọng, tuân thủ các quy luật của thị trường. Khách hàng ngày càng am hiểu và sành điệu, vì thế chúng tôi phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của họ” ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Sabeco nói.
Tính thẩm mỹ, tính thống nhất, tính truyền thống kết hợp hài hòa với các yếu tố hiện đại là những yêu cầu được Sabeco đưa ra cho các nhà thiết kế hệ thống quy chuẩn mới. Không chỉ dừng lại ở sản xuất bia, trong đề án phát triển đến năm 2015, Sabeco sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất rượu, cồn (trong đó tập trung sản xuất cồn nhiêu liệu, cồn thực phẩm và cồn y tế) và các loại nước giải khát khác.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, với những dự án đã được triển khai trong năm 2007 và sẽ triển khai trong năm 2008 tại Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Long… sản lượng bia của Sabeco sẽ vượt qua con số 1 tỷ lít bia/năm vào năm 2010. Khi đó bia Sài Gòn sẽ chiếm khoảng 40% thị phần trong nước và trở thành hãng bia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, nằm trong top 5 của châu Á, vượt qua vị trí thứ 54/72 tập toàn sản xuất bia lớn nhất trong tổng số 1.200 nhà sản xuất bia trên thế giới. Hiện trị giá xuất khẩu các dòng sản phẩm của Sabeco đạt khoảng 4 triệu USD/năm.
Chiến lược phát triển trong những năm tới của Sabeco là tăng cường xuất khẩu, đưa thương hiệu Sabeco thành một trong những thương hiệu lớn của Việt Nam trên thị trường quốc tế theo yêu cầu của Chính phủ.
Vì cộng đồng
Cái lạnh đầu đông của vùng đất Bắc Trung bộ dường như không làm giảm lượng người dân địa phương đến xã Nam Giang huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từ sáng sớm để được tận mặt chứng kiện sự kiện khởi công xây dựng Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam. Với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng nhà máy sẽ góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 lao động trong đó chủ yếu con em địa phương, mang lại hàng trăm tỷ đồng đồng/năm cho ngân sách địa phương. Ông Nguyễn Văn Chu, một người dân địa phương hồ hởi nói: “Khi mô nhà máy ni đi vô hoạt động, nhiều con em địa phương không phải đi làm công nhân tận đẩu tận đâu nữa.
Thằng con trai tui vừa học xong Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm, mong rằng hắn được nhận vô làm việc ở đây, ngay trên quê hương mình…”. Cách đó một tuần, tại lễ khởi công Nhà máy Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 1.570 tỷ đồng có công suất 100 triệu lít/năm, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Chọn Quảng Ngãi làm trung tâm phát triển mạng lưới sản xuất, tiêu thụ bia Sài Gòn tại miền Trung, Sabeco đã đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu cho khu vực kinh tế năng động nhất miền Trung với nhiều khu kinh tế lớn như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội… Đồng thời mở ra thị trường lớn tại Tây Nguyên và sang Lào…”.
Chỉ trong hai năm 2006 và 2007, Sabeco đã khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động 6 dự án tại các tỉnh “vùng xa” như Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Nghệ An… với tổng mức đầu tư gần 6.500 tỷ đồng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, kích hoạt thêm các hoạt động đầu tư, sản xuất và mang lại nguồn ngân sách cho các địa phương.
Đồng thời qua đó cũng đưa Sabeco lên một vị trí mới. Tổng sản lượng sản xuất của Sabeco năm 2007 đạt trên 645 triệu lít bia, tăng gần 20% so với năm 2006, nộp ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình vì cộng đồng khác…
Những bước đi của Sabeco hiện nay đã và đang đáp ứng được yêu cầu của xã hội từ kích hoạt các hoạt động đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu bia cho người Việt trên nền tảng chất lượng, chung tay vì cộng đồng, phát triển bền vững, từng bước thực hiện tốt các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.
Sabeco năm 2007
- Đưa vào hoạt động các nhà máy bia Sài Gòn-Củ Chi giai đoạn I có công suất là 100 triệu lít/năm, tổng vốn 1.904 tỷ đồng; Sài Gòn - Đắc Lắc có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, công suất 25 triệu lít/năm; Sài Gòn - Bình Dương, có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng công suất 50 triệu lít/năm.
- Khởi công xây dựng Nhà máy bia Sài Gòn – Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 1.570 tỷ đồng, công suất 100 triệu lít/năm; Sài Gòn-Sông Lam có tổng mức đầu tư 1.450 công suất 100 triệu lít/năm; Sài Gòn - Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất 30 triệu lít/năm.
SGGP
|