Hà Nội: Vì sao thị trường nhà đất khan hàng?
Nguyên nhân dễ thấy nhất của tình trạng “đói” hàng của thị trường nhà đất gần đây chính là việc thiếu dự án tung ra giao dịch. Nhưng ẩn sâu trong nguyên nhân này là gì khi mà số dự án hiện tại ở Hà Nội nói chung cũng không hẳn là quá ít...
Có một thực tế là nhu cầu nhà đất (chủ yếu là chung cư, đất dự án) trong vài tháng trở lại đây rất lớn, nhưng hàng hóa cho thị trường lại quá hạn hẹp.
Nhiều văn phòng nhà đất đều trong tình trạng khách hàng đặt nhiều, nhưng không đáp ứng được bao nhiêu. Có những trường hợp đã nhận tiền phải trả lại, thậm chí phải nộp phạt vì không có nhà giao…
Có nhiều dự án đã được chờ đợi từ lâu, nhưng mãi vẫn không thấy “ló mặt” ra. Thậm chí, trong quãng thời gian ngắn trở lại đây, trên thị trường hầu như không có dự án mới xuất ra.
“Hãm” dự án!
Theo một lãnh đạo của một xí nghiệp kinh doanh phát triển nhà, không hẳn hiện tại ở Hà Nội cũng như một số vùng lân cận quá thiếu dự án, nhưng thực tế các dự án đang tồn tại nhiều “dạng” khác nhau.
Dễ nhìn thấy nhất là có những dự án chưa đủ điều kiện để bán vì tiến độ chậm. Chẳng hạn, có những dự án tại các khu đô thị Đại Kim, Trung Văn, Cầu Bươu… được nhiều người mua quan tâm nhưng lại chưa hội đủ những điều kiện được bán. Trong đó có cả những dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng.
Nhưng đáng nói nhất chính là việc có một số dự án đủ điều kiện để bán nhưng vẫn đang ghìm hàng lại để ngóng giá. Nhiều người mua đang trông đợi vào các dự án ở Yên Hòa, Trung Văn… nhưng các chủ đầu tư mới chỉ “xem xét” đơn, chưa đưa hàng và giá cụ thể ra.
Đã có dự án tại khu đô thị Trung Văn xin phê duyệt với giá 8-9 triệu 8-9 triệu/m2 nhưng hiện tại đang “hãm lại” tiến độ ra thị trường vì thấy giá có thể lên 14-15 triệu/m2. Sự hoãn lại lại và ướm mức giá mới này dĩ nhiên là có cơ sở khi hiện tại giá chung cư quanh khu vực này đều hơn 20 triệu/m2.
Tương tự như vậy với nhà phân lô, nhà vườn mức giá giao dịch hiện tại ở nhiều nơi cũng lên đến 30-40, thậm chí 60 triệu/m2 khiến cho mức giá định ban đầu sớm trở nên lạc hậu.
Thực tế có những dự án cách đây chưa lâu bán ra với mức giá khoảng 20 triệu/m2 đất phân lô thì hiện tại mức giá đã leo lên đến 36-37 triệu/m2 hay giá chung cư bán ra ban đầu 9-10 triệu/m2 thì hiện tại giá ít nhất cũng 14-15 triệu/m2…
Giá nhà đất Hà Nội gần đây đều theo qui luật chỉ tăng dần chứ không giảm và những người làm dự án đều quá thông hiểu qui luật này để rồi “ứng xử” của họ chính là một phần quan trọng dẫn đến tình trạng hiện nay.
Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng hiện nay là từ phía những người đầu cơ. Những người này nắm một tỉ lệ “hàng” không nhỏ tại các dự án đã bán, thậm chí có những người đầu tư đến 2-3 suất tại một dự án.
Các nhà đầu cơ cũng đang tiếp tục nghe ngóng giá chưa muốn bung hàng họ đã gom ra bán, khiến cho thị trường vốn đã hiếm hàng lại càng trở nên khan hơn.
Như thế chất lượng xây dựng tốt hơn, giá sắt thép, nguyên vật liệu cao hơn chỉ là một phần nhỏ trong nguyên nhân của việc giá nhà tăng cao trong thời gian qua. Tâm lí nghe ngóng, chờ thời cơ của hai nguồn cung đang chi phối thị trường.
Người mua cũng đành... nghe ngóng
Về phía người mua, với nguồn hàng khan và với mức giá cao như hiện tại nên họ chỉ biết ngóng chờ vào những dự án mới tung hàng ra thị trường.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, với tham vọng của những người làm dự án, có thể khi một dự án mới nào đó “thò” ra thị trường, nhiều khả năng sẽ không làm hài lòng sự chờ đợi của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Tài Tiến, Trưởng phòng kinh doanh, Xí nghiệp đầu tư kinh doanh và tư vấn nhà đất 1 (Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội) nếu dự án nào ra thị trường trong lúc này, giá sẽ rất cao.
Chẳng hạn, có nhiều người đang ngóng chờ các dự án xa trung tâm một chút với mức giá khoảng 7-8 triệu/m2 nhưng nếu mức giá thực tế là 13-14 triệu/m2 thì có không ít người mua phải... bỏ đi.
Tuy nhiên, theo nhiều phân tích, tình trạng cung khan sẽ không thể tồn tại quá lâu. Về phía những người làm dự án, họ không thể mãi ghìm hàng vì không bao lâu nữa, những dự án “non” điều kiện hiện nay sẽ chín.
Lúc đó, không thể tất cả đều đồng lòng tiếp tục nghe ngóng thị trường, nhất là khi nguồn tiền làm dự án không hoàn toàn nằm trong sự chủ động của họ.
Hi vọng điều này sẽ xảy ra trong vài tháng nữa, chấm dứt tình trạng “đói” hàng và giao dịch quẩn quanh như hiện nay.
DT
|