“Sẽ không cổ phần hóa bệnh viện công”
Ngành y tế sẽ không cổ phần hóa bệnh viện công hay chuyển đổi cơ sở công sang tư.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị sơ kết Nghị quyết 05 về đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao diễn ra ngày 18/12.
Theo Phó thủ tướng, từ nay trở đi, ba loại hình bệnh viện: công, tư nhân và nước ngoài được quyền thu đủ viện phí. Lương của bác sĩ bệnh viện nhà nước có thể đến 100 triệu đồng/tháng.
Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về chất lượng khám và điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân là của bệnh viện thì bệnh viện được thu đủ theo quy định của bệnh viện. Nếu bệnh nhân thuộc diện nhà nước “đặt hàng” (như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người trong diện chính sách...) thì nhà nước sẽ thanh toán toàn bộ.
“Chúng ta không nên cổ phần hóa bệnh viện công. Không nên chuyển đổi cơ sở công sang tư bởi nhu cầu người dân là rất lớn. Bây giờ bệnh viện công có thể liên kết rộng để có kinh phí nâng cấp trang thiết bị, có thể mở thêm cơ sở điều trị mới. Với những cơ sở này, bệnh viện có thể định giá viện phí phù hợp, đúng, đủ...”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng cho hay trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hướng tới dùng thẻ bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời khuyến khích các công ty bảo hiểm hoạt động thêm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Giá trị mỗi thẻ bảo hiểm y tế sẽ tăng dần.
“Chúng ta phải coi đây là một cuộc cạnh tranh giữa các bệnh viện. Có như vậy chất lượng khám, chữa bệnh mới được nâng cao. Phải làm sao để người dân, nhất là dân nghèo được khám, chữa bệnh tốt nhất”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
“Sau khi nghe Phó thủ tướng chỉ đạo không cổ phần hóa bệnh viện công, tôi cũng như giám đốc các bệnh viện khác hồ hởi và vui mừng lắm. Đây là chủ trương đúng, là một hứa hẹn phát triển rất sáng sủa cho hoạt động của ngành y tế”, ông Trương Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Còn ông Vũ Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghệ y học, thì cho biết: “Tôi thấy ý kiến của Phó thủ tướng rất hợp để có thể xã hội hóa y tế. Bây giờ chúng tôi có thể tha hồ hoạt động mà không còn e ngại gì về cơ chế, chính sách nữa”.
Pháp luật Tp.HCM
|