Thứ Bảy, 15/12/2007 08:13

Cổ phiếu mới bị chê đắt

Hàng loạt cổ phiếu (CP) mới chào sàn đã liên tục giảm. Một mặt, do tác động chung của thị trường đang xu hướng giảm; mặt khác, theo các chuyên gia và nhà đầu tư (NĐT), bản thân các CP đã bị định giá quá cao.

Khớp dưới giá tham chiếu

Ngày 10.12, cổ phiếu PVT (Tổng công ty Vận tải Dầu khí) chào sàn với giá khởi điểm 120.000 đồng/CP. Tuy nhiên, phiên giao dịch chỉ khớp ở mức giá sàn là 96.000 đồng/CP (biên độ dao động giá trong phiên đầu tiên là 20%). Những phiên kế tiếp, CP này liên tục rớt giá và đóng cửa ngày 13.12 chỉ còn 83.000 đồng/CP. Ngày 7.12, CP của Công ty thủy sản Nam Việt (mã ANV) chào sàn với giá khởi điểm 117.000 đồng/CP nhưng cũng chỉ khớp ở mức 98.000 đồng/CP, đến ngày 13.12 chỉ còn 96.000 đồng/CP. Tương tự, mã HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 cũng chỉ khớp ở mức 60.500 đồng/CP so với giá tham chiếu 70.000 đồng/CP; TPC của Công ty Nhựa Tân Đại Hưng trong ngày đầu tiên lên sàn cũng định giá tham chiếu 70.000 đồng/CP nhưng chỉ khớp ở mức 69.000 đồng/CP. Hàng loạt CP khác mới lên sàn cũng liên tục giảm giá như DPM, HPG, UIC... khiến NĐT chùn tay và không còn trào lưu săn lùng hàng mới như trước đó. Thậm chí, nhiều NĐT đã vỡ mộng khi gom hàng từ thị trường OTC. Anh Lê Thành, một NĐT trên sàn BVSC cho biết anh đã cố chen mua  HT1 trong phiên đầu tiên với hy vọng sẽ tăng giá sau đó. Nhưng đến nay thì anh đành tiếp tục găm CP này và chờ đợi, trở thành NĐT dài hạn. Đau hơn, chị Mai - một NĐT ở sàn chứng khoán HSC đã đi vay tiền để gom mua CP TPC trước ngày lên sàn với giá 65.000 đồng/CP với suy nghĩ giá CP này sẽ tăng đột biến khi nhập sàn TP.HCM. Trong phiên đầu tiên, TPC khớp ở mức 69.000 đồng/CP, chị vẫn chưa bán ra vì chưa đạt đủ kỳ vọng lợi nhuận. Nhưng sau đó, TPC liên tục chuỗi ngày giảm giá và đến hết ngày 11.12, giá CP này chỉ còn 57.000 đồng/CP.

CP mới rớt giá khiến nhiều NĐT đang giữ CP của những công ty sắp niêm yết như Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm, Alphanam, gỗ Trường Thành... cũng đang trong tâm trạng hồi hộp. Thậm chí CP của Công ty Từ Liêm (mã NTL) sẽ chào sàn vào ngày 21.12 với giá tham chiếu 225.000 đồng/CP cũng đang gây ngạc nhiên cho NĐT.

Định giá quá cao

Hầu hết những CP mới lên sàn trong cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua đều nộp hồ sơ niêm yết trong tháng 10. Khi đó, thị trường chứng khoán chưa giảm mạnh và NĐT đang săn lùng những CP sắp lên sàn vì khi chào sàn đều tăng giá mạnh. Điều đó dẫn đến việc CP các công ty trên thị trường OTC tăng lên đột biến. Cụ thể như giá PVT từ tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất là 125.000 đồng/CP; giá HT1 tăng hơn 70.000 đồng/CP, ANV ở mức 120.000 đồng/CP... Ngoài việc có sự tư vấn của các công ty chứng khoán, các công ty này đều lấy mức giá trên OTC để đưa ra giá khởi điểm trong hồ sơ xin niêm yết của mình. Thế nhưng, giá OTC của những CP này đã giảm xuống theo xu hướng chung của thị trường từ giữa tháng 11 đến nay trong khi giá khởi điểm trong hồ sơ niêm yết của các công ty không được điều chỉnh theo. Hơn nữa, nhiều công ty không chấp nhận mức giá mà nhà tư vấn đưa ra mà luôn đòi hỏi phải được đánh giá cao hơn. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho biết dường như ai cũng nghĩ rằng phải định giá cao thì mới đáng để NĐT quan tâm! Hơn nữa doanh nghiệp sợ đưa ra giá thấp thì lại khó lên giá được sau đó. Bản thân các công ty niêm yết không thừa nhận chuyện này mà cho rằng, giá đưa ra là hợp lý trên tiềm năng, kế hoạch phát triển của mình.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng giá chào sàn của các công ty đã được định giá quá cao. "Việc định giá cao khi lên sàn khiến một số cổ đông đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nên sẽ bán ra ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên. Điều này dẫn đến tất yếu là cung nhiều khiến giá CP bị giảm ngay. Sự giảm giá của các CP mới này cũng góp phần làm chỉ số VN-Index giảm xuống, nhất là những CP có khối lượng giao dịch lớn" - ông Huy Nam nói. Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cũng cho biết thực tế hiện nay, giá CP của nhiều công ty mới lên sàn được định giá quá cao. "Một phần họ đã dựa theo giá giao dịch trên OTC trước đó khi thị trường đang trong thời điểm đi lên. Nhưng khi thị trường giảm như hiện nay thì mức giá đó không được điều chỉnh cho phù hợp" - ông Tô Hải nói. Thực tế, NĐT hiện nay đã có nhận định và đánh giá của riêng mình, việc các công ty niêm yết đưa ra giá bán không hợp lý sẽ khó thuyết phục NĐT mua CP đó.

TN

Các tin tức khác

>   Hội thảo lấy ý kiến dự thảo “Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK” (14/12/2007)

>   Cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (15/12/2007)

>   Cấp giấy phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho Cty Chứng khoán VPbank (15/12/2007)

>   DAB ứng tiền bán chứng khoán qua ATM (14/12/2007)

>   Thông tin chấp thuận niêm yết cho CTCP Vĩnh Hoàn (14/12/2007)

>   SGH: Nghị quyết Hội đồng Quản Trị (14/12/2007)

>   DMC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (14/12/2007)

>   SSI thông báo phát hành cổ phiếu thưởng (14/12/2007)

>   VTO: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông (14/12/2007)

>   MPC Thông báo niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên (14/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật