Luật Thuế thu nhập cá nhân
Cách tính thuế khi chuyển nhượng cổ phiếu
Theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (TNĐVNCTNC), nhà đầu tư chứng khoán chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thế nhưng khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009, nhà đầu tư chứng khoán thuộc diện nộp thuế TNCN. Theo yêu cầu của các nhà đầu tư chứng khoán, bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Thuế thu nhập cá nhân - Cục Thuế TPHCM trả lời:
Luật Thuế TNCN đã mở rộng 10 loại hình hoạt động có phát sinh thu nhập phải chịu thuế TNCN, trong đó có một số loại thu nhập sau đây hiện chưa được Pháp lệnh Thuế TNĐVNCTNC đưa vào diện thu thuế bao gồm thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán…; thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán…
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn và số thuế phải nộp sẽ được tính trên biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành theo quy định của pháp luật. Ví dụ chị L. mua cổ phiếu (CP) của công ty X. với giá 110.000 đồng/CP, nay chuyển nhượng với 200.000 đồng/CP thì thu nhập chịu thuế của chị L. là (200.000 đồng - 110.000 đồng = 90.000 đồng) với thuế suất 20%, số thuế phải nộp là 18.000 đồng.
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán và số thuế phải nộp sẽ được tính theo thuế suất 0,1%. Ví dụ chị L. chuyển nhượng cổ phiếu của công ty X. với giá 200.000 đồng/CP mà chị không xác định được giá mua là bao nhiêu thì phải nộp thuế là 2.000 đồng (200.000 đồng x 0,1%). Như vậy nếu xác định được giá mua cổ phiếu thì khi chuyển nhượng cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế là 18.000 đồng thay vì 2.000 đồng/CP do không xác định được giá mua.
- Trường hợp các công nhân chuyển nhượng số cổ phiếu của mình được công ty bán với giá ưu đãi khi cổ phần hóa thì có phải nộp thuế?
- Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là tổng số các khoản thu nhập từ đầu tư vốn quy định bao gồm tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ (khoản 3 Điều 3 Luật Thuế TNCN) mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập (Điều 12 Luật Thuế TNCN). Số thuế phải nộp được tính theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. Ví dụ chị P. được mua cổ phiếu với giá ưu đãi là 70.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng với giá 120.000 đồng/CP thì thu nhập chịu thuế (120.000 đồng - 70.000 đồng = 50.000 đồng). Vậy chị P. phải nộp thuế là 2.500 đồng (50.000 đồng x 5%).
- Xin bà cho biết cách tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng của cha mẹ cho con cái hay ngược lại?
- Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế được quy định như sau: Đối với thu nhập từ thừa kế là thời điểm đối tượng nộp thuế được thừa kế; đối với thu nhập từ quà tặng là thời điểm tổ chức, cá nhân cho, tặng đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhập được thu nhập (Điều 18 Luật Thuế TNCN). Số thuế phải nộp được tính trên biểu thuế toàn phần với thuế suất 10%. Ví dụ, cha mẹ cho con cổ phiếu trị giá 11 triệu đồng, thì 10 triệu đồng không phải nộp thuế, còn phần vượt là một triệu đồng phải nộp thuế TNCN (1 triệu x 10%= 100.000 đồng).
- Xin cảm ơn bà.
SGGP
|