“Siêu” tổng công ty gặp khó
Được ra đời với mục tiêu thay mặt Nhà nước làm chủ sở hữu, quản lý phần vốn tại các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập, phần vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần… và thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn tại các DN này, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang gặp không ít khó khăn.
Xoá chủ quản không dễ
Một trong nhiều mục tiêu mà SCIC hướng tới là việc thay mặt Nhà nước quản lý phần vốn góp tại DN nhằm xoá bỏ cấp chủ quản đối với DNNN, tạo điều kiện cho DN chủ động trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của nhiều cơ quan vẫn chưa bắt kịp chủ trương này. Ngoài ra, góp sức làm chậm chủ trương trên còn phải kể đến hệ thống thủ tục hành chính khổng lồ không phải xoá bỏ ngay được.
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Chánh văn phòng SCIC cho biết, chủ trương xoá bỏ chủ quản thì có nhưng quy định cụ thể thì chưa. Ông Hiển nêu ví dụ, sau khi bàn giao vốn về SCIC, giám đốc một DN không biết phải xin cơ quan nào xác nhận thủ tục để đi công tác nước ngoài. Bộ cũ thì không còn chức năng chủ quản, trong khi SCIC chỉ quản lý vốn chứ không làm việc này. Hoặc như việc khen thưởng tại các DNNN lớn, theo trình tự, DN thông qua bộ chủ quản, sau đó bộ này chuyển sang Bộ Nội vụ và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương. Nhưng do không còn bộ chủ quản nên việc “ách tắc” khen thưởng đã xảy ra với DN. Chính những vướng mắc trong thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ đã khiến cho không ít DN ngại chuyển giao vốn về SCIC.
Sự phối hợp thiếu đồng bộ cũng khiến SCIC gặp khó khăn. Theo quy định, mỗi khi bán bớt phần vốn nhà nước tại DNNN, SCIC phải báo cáo UBCK. Sau khi UBCK xem xét, cho phép thì cũng phải mất ít nhất 10 ngày mới xong một hồ sơ. Như vậy, mỗi năm SCIC bán phần vốn nhà nước tại hàng trăm DN thì đã tốn bao nhiêu thời gian cho việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ.
Theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT SCIC, cơ chế chủ quản với hệ thống chế tài lỏng lẻo, lạc hậu đã làm phương hại đồng vốn nhà nước, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho nhiều tổ chức, cá nhân liên quan. Lực lượng này gồm lãnh đạo cơ quan chủ quản và lãnh đạo DN thuộc diện chuyển giao. Với cơ quan chủ quản, phần lớn lãnh đạo tìm cách từ chối, né tránh hợp tác với SCIC trong việc định giá DN hoặc tự đặt các điều kiện về quyền lợi cục bộ và đòi hỏi SCIC đáp ứng. Ở đây có 2 nguyên nhân: thứ nhất, một số cán bộ do giữ quan điểm cũ là Nhà nước phải quản chặt DN, thậm chí một lãnh đạo cấp bộ còn tuyên bố: “Chuyển giao vốn thì được, nhưng về nhân sự thì vẫn phải để cho bộ quyết định!”. Thứ hai, vì quyền lợi cục bộ, cá nhân nên họ đã dùng nhiều cách thức đối phó như: cố tình trì hoãn và từng bước bán hết phần vốn nhà nước ra ngoài, tất nhiên giá bán thường cực kỳ rẻ mạt để giá trị chênh lệch chảy vào túi cá nhân; một số nơi ráo riết sáp nhập DN sắp bị bán vào các tổng công ty để thoát khỏi danh sách chuyển giao...
Xuất hiện tiền lệ xấu?
Theo một nguồn tin chưa chính thức, hiện Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM đã được cấp phép hoạt động. Công ty này có chức năng tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của UBND TP. HCM tại các tổng công ty và công ty; cung cấp dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế. Như vậy, có nhiều việc trùng lặp với hoạt động của SCIC. Liệu có hay không một trào lưu thành lập các DN tại địa phương theo kiểu SCIC?
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia tài chính nói, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của SCIC, theo Điều 4 Quyết định số 152/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC quy định, DN này có các công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện ở các khu vực. Do đó, việc thành lập công ty đầu tư tài chính nhà nước trên địa bàn sẽ do SCIC quyết định, phù hợp với mục tiêu kinh doanh của Tổng công ty. Việc thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM dễ tạo ra một tiền lệ không tốt. “Thử hình dung, sau TP. HCM, nhiều trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng hình thành các công ty như thế thì việc quản lý vốn nhà nước tại DNNN sẽ ra sao?”, chuyên gia này nêu câu hỏi.
Rõ ràng, để thực sự trở thành cơ quan quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước tại các DN, SCIC còn rất nhiều việc phải làm. Chừng nào các bộ, ngành và địa phương còn nhận thức phần vốn nhà nước tại DN như là tài sản của riêng mình và bảo vệ nó bằng mọi cách thì chừng đó, việc chuyển giao quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước về SCIC còn chậm trễ và thiếu hiệu quả.
ĐTCK
|