Khó kìm cương con ngựa tăng giá tháng cuối năm
Theo các chuyên gia kinh tế, không có biện pháp lâu dài nào có thể kìm được biến động giá thất thường. Chỉ có chính sách mở rộng cung, tự do hoá sản xuất, tự do hoá lưu thông, giảm bớt những hạn ngạch, thuế quan… mới có thể giải được bài toán tăng giá.
Khâu phân phối lưu thông còn nhiều vấn đề
Chuyên gia kinh tế cao cấp TS Lê Đăng Doanh phân tích: Nếu nói đến việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm, thì dễ dàng nhận thấy là khâu phân phối lưu thông của chúng ta có vấn đề. Chúng ta đều biết chi phí vận tải của Việt Nam rất cao và hiệu quả thu được từ một chiếc xe ô tô rất thấp chỉ đạt chưa 40% so với xe của các nước khác. Bởi vì xe của các nước khác chạy 26 ngày/tháng và một ngày hoạt động 22 tiếng/ngày, còn của ta thì chỉ chạy 18 ngày/ tháng và 8 tiếng/ngày. Tất cả những chi phí vận tải đã đội giá thành sản phẩm các mặt hàng khác lên rất nhiều.
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đưa ra dẫn chứng: Tôm, cá biển tươi sống không có ở ngay Hà Nội mà phải vận chuyển từ Hải Phòng, Quảng Ninh, cách Hà Nội 120 km. Việc cả xăng lẫn dầu đều tăng thêm 1.700 đồng/lít nên giá hàng hoá thực phẩm, rau tươi bị đội lên ít nhất là 5% là điều đương nhiên. Đây là mức tăng rất hợp lý, nếu không tăng giá thì làm sao doanh nghiệp, nhà phân phối có thể đảm bảo được sản xuất, kinh doanh.
Sự biến động này khiến kinh tế vĩ mô cũng có sự thay đổi, gây sức ép đến thay đổi cơ cấu kinh tế buộc doanh nghiệp, hộ sản xuất sẽ phải thay đổi sản xuất kinh doanh. TS Nguyễn Thị Hiền nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng khẳng định: “Tiết kiệm chi phí sản xuất là điều đương nhiên, thế nhưng doanh nghiệp cũng phải chọn lựa những mặt hàng nào cung đang hụt để đáp ứng. Chắc chắn nhóm hàng thực phẩm sẽ được bổ sung với việc thay đổi mô hình chăn nuôi mới. Qua những biến động vừa qua của giá cả, cung về chăn nuôi khá bấp bênh, chúng ta thấy rất nhiều tiềm năng cho những hộ chăn nuôi phát triển. Kinh doanh khách sạn, bất động sản có thể sẽ bão hoà, thì việc đầu tư chăn nuôi, lĩnh vực nông nghiệp cũng hứa hẹn nhiều lợi nhuận khi cung đang bị lõm. Đây cũng là tác động tích cực của tăng giá”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ chỉ nên tạo hành lang pháp lý một cách rất bài bản chứ không thể hỗ trợ theo kiểu bao cấp được. Vấn đề là tạo ra một khuôn khổ chính sách để cho thị trường vận động. Nếu như một vấn đề, lĩnh vực mà trong nước khó đáp ứng thì chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào.
Tăng giá-ai phải kêu trời?
Ông Cao Sỹ Kiêm - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia phân tích: Giá tăng thì hai đối tượng là nông dân và người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nông dân bị chi phối quá lớn, họ không hưởng được lợi từ tăng giá mà bị ảnh hưởng của việc giá tăng là nhiều. Cụ thể, người nông dân không được hưởng lợi nhiều khi giá nông sản tăng vì hàng nông sản họ làm ra phải qua các đầu nậu, tư thương nên lợi nhuận đã bị san sẻ. Còn thu nhập từ lúa, hoa màu một năm chỉ hai, ba vụ thì làm sao có thể chống đỡ được với việc tăng giá của các mặt hang thiết yếu như hiện nay. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng leo thang do cước vận chuyển tăng cũng đẩy người nông dân khó khăn lại càng khó khăn.
Những người làm công ăn lương, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, với suất lương quá eo hẹp thì việc đối mặt với việc giá cả các mặt hàng, dịch vụ sinh hoạt đua nhau tăng khiến họ gặp khó khăn ngay lập tức. Dĩ nhiên là người cận nghèo lại càng nghèo thêm.
Câu chuyện tăng giá sẽ còn phải nói dài dài. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, đặc biệt gần Tết Nguyên đán thì câu chuyện về giá lại càng trở nên nóng hơn bao giờ. Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng nhận định: Đây là thời điểm cuối năm nên việc kiềm chế giá thực sự rất khó. Có tăng giá thì mới tăng lương, có tăng lương thì mới có điều kiện tăng giá nên việc giá và lương đuổi nhau là chuyện bình thường. Ở các nước, giá tăng thì lương tăng. “Nhưng ở ta thì lại khác, giá tăng nhưng lương lại không tăng, hoặc tăng mà không tương xứng”-TS Nguyễn Thị Hiền nhận xét.
Giảm cơn bốc hoả của giá?
Theo TS Lê Đăng Doanh, một trong những biện pháp để hạn chế tăng giá của các mặt hàng là việc mở rộng sử dụng các nguồn nhiên liệu như sức gió, than, nhiệt điện… chứ không nên phụ thuộc vào xăng dầu quá lớn. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành nên có kế hoạch từ sớm để nhập hàng tích trữ. Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các địa phương tính toán với nhau để xem xét lại cung cầu. Sau đó, các cơ quan đại diện cho nhà nước hợp tác với doanh nghiệp để bàn phương án nguồn hàng tích trữ.
Ông Nguyễn Vinh Phú cũng đưa ra ý kiến của mình: không có giải pháp nào nhanh hơn là phải tổ chức lại sản xuất để đẩy mạnh nguồn hàng. Mặc dù con tôm, con cá hay gà, lợn không phải nay nuôi, mai thu hoạch mà người chăn nuôi, nuôi trồng phải có kế hoạch, có vốn, rồi tổ chức sản xuất… nhưng đây là biện pháp lâu dài và bền vững nhất, tránh được tâm lý bị động như hiện nay khi phải đối mặt với chuyện giá leo thang từng ngày. Ngoài ra, cần phải rà soát, kiểm tra khâu lưu thông trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay, con tôm đi từ Hải Phòng để bày được trong siêu thị Hà Nội phải qua ít nhất 5 “trạm thu phí”, không chỉ những trạm thu phí giao thông, mà cả “trạm thu phí” mà không có hoá đơn, biên lai: Chi phí tiêu cực dọc đường cũng đã cộng vào giá bán của sản phẩm rất lớn, ước tính khoảng 10%. Với tình hình này, rất khó khăn để chúng ta thoát khỏi việc tăng giá các mặt hàng. Dự kiến, Tết năm nay, giá mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm, có thể cao hơn 20% so với Tết năm ngoái, trong đó yếu tố giá xăng cũng có tác động rất lớn vào việc tăng giá chung này.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng giám đốc Hapro, để có thể bình ổn thị trường giá cả các mặt hàng trọng yếu, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường tự do, kiểm tra việc niêm yết giá bán. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc chuẩn bị lượng hàng hoá và tài chính cung ứng cho các nhà sản xuất để đáp ứng được giá thành ổn định. Chẳng hạn như rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế VAT và thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hoá, linh hoạt trong phê duyệt bù trừ VAT giữa các doanh nghiệp...
Một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho các nhà phân phối, theo đề xuất của Hapro, là hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc bằng 0 để các doanh nghiệp giảm giá thành, chủ động dự trữ hàng hoá từ rất sớm để tránh đột biến khan hiếm hàng hoá, tạo điều kiện bình ổn giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán 2008./.
VOV
|