Cận kề ngày đấu giá Vietcombank. Các nhóm nhà đầu tư nào tác động tới thị trường?
Nhiều dự đoán và kịch bản thị trường được đưa ra trước thềm IPO VCB - cuộc IPO có tầm cỡ và ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới giờ. Liệu có hay không bàn tay của các thế lực điều khiển hướng đi của VN-Index để điều khiển kết quả đấu giá cổ phần của VCB? Và VCB có lặp lại hiện tượng của Bảo Việt và DPM?
Thị trường thế giới hôm qua phục hồi mạnh mẽ do ảnh hưởng từ thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất đồng USD, các chỉ số DowJones, S&P500, Nasdaq đều tăng mạnh. Trong khi đó VN-Index và lại tiếp tục sụt giảm khá sâu, HaSTC - Index mất điểm nhẹ hơn một chút nhưng khối lượng giao dịch ở 2 sàn đều thấp.
Dò tìm điểm đáy, nhiều NĐT "kẹt" vốn
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, VN - Index đã vuột khỏi ngưỡng 950 điểm - có thể được xem là ngưỡng hỗ trợ khi NĐT đang mong chờ thông tin về việc cắt giảm lãi suất của FED khiến cho thị trường thế giới khởi sắc ngày hôm nay sẽ tác động đến TTCK VN.
Diễn biến "ảm đạm" của VN - Index khiến cho nhiều NĐT "bất đắc dĩ" chuyển thành những nhà "đầu cơ giá xuống", hoặc buộc phải "cut loss" hoặc chuyển sang nắm giữ CP trong dài hạn - điều này thường xảy ra với NĐT mới.
Danh mục của nhiều NĐT hiện đã không còn nhiều tiền mặt, trong khi thị trường vẫn đi ngang, thậm chí nhiều khi thấy giá CP xuống khá thấp trong những phiên điều chỉnh mạnh, cũng đành "nhắm mắt quay đi" vì không có tiền mua, hoặc hoang mang trước những diến biến tiếp theo của thị trường.
Những phiên điều chỉnh lên mạnh hiếm hoi không đi kèm với khối lượng giao dịch tăng đột biến khiến NĐT chưa thể tin tưởng vào một xu thế đi lên của thị trường. Trong khi đó, ngày thực hiện IPO VCB đang tới gần, mà nguồn tiền của NĐT cạn dần.
NĐT và phán đoán diễn biến của thị trường
Có thể khẳng định, VN-Index sẽ diễn biến như thế nào phụ thuộc rất lớn vào chiêu bài của các đối tượng tham gia đấu giá VCB sắp tới. Chúng ta thử chia nhóm đối tượng trên thị trường để dự đoán hành động của họ cũng như tác động của nó đến thị trường.
Thứ nhất, với những NĐT lớn hoặc có tổ chức trong nước, sẽ là những người mua được phần lớn trong số 6,5% cổ phần của VCB đem ra đấu giá, tất nhiên họ sẽ có những động thái để điều khiển giá VCB theo hướng có lợi nhất cho mình.
Những NĐT này thông thường xác định đầu tư lâu dài vì trong ngắn hạn VCB chưa thể có sức bật lớn để đưa lại lợi nhuận như mong muốn. Hơn nữa, đây là đối tượng rất có tiềm lực tài chính, không bị áp lực về quay vòng vốn như NĐT nhỏ.
Tận dụng một số yếu tố kinh tế vĩ mô tác động tới thị trường sắp tới, có thể sẽ có vài phiên điều chỉnh nhỏ kích thích thị trường để NĐT cá nhân bán ra trước khi lại "lình xình" để ép giá trúng VCB và giá của các CP NH trên thị trường OTC. Sức chi phối của nhóm NĐT này rất lớn, sẽ quyết định giá đấu thầu bình quân của VCB.
Thứ hai, đó là nhóm NĐTNN, bị hạn chế chỉ được mua 30% số lượng CP đem ra đấu giá lần này tức là tối đa 29,25 triệu cổ phần. VCB là thương hiệu NH mà NĐTNN rất quan tâm, tuy thế, mức giá mà họ đưa ra khi đàm phán làm đối tác chiến lược có vẻ như chỉ ở mức 2 con số.
Việc thay đổi phương án phát hành của VCB từ bán cho đối tác chiến lược trước rồi mới phát hành ra công chúng nay đổi thành phát hành ra công chúng trước, trên cơ sở giá đấu thành công bình quân sẽ lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp.
Theo phương án này, NĐT chiến lược nước ngoài buộc phải tìm cách kìm giá đấu thầu bình quân xuống bằng cách tác động lên thị trường niêm yết và thị trường CPNH.
Dễ dàng thấy, giao dịch của NĐTNN càng về cuối năm càng "đủng đỉnh" sau khi đã lặng lẽ gom một lượng hàng lớn một số CP tốt mới lên sàn bị rớt giá để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Có tiềm lực tài chính, họ đã và đang lấp kín "room" nhóm Blue-chips và CP hạng trung dẫn dắt thị trường nên sức ảnh hưởng của nhóm này đến thị trường cũng rất lớn.
Thứ ba, nhóm NĐT cá nhân tham gia đấu giá. Nhóm này cũng có sự quan tâm đặc biệt tới giá trúng thầu VCB, nhưng thông thường không có mục đích đầu tư lâu dài, họ sẽ bán ra để hưởng chênh lệch giá ngay khi có dịp do yêu cầu độ quay vòng của vốn cao.
Đây là nhóm NĐT mua bán ngắn hạn, do đó rất hy vọng vào việc thị trường khởi sắc sau IPO VCB. Nhạy cảm với thông tin, độc lập trong phán đoán, nhận định thị trường, cơ cấu CP - tiền trong danh mục của họ khá hợp lý và sẽ mua bán thận trọng chờ tín hiệu thị trường hồi phục để đẩy thị trường đi lên.
Cuối cùng, là nhóm NĐT theo phong trào, phân tích, phán đoán, quyết định mua - bán thường bị ảnh hưởng bởi nhóm NĐT thứ 3, và vô tình trở thành đối tượng bị điều khiển theo diễn biến thị trường. Vốn mỏng, ít kinh nghiệm, đầu tư theo thông tin, luồng tiền giải ngân vào CP đang bị "kẹt" lại, họ là những thua lỗ nhiều nhất trong giai đoạn thị trường vừa qua. Họ cũng sẽ là những người thu được nhiều kinh nghiệm nhất.
Chỉ nửa tháng nữa là đến ngày đấu giá VCB, công tác chuẩn bị cũng đang rất gấp rút, và NĐT đang hồi hộp chờ đợi.
LĐ
|