Chứng khoán Việt nhìn từ “Sing”
Sàn giao dịch không rộng đến 1.000 m2, không có nhà đầu tư nào đến sàn là ấn tượng đầu tiên với người viết khi đến thăm Công ty Chứng khoán Kim Eng.
Đây là công ty chứng khoán hoạt động từ năm 1972 và cũng là công ty chứng khoán đầu tiên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX).
Ngay tại SGX, nơi mà ai cũng nghĩ sẽ được chứng kiến cảnh mua bán náo nhiệt của các nhà môi giới chứng khoán, nhưng không, ở đây cũng rất yên tĩnh. Không có một nhà môi giới nào xuất hiện, chỉ có lác đác một vài nhà đầu tư đến trò chuyện với các giao dịch viên do có nhu cầu được nhìn thấy "người thật, việc thật". Sau sự kiểm soát khá nghiêm ngặt về an ninh, không gian của Sở hiện ra giống như quán café loại nhỏ với nhiều hình ảnh đẹp về các chuyến viếng thăm và sự hợp tác của Sở với các đối tác lớn.
Như hiểu được sự ngạc nhiên của chúng tôi, bà Betty Fong, phụ trách quan hệ công chúng của Sở liền cho biết, hoạt động giao dịch tại Sở được thực hiện qua hệ thống điện tử và từ cách đây 2 năm Sở đã quyết định không còn để lại sàn truyền thống nữa. Ở đây, công nghệ đóng vai trò hạt nhân, còn con người trở thành đối tượng được phục vụ.
Ở Singapore, nhà môi giới chứng khoán không nhất thiết phải là nhân viên của công ty chứng khoán. Những nhà môi giới như vậy lại được các công ty chứng khoán rất trọng thị và điều ngạc nhiên là họ có thể có thu nhập cao hơn nhiều so với chính tổng giám đốc công ty chứng khoán. Họ được gọi là những remisers…
Mua cổ phiếu không cần tiền
Nếu như tại Việt Nam, nhà đầu tư muốn mua chứng khoán trên thị trường niêm yết thì điều kiện bắt buộc là phải có đủ số tiền ký quỹ, nhưng tại Singapore, nhà đầu tư không bị quản chặt về trách nhiệm thanh toán, trách nhiệm này thuộc về công ty chứng khoán nơi làm môi giới giao dịch. Sau thời gian thanh toán (T+3), nếu nhà đầu tư không có tiền để trả cho số cổ phiếu đã mua, công ty chứng khoán có quyền bán số chứng khoán đó để thu hồi vốn.
Nếu có lãi, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận, còn nếu lỗ, nhà đầu tư phải có trách nhiệm bù tiền. Tại Singapore, nếu bạn không có chứng khoán, bạn vẫn có quyền đặt lệnh bán (bán khống) và công ty chứng khoán nơi bạn thực hiện giao dịch sẽ hỗ trợ bạn. Nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Singapore cũng không bị hạn chế về số tài khoản được mở, nên một nhà đầu tư bình thường cũng có thể có từ 5-7 tài khoản.
Riêng với người môi giới, pháp luật chỉ cho phép họ được mở một tài khoản tại chính công ty mình và trước khi giao dịch, họ phải báo cáo với bộ phận kiểm soát để đảm bảo rằng, giao dịch của nhà môi giới là hoàn toàn minh bạch.
Biên độ giá cổ phiếu ở Singapore được hoàn toàn thả lỏng, nên trong 1 phiên, giá cổ phiếu có thể tăng giảm đến 50%. Với 748 công ty niêm yết, trong đó có đến 281 doanh nghiệp nước ngoài (đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, châu Âu…), Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore được nhìn nhận như một sở giao dịch tầm cỡ quốc tế.
Tổng giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán Singapore đạt khoảng 530 tỷ USD, còn giá trị giao dịch cũng khoảng 100 tỷ USD/quý. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tổng giá trị vốn hoá thị trường tính đến giữa tháng 12 năm nay khoảng 28 tỷ USD, với giá trị giao dịch hàng ngày khoảng gần 100 triệu USD.
Với một thị trường rộng lớn và đa sắc tộc như vậy, nhưng tại Singapore chỉ có 30 công ty chứng khoán. Có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà một công ty chứng khoán tại đây được quyền cung cấp như dịch vụ thị trường vốn; môi giới chứng khoán; quản lý tài sản, bảo hiểm tài sản, giao dịch tương lai, quyền chọn…
Nói riêng về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết, vai trò của công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần là giúp doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ, xác định giá khởi điểm, mà công ty chứng khoán có vai trò là cầu nối giữa công ty niêm yết và thị trường.
Ông Simon Ong, Giám đốc điều hành Kingsmen (một khách hàng của Kim Eng) cho biết, ông không cần phải bận tâm đến diễn biến giá trên thị trường chứng khoán. Mọi thông tin thị trường và sự phản ánh của nhà đầu tư về doanh nghiệp đều được công ty chứng khoán ghi nhận và chuyển đến cho doanh nghiệp. Ngược lại, công ty chứng khoán cũng là nơi cung cấp thông tin từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư.
Một nghiệp vụ rất thú vị mà các công ty chứng khoán tại Singapore vừa được quyền cung cấp là dịch vụ bảo trợ niêm yết (listing sponsor) có tên là Catalist. Theo giải thích của ông Wilson Koh, Phó chủ tịch Phụ trách kinh doanh của SGX thì các công ty chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ này có vai trò như một đại lý của Sở, giúp Sở xét duyệt niêm yết cho các doanh nghiệp.
Ông Wilson cũng cho biết, doanh nghiệp muốn niêm yết sử dụng dịch vụ này của công ty chứng khoán thì thời gian cần thiết để được niêm yết tại SGX chỉ khoảng 5-6 tuần. công ty chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm trước Sở về tính chính xác, minh bạch về thông tin của doanh nghiệp xin niêm yết và Sở có thể chấp thuận cho doanh nghiệp lên sàn, mà không cần biết doanh nghiệp đó là như thế nào.
Remisers, nghề hấp dẫn
Ở Việt Nam, nếu bạn không làm việc trong một công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ thì chứng chỉ hành nghề (nếu có) cũng vô nghĩa, do pháp luật chưa cho phép có loại hình nhà môi giới tự do. Nhưng ở Singapore thì khác. Những người có chứng chỉ hành nghề môi giới và không muốn bó buộc mình trong một công ty cụ thể nào có thể chọn làm nghề remisers (có chức năng như một đại lý môi giới).
Lực lượng remisers tại Singapore là cánh tay đắc lực cho các công ty chứng khoán trong việc chăm sóc khách hàng và khuyến khích họ giao dịch. Remisers được đối xử trọng thị (có đầy đủ phương tiện tác nghiệp tại công ty chứng khoán) và chỉ duy nhất sự khác biệt là họ không được hưởng lương định kỳ của công ty chứng khoán. Thu nhập của đối tượng này đến từ việc chia sẻ nguồn phí dịch vụ mà nhà đầu tư trả khi giao dịch. Mức chia sẻ sẽ tuỳ thuộc thoả thuận giữa 2 bên, nhưng tỷ lệ thông thường là 40/60.
Như tại Kim Eng, có tới 200 đại lý môi giới và hầu hết remisers đều là người nhiều tuổi (trên 50 tuổi). Họ có kinh nghiệm, uy tín, có cơ số khách hàng lớn, có kỹ năng chăm sóc khách hàng. Trên thị trường, họ đứng giữa để kết nối giao dịch, mang lại lợi ích cho các bên.
Bên cạnh các remisers, công ty chứng khoán có bộ phận môi giới riêng. Hệ thống giao dịch điện tử tại đây đã phát triển đến mức các hoạt động chăm sóc khách hàng gần như được thực hiện qua Internet. Những bản tin phân tích về doanh nghiệp niêm yết, cơ hội đầu tư hay tổng hợp giao dịch được cập nhật liên tục đến nhà đầu tư.
Nhà đầu tư tại Singapore chỉ tìm đến công ty chứng khoán khi có nhu cầu mở hoặc đóng tài khoản. Khả năng bảo mật trong giao dịch điện tử tại thị trường chứng khoán Singapore rất cao (có lẽ là tuyệt đối), bởi ngay cả với một công việc nhạy cảm là nộp và rút tiền khỏi tài khoản của nhà đầu tư cũng được thực hiện hoàn toàn qua hệ thống giao dịch điện tử, không cần sự hiện diện của con người.
Kim Eng đã đến Việt Nam
Ra đời vào năm 1972, Công ty Chứng khoán Kim Eng (nay là Tập đoàn Kim Eng) hiện là nhà môi giới chứng khoán lớn thứ hai tại Singapore với 10,7% thị phần thị trường (tính đến quý 3/2007). Tại thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia, Kim Eng là công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần môi giới với tỷ lệ 7,8% và 7,1% thị phần.
Tại Philippines, Kim Eng là 1 trong 5 công ty chứng khoán đứng đầu thị trường với 7,7% thị phần môi giới. Ngoài ra, Kim Eng đã có sự hiện diện tại một số thị trường chứng khoán lớn như Hồng Kông, Ấn Độ, London, New York…
Tại Việt Nam, từ tháng 2/2007, Kim Eng đã được Ủy ban Chứng khoán cấp phép hoạt động cho Văn phòng đại diện và hiện nay, Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam - công ty chứng khoán liên doanh đầu tiên tại Việt Nam vừa được Ủy ban Chứng khoán cấp phép thành lập.
Kim Eng Việt Nam ra đời với việc góp 49% vốn của Tập đoàn Kim Eng. Mang thương hiệu của Tập đoàn Kim Eng, Kim Eng Việt Nam được hội tụ nhiều sức mạnh: đó là hệ thống khách hàng toàn cầu của công ty mẹ; hệ thống công nghệ hiện đại; nguồn nhân sự chuyên nghiệp được chia sẻ từ Tập đoàn và thương hiệu Kim Eng đã được khẳng định tại châu Á, giúp Kim Eng Việt Nam dễ dàng tiếp cận và tạo dựng niềm tin với các khách hàng quốc tế.
Trong con mắt của ông Wilson Koh thì thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường mới nổi, rất tiềm năng và nhiều cơ hội, đến bản thân ông Wilson cũng muốn được đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có một nhà môi giới đáng tin cậy nào nối nhà đầu tư tại Singapore với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Wilson Koh hy vọng, Kim Eng Việt Nam sẽ sớm thực hiện chức năng này. Hiện nay, tại Singapore, lãi suất trên thị trường tiền tệ dao động trong khoảng 2,5-2,7%/năm, trong khi tại Việt Nam, lãi suất trái phiếu chính phủ ít nhất cũng trên 7,5%. Riêng một chỉ tiêu này cũng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư tại Singapore.
Với 65 công ty chứng khoán đã được cấp phép và khoảng 80 hồ sơ đang chờ cấp phép, sự xuất hiện của công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam có thể sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh cho khối công ty chứng khoán. Nhưng như lời ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam thì Kim Eng đến Việt Nam lúc này cũng giống như các ngân hàng nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam vào đầu những năm 90 thế kỷ trước.
Có nhiều ngỡ ngàng và lo lắng cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, nhưng thực tế đã chứng minh, sự xuất hiện của tập đoàn tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động chuyên nghiệp hơn, cùng khai thác cơ hội thị trường và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Quyết định 128/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020, thị trường vốn Việt Nam phát triển tương đương thị trường vốn các nước trong khu vực. Còn trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì sau 5 năm kể từ ngày gia nhập, tức là đến năm 2011, Việt Nam sẽ cho phép thành lập loại hình công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài.
Thời gian không đợi. Sự xuất hiện của Kim Eng Việt Nam lúc này là bước đi tiên phong thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam hoà nhập dần với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực. Một công ty chứng khoán chất lượng quốc tế đang đến để phục vụ doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam...
ĐT
|