Ngân hàng tiếp tục "kêu" về Chỉ thị 03
Giảm dư nợ cho vay chứng khoán vẫn là một bài toán khó với các ngân hàng. Nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề cho vay chứng khoán, cạnh tranh không lành mạnh... đã được các ngân hàng (NH) nêu tại hội thảo "Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động NH" do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 7.12.
Theo đại diện NH thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn (SCB), việc phải giảm dư nợ cho vay chứng khoán xuống 3% tổng dư nợ chậm nhất là ngày 31.12.2007 là rất khó, do NH khó có thể yêu cầu khách hàng thanh toán hợp đồng trước thời hạn trong tình hình giá chứng khoán đang sụt giảm mạnh. Đại diện NH TMCP Á Châu cho biết, ngay khi Chỉ thị 03 được ban hành, ACB đã hạn chế giải ngân nhưng do hợp đồng đã ký với khách hàng nên cũng không thể thu hồi nợ trước hạn. Việc nhiều NH tìm cách đẩy tổng dư nợ lên để qua đó giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán xuống, theo SCB, dễ dẫn đến rủi ro cũng như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đại diện NH Mỹ Xuyên phản ánh: "Hiệp hội NH cần xem xét đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hiện nay. Chẳng hạn, một NH vừa đồng ý cho một khách hàng vay 1 tỉ đồng, thì ngay lập tức một NH khác đến chào mời cho vay đến 1,5 tỉ đồng".
Cũng theo SCB việc cầm cố chứng khoán để vay đầu tư kinh doanh sản xuất, đầu tư vào dự án không phải là loại hình cho vay đầu tư chứng khoán, nên đề nghị được loại bỏ hình thức này khỏi đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị 03. Ngoài ra nhu cầu mua bán có kỳ hạn cổ phiếu (nghiệp vụ Repo) của nhà đầu tư rất lớn, nhưng chưa có văn bản nào quy định cụ thể khiến các NH lúng túng và không dám mạnh dạn mở rộng hoạt động này.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội NH tại TP.HCM - cho biết: "Chỉ thị 03 nhằm hạn chế rủi ro cho các NH. Chính vì vậy mà các NH phải chấp hành thu hồi nợ chứng khoán về dưới 3%. Tuy nhiên vấn đề là trước thời điểm ban hành Chỉ thị 03, một số NH đã cho vay thời hạn 1 năm, đến năm 2008 hợp đồng mới đáo hạn. NH không thể đơn phương thu hồi nợ. Do đó hạn mức cho vay chứng khoán 3% tổng dư nợ không thể thay đổi nhưng chúng ta có thể kiến nghị Thống đốc NH Nhà nước kéo dài thời gian hơn".
Một vấn đề khác được ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - lưu ý các NH thương mại là việc cho vay quá nhiều vào bất động sản. "Cho vay chứng khoán bị hạn chế, nên xu hướng vay đầu tư bất động sản đang tăng. Đặc biệt là vay đầu tư căn hộ chung cư, văn phòng. Dư nợ cho vay bất động sản hiện nay chiếm 10% tổng dư nợ. Trong đó cho vay căn hộ cao cấp khá lớn, những người đi vay không có nhu cầu ở mà để đầu cơ là chính. Do đó các NH cần tuân thủ các quy định về cho vay và công tác kiểm soát ưu tiên hàng đầu", ông Thắng nói.
Thanh Niên
|