Thứ Sáu, 21/12/2007 10:44

Cổ phần hoá Vietcombank: 5 vấn đề cần làm rõ

Sự kiện IPO Vietcombank là một sự kiện IPO lớn nhất từ trước tới nay, có tác động lớn đến thị trường chứng khoán cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào quá trình cổ phần hoá.

Chính vì vậy, Vietcombank và các cơ quan hữu trách cần làm hết trách nhiệm để đảm bảo cho sự kiện IPO này được minh bạch, theo đúng pháp luật VN, bảo đảm quyền của NĐT.

1. Thặng dư vốn sẽ được sử dụng như thế nào?

Theo thông báo của Chính phủ và Vietcombank (VCB), Nhà nước giữ nguyên vốn tại VCB, tức không bán phần vốn của mình tại VCB và phát hành thêm CP mới để huy động vốn. Như vậy, NĐT sẽ góp vốn vào VCB bằng việc mua CP (phân biệt với VCB hiện nay có 100% vốn Nhà nước).

Theo Luật DN số vốn góp này thuộc sở hữu của VCB. Nói cách khác, theo Luật DN, 100% vốn thặng dư nếu có thuộc về NH TMCP VCB.

Chia thặng dư vốn (cho các cổ đông) hoặc sử dụng như thế nào thuộc thẩm quyền của VCB. Tuy nhiên, lãnh đạo VCB cho biết, sẽ áp dụng Nghị định 109 để xử lý thặng dư, theo đó khoảng 70% thặng dư vốn sẽ nộp cho Nhà nước và 30% thặng dư vốn giữ lại.

Theo quan điểm của tôi, quy định về xử lý thặng dư vốn của Nghị định 109 nêu trên trái Luật DN và Luật Đầu tư, nên không thể áp dụng. Vì Nhà nước chỉ có thể thu tiền từ một DN cổ phần theo một trong những phương thức:

a - Bán (một phần hay toàn bộ) phần vốn nhà nước tại DN;

b - Được chia lãi, thặng dư vốn hoặc các khoản tương tự với tư cách cổ đông;

c - Thu các khoản nghĩa vụ về thuế và tương tự thuế của DN;

d - Thu các khoản phạt hoặc bồi thường do DN vi phạm pháp luật.

Điều 3 Luật DN quy định tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của DN và chủ sở hữu DN không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Điều 6 khoản 1 Luật Đầu tư cũng quy định tương tự.

Vậy lý do nào để Nhà nước thu tiền của VCB (cũng là phần của NĐT mua cổ phần), khi Nhà nước không bán cổ phần và cũng không áp dụng các phương thức khác nêu trên?

Một quy định của nghị định Chính phủ trái luật đương nhiên không thể được áp dụng, nhất là việc áp dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng vạn NĐT.

2. Không rõ số lượng cổ phần được mua giá ưu đãi

Theo dự kiến có 3,5% vốn điều lệ (VĐL) được bán cho CB-NV VCB và người sở hữu trái phiếu (TP) chuyển đổi. Việc bản công bố thông tin nhập hai đối tượng này làm một là không chính xác, vì đối tượng thứ hai mua cổ phần theo giá bình quân hình thành từ cuộc bán đấu giá, trong khi đối tượng thứ nhất chỉ mua với giá ưu đãi bằng 60% giá này.

Giả thiết, những người sở hữu TP chuyển đổi mua hết và theo giá 100.000 đồng/cổ phần, họ sẽ chiếm khoảng 0,9% VĐL. Như vậy sẽ có khoảng 2,6% VĐL được bán lại cho CB-NV VCB với giá ưu đãi trên, số lượng này tương ứng bằng 39 triệu cổ phần.

Với khoảng 6.500 CB-NV của VCB, mỗi người trung bình sẽ mua được khoảng 6.000 cổ phần theo giá ưu đãi. Theo Điều 51 Nghị định 109, mỗi NLĐ chỉ được mua cho mỗi năm công tác 100 cổ phần với giá ưu đãi, nên khó có chuyện trung bình mỗi NLĐ mua được 6.000 cổ phần với giá ưu đãi.

Lẽ ra VCB cần cung cấp chính xác số năm công tác của CB-NV VCB để NĐT biết được bao nhiêu cổ phần có thể được mua với giá rẻ, để họ quyết định có đầu tư hay không (dài hạn hay ngắn hạn).

3. Không rõ về khoản lãi của VCB từ ngày 1.1.2007 có được để lại hay không?

Trong bản công bố thông tin có dự kiến lợi nhuận sau thuế của năm 2007 là 1.854 tỉ đồng và không trả cổ tức. Có vẻ khoản tiền này được nhập vào vốn tự có của VCB, điều này được ghi trong bản công bố thông tin: Vốn chủ sở hữu của VCB ngày 31.12.2006 là 11.127 tỉ đồng và vốn tự có của VCB năm 2007 là 12.981 tỉ đồng.

Không có thông tin nào trong bản công bố này khẳng định số tiền 1.854 tỉ đồng sẽ được nộp lại cho Nhà nước. Tuy nhiên lãnh đạo VCB cho biết lợi nhuận của VCB từ sau ngày 31.12.2006 đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) sẽ được chuyển cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, tức không tính vào vốn chủ sở hữu của VCB. Khoản tiền này dự kiến sẽ bằng 2.500 tỉ đồng nếu NH TMCP VCB nhận giấy chứng nhận ĐKKD vào ngày 1.4.2008.

4. Không rõ việc xử lý TP đặc biệt của Chính phủ

Trước đây, Chính phủ có cấp tăng vốn cho VCB bằng cách VCB được ghi sổ tăng vốn thêm 2.200 tỉ đồng, đồng thời Chính phủ phát hành TP đặc biệt để VCB mua lại cũng trị giá 2.200 tỉ đồng, với lãi suất 3,3%/năm. Đến ngày 31.12.2006 trị giá TP này bao gồm cả lãi là 2.437,6 tỉ đồng.

Lãnh đạo VCB cho biết sẽ đề nghị Chính phủ xử lý khoản TP này bằng thặng dư vốn, nhưng chưa rõ Chính phủ có chấp nhận hay không và cũng không rõ nếu Chính phủ không xử lý TP này, lãi suất TP có thay đổi theo lãi suất thị trường hay không.

Nếu TP này được giữ nguyên (kể cả lãi suất 3,3%/năm), thì NH TMCP VCB sẽ bị thiệt so với việc sở hữu TP có lãi suất thị trường (khoảng 8%/năm), mỗi năm dự kiến thiệt khoảng 115 tỉ đồng.

5. Không rõ thời gian niêm yết cụ thể

Lãnh đạo VCB hứa hẹn rằng quý II/2008 NH TMCP VCB sẽ lên sàn, nhưng trong bản công bố thông tin không nêu rõ thời gian này mà chỉ quy định chung chung. Tuy nhiên, NĐT trúng giá phải thanh toán tiền từ ngày 2-28.1.2008.

Như vậy, nếu VCB tiến hành thủ tục chuyển đổi cũng như tiến hành thủ tục niêm yết chậm, NĐT sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nếu như theo đúng tuyên bố của lãnh đạo VCB: "Lợi nhuận của VCB từ sau ngày 31.12.2006 đến ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD sẽ được chuyển cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển", thì NĐT sẽ bị thiệt vì sự chậm trễ của VCB và Nhà nước (mỗi ngày chậm chuyển đổi NH TMCP VCB sẽ mất ước tính khoảng 7 tỉ đồng tiền lợi nhuận).

Các tin tức khác

>   Quỹ Mekong Enterprise đầu tư 4 triệu USD vào MK Smart (20/12/2007)

>   "Đậu phộng chiên" Tân Tân: Sẽ sớm CPH và lên sàn! (20/12/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Xí nghiệp nước Nhơn Trạch (20/12/2007)

>   Cửa đóng lại trước cổ phiếu OTC (20/12/2007)

>   CTCP Đầu tu và Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa Đại hội Cổ đông lần thứ nhất (20/12/2007)

>   Cty QLQ Bảo Việt: Thay đổi giấy phép hoạt động và mô hình quản lý (20/12/2007)

>   “Sẽ không cổ phần hóa bệnh viện công” (20/12/2007)

>   Licogi 16 bán đấu giá cổ phần (20/12/2007)

>   CTCP Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh bán đấu giá cổ phần (20/12/2007)

>   CTCP Đầu tư & Xây dựng Số 8 xin ý kiến về việc phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ (20/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật