Nâng tổng dư nợ, “lách” Chỉ thị 03
Một số ngân hàng đang nỗ lực giải ngân, nâng tổng dư nợ để “ép” tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán xuống hạn mức 3%.
Chỉ còn một tháng, thời hạn để các ngân hàng thu hồi vốn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán về hạn mức 3% theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước kết thúc.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét những trường hợp bất khả kháng, liên quan đến tính pháp lý của các hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thực hiện nghiêm Chỉ thị 03; trong thời gian tới, hạn mức 3% tổng dư nợ vẫn được duy trì và không khuyến khích hoạt động cho vay này.
Sau gần 5 tháng thực hiện chỉ thị trên, hầu hết các ngân hàng đã đưa dần dư nợ loại này về dưới 3%. Nhưng với những trường hợp bất khả kháng, biện pháp đã và đang được đề cập đến là nâng cao tổng dư nợ của hệ thống, nới rộng chiếc áo dư nợ, dù có thể quá khổ, để “ép” cho vay đầu tư chứng khoán theo hạn mức 3%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nền kinh tế đến thời điểm này đã tăng trên 33% so với cuối năm 2006, tăng trên 42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó dư nợ cho vay VND đã tăng trên 31%. Đây là những tỷ lệ đột biến so với dự kiến chỉ khoảng 22 – 25% đặt ra đầu năm.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn dự kiến nhưng phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong sự đột biến trên không thể loại trừ mục đích nâng cao tổng dư nợ của một số ngân hàng thương mại để “lách” Chỉ thị 03.
Số liệu từ một số ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện cho vay đầu tư chứng khoán mạnh từ đầu năm vừa công bố cũng cho thấy, tổng dư nợ của toàn hệ thống đã tăng vọt từ 230% - 250% với năm 2006. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng không ngần ngại khi tuyên bố buộc phải nâng cao tổng dư nợ như một giải pháp ứng phó với Chỉnh thị 03.
Trong một tháng trở lại đây, một loạt ngân hàng cổ phần lần lượt triển khai dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng, cơ chế “thoáng”, lãi suất ưu đãi với hạn mức có thể lên tới 300 triệu đồng. Không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ này được đẩy mạnh, khi áp lực vốn cho các hợp đồng tiền gửi đáo hạn cuối năm, vốn khả dụng một số ngân hàng có dấu hiệu thiếu hụt.
Ngoài ra, cũng không phải ngẫu nhiên mà một số ngân hàng liên tục giới thiệu các sản phẩm cho vay đầu tư, mua bất động sản hoặc tiêu dùng cao cấp, cho vay qua mạng... Tổng dư nợ theo đó có thể tăng mạnh.
Với cách làm trên, giả sử, một ngân hàng đầu năm đưa ra tổng dư nợ dự kiến năm nay là 10.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán 500 tỷ đồng và không thể giảm xuống. Tổng dư nợ buộc phải nâng lên ít nhất là 16.666 tỷ đồng, vượt xa cả dự kiến đầu năm và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Ở đây, tác động của Chỉ thị 03 lại thể hiện ở một khía cạnh khác.
TBKTVN
|