17h: Giá bỏ thầu Vietcombank cao nhất là 191.000 đồng/cp
Theo kết quả kiểm phiếu tính tới 17h00 chiều 26/12, mức giá bỏ thầu cao nhất trong phiên đấu giá cổ phần Vietcombank đã đạt 191.000 đồng/cp. Cụ thể, tính tới 17h00 chiều 26/12, Sở GDCK TP.HCM đã kiểm được tổng cộng 4.211 lệnh đặt với tổng số lượng cổ phiếu được đặt mua là 36.517.800 cổ phần. Trong đó, mức giá đặt cao nhất là 191.000 đồng/cp, giá thấp nhất đúng bằng giá khởi điểm là 100.000 đồng/cp.
Hầu hết các lệnh đều có giá đặt thầu dưới 110.000 đồng/cp.
Khối lượng đặt cao nhất đối với 1 lệnh là 1.400.000 cổ phần và khối lượng đặt thấp nhất là 100 cổ phần.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty chứng khoán Vietcombank, VCBS, đơn vị tư vấn cho Vietcombank trong đợt IPO này, cho biết, tính tới thời điểm hiện tại (17h) việc kiểm phiếu diễn ra suôn sẻ và Ban Tổ chức đã kiểm được khoảng 60% số lượng lệnh đặt mua.
Bà Liên cũng cho biết, Ban Tổ chức sẽ làm việc “thông tầm” cho tới khi xong việc. Dự kiến, việc kiểm phiếu sẽ hoàn tất vào khoảng 22h tối nay.
Được biết, số lượng lệnh đặt sai quy định không nhiều. Hiện tại, toàn bộ các lệnh có lỗi đã bị loại ra, tuy nhiên, Ban Tổ chức cho biết sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp sau khi kết thúc kiểm phiếu.
Trước đó, theo Phó Tổng giám đốc Sở GDCK TP.HCM, ông Thái Đắc Liệt, việc kiểm phiếu đấu giá cổ phần Vietcombank sẽ được tiến hành trong ngày 26/12 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 27/12/2007.
Sáng nay 26/12, toàn bộ 90 hòm phiếu từ các công ty chứng khoán đã được chuyển lên HOSE và bắt đầu được kiểm từ 9 giờ sáng. Tham dự buổi kiểm phiếu có đại diện Ngân hàng Nhà nước, đầy đủ ban lãnh đạo Sở Giao dịch, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương.
Tuy không có cảnh chen lấn như trong các phiên đấu giá lớn trước như Bảo Việt nhưng số lượng người tham dự cũng rất đông, chật cứng toàn bộ gần 500m2 sảnh.
Trong đợt đấu giá cổ phần của Vietcombank lần này đã thu hút 9.473 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 9.068 cá nhân trong nước, 207 cá nhân nước ngoài, 153 tổ chức trong nước và 45 tổ chức nước ngoài.
Tổng khối lượng đăng ký mua là 122.217.200 cổ phần, trong đó các cá nhân trong nước đăng ký mua 46.739.100 cổ phần, cá nhân nước ngoài đăng ký mua 804.700 cổ phần, các tổ chức trong nước đăng ký mua 34.810.400 cổ phần và các tổ chức nước ngoài đăng ký mua 39.863.000 cổ phần.
Đấu giá cổ phần của Vietcombank là đợt đấu giá lớn và quy mô nhất từ trước đến nay. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã chấp thuận cho 62 công ty chứng khoán làm đại lý nhận lệnh cho Vietcombank, nhiều gấp 4-5 lần so với thường lệ.
IPO Vietcombank sẽ tác động lớn tới thị trường
Tại buổi kiểm tra kết quả đấu giá sáng nay, ông Trần Đắc Sinh, Phó CT HĐQT, Giám đốc Sở GDCK TP.HCM (HOSE), cho biết, ông rất hài lòng về kết quả bỏ thầu ban đầu. Cán cân cung/cầu 97.500.000/122.217.200cp là một tỷ lệ quá lý tưởng và ông hy vọng cuộc đấu giá này thành công.
Theo ông Sinh, một ngân hàng thương mại thuộc hàng lớn nhất VN phát hành và niêm yết cổ phiếu, sẽ có tác động rất lớn đến thị trường. Theo đó, trên lĩnh vực chưa niêm yết, VCB sẽ tác động đến giá cổ phiếu OTC, thị trường OTC, và đặc biệt giá VCB IPO thành công sẽ là mức giá chuẩn để xác định lại giá trị cổ phiếu OTC của các ngân hàng, ổn định lại cổ phiếu ngân hàng và thị trường OTC. Cho tới thời điểm cuối buổi sáng, với giá đấu cao nhất là 180.000 đồng/cp, là giá quá tốt.
Lâu nay thị trường đi tìm kiếm một chuẩn mực để qua đó xác định giá trị cổ phiếu, nhưng chưa tìm ra, chưa có. Và có thể nói, hôm nay VCB sẽ đảm nhận sứ mệnh này, sẽ làm lại, tạo ra chuẩn mực cho thị trường, mà giai đoạn này là thị trường OTC, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng, ông Sinh cho biết.
Hơn thế nữa, khi VCB niêm yết sẽ có tác động lớn đến chỉ số VN-Index, với vai trò dẫn dắt thị trường.
Năm 2007: TTCK Việt Nam phát triển vững chắc
Nhận xét về TTCK Việt Nam trong năm 2007, ông Trần Đắc Sinh cho biết: “TTCK năm qua phát triển vững chắc. Chỉ số VN-Index tăng vài mươi phần trăm so với 2006, không quá nóng.”
Theo ông Sinh, năm 2007 TTCK đạt nhiều thắng lợi: Các chỉ tiêu, chỉ số đều đạt yêu cầu; phát hành cổ phiếu đã đạt trên 100.000 tỷ đồng, niêm yết huy động 48.000 tỷ đồng. Đây là một nguồn huy động vốn dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế.
Thời gian tới, việc nhiều DN phát hành, niêm yết cổ phiếu sẽ tạo ra một lượng cung hàng hóa lớn, đầy đủ cho thị trường. Và như vậy, TTCK tiếp tục sẽ là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời, lượng hàng hóa ổn định sẽ giúp thị trường ổn định.
VNN
|