Giá khởi điểm cổ phần Vietcombank: 10 "chấm"!
Ngày 4-12, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra thông báo sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Vietcombank vào ngày 26-12. Không nằm ngoài dự đoán của giới kinh doanh, giá khởi điểm được ấn định ở mức cao: 100.000 đồng/cổ phần - 10 chấm.
Cùng ngày, hàng chục công ty chứng khoán đã bắt đầu vào cuộc đăng ký làm đại lý đấu giá cho đợt IPO của Vietcombank. Họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các bản phân tích về cổ phần của "đại gia" này để cung cấp đến các nhà đầu tư.
Cổ phiếu "an toàn"
Theo báo cáo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), Vietcombank được biết đến như là một ngân hàng (NH) hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối và phát hành thẻ, hiện chiếm 10,3% tổng dư nợ và 6% qui mô tiền gửi của ngành NH VN.
Điều đáng chú ý là tăng trưởng dư nợ của Vietcombank trong những năm gần đây chậm lại (năm 2004: 28%, năm 2005: 14% và năm 2006: 11%). Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của Vietcombank được đánh giá khá tốt, với tỉ lệ nợ khó đòi so với tổng dư nợ ở mức thấp (2,7% vào năm 2006). Ngoài ra, chi phí trích lập dự phòng rủi ro giảm mạnh cho thấy chính sách tín dụng của Vietcombank khá hiệu quả. Tỉ trọng dư nợ cho vay/tổng nguồn vốn huy động cũng ở mức an toàn 57-58% (mức trung bình của ngành là 60%).
Hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn của Vietcombank cũng được nhìn nhận hiệu quả, với vốn huy động tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam, nguồn vốn có chi phí huy động cao chiếm tỉ trọng thấp. Cơ cấu lợi nhuận của NH được cải thiện đáng kể theo hướng cân bằng, ổn định.
Tỉ trọng thu nhập từ hoạt động tín dụng (lãi cho vay và lãi kinh doanh vốn trên thị trường liên NH) đã giảm từ 77% năm 2005 còn 74% năm 2006. Song song đó, lợi nhuận từ các hoạt động NH phi tín dụng tăng mạnh (43%), chủ yếu đóng góp từ thu dịch vụ, hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động góp vốn mua cổ phần. Đáng chú ý, nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán tăng rất cao (433%).
Mổ xẻ rủi ro
Dưới góc nhìn của các báo cáo đánh giá, lợi nhuận của Vietcombank có phần yếu thế so với các NH cổ phần có qui mô vốn nhỏ hơn nhiều lần (xem bảng so sánh). Tuy nhiên, điểm mạnh của NH này là đã đầu tư được một nền tảng mạnh cho việc phát triển dịch vụ NH bán lẻ, đặc biệt về mạng lưới giao dịch, số máy ATM và máy chấp nhận thẻ. Tiềm năng cho việc phát triển hoạt động thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ của Vietcombank là rất lớn trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa VN và các quốc gia khác đang tăng mạnh sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Tuy nhiên, điểm yếu của Vietcombank cũng lộ khá rõ. Hiện cho vay doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn, tỉ trọng cho vay tiêu dùng và tín dụng cá nhân thấp (9-10%). Các sản phẩm tín dụng tiêu dùng vẫn chưa chạy theo kịp các NH cổ phần trong việc đáp ứng nhu cầu thay đổi rất nhanh của người dân.
Ngoài ra, so với các NH cổ phần khác, cơ chế hoạt động của Vietcombank vẫn chưa linh hoạt. Cùng với các NH quốc doanh khác, Vietcombank đang nhìn thấy thị phần cho vay và huy động vốn của mình giảm trung bình 1-2%/năm khi các NH cổ phần nỗ lực tấn công khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, khi hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng ngày càng hiệu quả, việc cung cấp tín dụng cho khối này đang trở thành một cuộc chạy đua ráo riết giữa các NH cổ phần và NH nước ngoài, trong khi các NH quốc doanh vẫn gần như đứng ngoài cuộc.
TT
|