Quên bài học kinh tế “vỡ lòng”
Đánh giá những thành quả do WTO mang lại sau 1 năm, hầu hết các vị quan chức đều dẫn chứng sự gia tăng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo dự kiến, chỉ cần thu hút 16 tỉ USD là đạt yêu cầu, thế nhưng cho đến thời điểm này, VN có thể tự tin cho rằng vốn FDI năm 2007 sẽ đạt từ 18-19 tỉ USD. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là con số đáng khích lệ, là kết quả của việc phân cấp tốt về thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh “không nên có sự lạc quan thiếu căn cứ”, bởi với vốn FDI năm 2000 là 2,4 tỉ USD, ta giải ngân được 2,2 tỉ USD, chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư; vốn FDI năm 2006 là 10,2 tỉ USD, giải ngân được 4,1 tỉ USD, chiếm 40%; còn năm nay, chỉ giải ngân có 4,6 tỉ USD, nghĩa là chưa tới 30%. Giải thích việc hấp thu vốn chậm, nhiều vị quan chức bào chữa “do chưa lường trước được hết tác động từ WTO mang lại”.
Nhìn tận cùng gốc - ngọn, có lẽ không ai có thể chấp nhận cách giải thích như thế, bởi con số 16 tỉ USD dự kiến so với 18-19 tỉ USD thực về thu hút FDI không chênh lệch mấy; hơn nữa, đã dự kiến 16 tỉ USD thì tệ nhất cũng phải giải ngân được 8-10 tỉ USD cho xứng tầm. Bởi, các vị chắc chắn đã từng học qua trường lớp về kinh tế, đã từng phải làm bài tập “Nếu có 100 triệu đồng/1 tỉ đồng/10 tỉ đồng, các bạn sẽ làm gì?”. Mỗi sinh viên, dù năm một hay năm tư cũng đều được làm bài tập này và phải căng đầu suy nghĩ mình cần chuẩn bị gì và phải làm gì với số tiền đó để đạt hiệu quả nhất. Thế mà bây giờ, ở vị trí có thể làm cho cả một nền kinh tế trở nên hưng thịnh hơn hay suy yếu đi, chẳng lẽ các vị quên đi bài học vỡ lòng này? Lẽ ra, khi dự kiến số vốn thu hút được 16 tỉ USD, các vị phải tự hỏi nhau “Nếu có 16 tỉ USD, chúng ta sẽ làm gì?” thì lạm phát đâu đến nỗi 2 con số và giá cả cũng không tăng chóng mặt..., khi đó có lẽ dân tình đã đỡ khổ hơn hiện nay nhiều!
NLĐ
|