EVN phá bỏ trụ sở, xây Trung tâm Tài chính Thương mại: Sẽ gây lãng phí lớn?
Hàng loạt cơ sở mới xây bị đập bỏ, 14.000m2 đất nằm giữa trung tâm Hà Nội được giao cho một công ty cổ phần quản lý... Liệu tất cả chi phí sẽ bị tính vào giá điện để người dân phải trả?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo một kế hoạch di dời trụ sở tập đoàn này và một số đơn vị thành viên để xây dựng Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này có thể gây lãng phí, tổn thất lớn cho Nhà nước.
Theo thông báo của Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN, để xây dựng trung tâm trên thì sẽ phải di dời toàn bộ khu vực trụ sở của tập đoàn này, trụ sở của Công ty Điện lực I, Công ty Điện lực Hà Nội, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, khách sạn Điện lực, Điện lực Hoàn Kiếm, Phòng Tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội. Tổng diện tích dành cho kế hoạch xây dựng lên tới hơn 14.000m2. Đây là khu vực đất thuộc loại đắt đỏ nhất của thủ đô Hà Nội do nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, trên các đường: Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn... mà theo khung giá đất của thành phố ban hành, giá trung bình cũng lên tới 40 - 50 triệu đồng/m2, chưa nói đến giá thị trường có thể lên tới hàng chục cây vàng/m2.
Theo lời một cán bộ của EVN, ông cũng lấy làm khó hiểu về kế hoạch này vì trụ sở của EVN mới được cải tạo tổng thể được vài năm với số tiền cải tạo rất lớn, nay ngay lập tức lại phá đi, đó là sự rất lãng phí. "Không thể nói là lãng phí mà là rất lãng phí", ông này khẳng định. Bởi vì không những lãng phí ở chỗ phá dỡ đi các trụ sở đã được đầu tư kiên cố, đẹp, còn trông như mới mà các cơ quan phải di chuyển sẽ phải đi thuê trụ sở làm việc tại nhiều nơi khác với giá thuê rất cao. Đó là chưa kể hàng trăm cán bộ, nhân viên của khách sạn Điện lực sẽ phải nghỉ việc và EVN đang phải chỉ đạo để giải quyết chế độ, chính sách cho số lao động này.
"Tất cả chi phí phát sinh như vậy có thể sẽ đổ vào chi phí giá điện hết và là một sức ép khi ngành phải tăng giá bán điện", ông này nói và đặt câu hỏi: "Hoàn toàn có thể chọn vị trí khác cho EVN-Land, mà không cần phải phá bỏ trụ sở các cơ quan để tránh lãng phí, tại sao lại không làm được?".
Được biết, quản lý Trung tâm Tài chính và Thương mại Tập đoàn Điện lực sẽ là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực (EVN-Land). Công ty này có vốn điều lệ 800 tỉ đồng; cơ cấu góp vốn gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam 80% (640 tỉ đồng), Công ty Điện lực 1 là 10% (80 tỉ đồng), Công ty Điện lực Hà Nội 10% (80 tỉ đồng). Tuy nhiên, ở ngay tên viết tắt "EVN-Land" của công ty này, theo một chuyên gia của Bộ Công thương là rất khó hiểu. Ở đây, dường như những người sáng lập công ty cổ phần trên muốn công chúng hiểu đây là một công ty cổ phần về bất động sản, sở hữu một tài sản đất đai có thể nói giá trị vào bậc nhất của Hà Nội ("land" nghĩa là "đất")? Điều đáng băn khoăn nhất ở đây là việc 14.000m2 đất có giá trị rất lớn của Nhà nước được định giá thế nào khi chuyển cho Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực? Nhà nước sẽ có cơ chế nào để cái giá trị khổng lồ đó không bị thất thoát?
TN
|