Mua cổ phiếu “có bảo hiểm”
Anh Nguyễn Quang, một nhà đầu tư đã bỏ ra 1 tỉ đồng để mua một loại cổ phiếu (CP) trên thị trường OTC. Giá CP này trên thị trường ở mức 81.000 đồng, nhưng anh chấp nhận mua với giá 83.000 đồng/CP vì đã được “bảo hiểm”.
Anh Quang và người bán đã lập một hợp đồng giao dịch. Theo đó, người bán bảo đảm sau 6 tháng, nếu giá CP trên không lên đến 120.000 đồng/CP thì anh ta sẽ mua lại toàn bộ số CP đã bán cho anh Quang với giá 120.000đ/CP. Khoản chênh lệch giữa giá thị trường (81.000đ/CP) và giá anh Quang chấp thuận mua (83.000đ) là khoản phí anh Quang phải trả để được “bảo hiểm”.
Cách giao dịch này tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng rất phổ biến ở thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới, thông qua các hợp đồng “Future” (tương lai) hay “Option” (lựa chọn). Có hai loại là Option mua (quyền chọn mua) và Option bán (quyền chọn bán). Chẳng hạn vào ngày 1.11, giá CP A là 70.000 đồng/CP, bên mua chọn Option mua 1.000 CP A với giá 80.000 đồng/CP đến ngày 1.12 và trả cho người bán một khoản phí theo thỏa thuận. Đến ngày 1.12, nếu giá CP A là 75.000 đồng/CP thì bên mua có quyền từ chối mua. Nếu giá CP A là 80.000 đồng/CP thì người mua có quyền mua hay không mua nhưng bị mất khoản phí đã trả cho người bán. Nếu giá cao hơn 80.000 đồng/CP thì người mua sẽ thực hiện hợp đồng. Loại hợp đồng Option này thường được các nhà đầu tư chọn giao dịch. Trong khi đó, hợp đồng Future là dạng thỏa thuận chắc chắn sẽ mua hay bán chứng khoán với giá được ấn định trước, thực hiện vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Phương thức giao dịch này bắt buộc phải thực hiện khi đến kỳ hạn.
Các phương thức giao dịch này dù đã rất phổ biến trên thế giới nhưng chưa được áp dụng ở thị trường chứng khoán niêm yết tại nước ta. Cách giao dịch giữa anh Quang và người bán nói trên là tự phát, dựa trên cơ sở hai bên tin tưởng nhau. “Nếu như người lạ thì tôi sẽ không dám mua bán theo kiểu này vì hợp đồng tay không đủ cơ sở pháp lý nếu có tranh chấp xảy ra”, anh Quang nói. Chị Loan- một nhà đầu tư có tài khoản tại Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho biết rất muốn giao dịch theo cách này nhưng chưa thể tìm được đối tác tin cậy. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng một số nhà đầu tư đang mong muốn thực hiện các nghiệp vụ chứng khoán trên (gọi là thị trường chứng khoán phái sinh) nhưng không tìm được nơi để mua bán. “Các loại nghiệp vụ trên là một công cụ để nhà đầu tư có thể bảo hiểm cho danh mục đầu tư của mình. Vì vậy ở các nước khác, những nghiệp vụ này phát triển khá mạnh và nhà đầu tư tham gia cũng rất nhiều”, vị giám đốc này nói.
Tại Việt Nam, các loại hợp đồng Future và Option đã được một số ngân hàng thực hiện đối với các giao dịch ngoại tệ và vàng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo, cà phê... cũng áp dụng các phương thức này trong giao dịch quốc tế. Luật chứng khoán Việt Nam cũng đã có quy định về các hình thức giao dịch trên, tuy nhiên trên thực tế thì vẫn chưa thể áp dụng vì chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể. Những phương thức này - theo một số quan chức - chỉ có thể áp dụng khi thị trường chứng khoán Việt Nam đảm bảo các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật, pháp lý và phát triển đến một trình độ cao hơn nhiều so với hiện nay.
Trên thực tế, nhu cầu giao dịch theo phương thức Option hay Future của các nhà đầu tư là có thật. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM, các nhà đầu tư hiện không nên giao dịch theo hợp đồng Option hay Future trên thị trường OTC. “Tính rủi ro của những giao dịch này rất cao. Dựa trên cơ sở pháp lý nào để hai bên sẽ thực hiện đúng theo hợp đồng khi đến kỳ hạn? Khi có tranh chấp thì cơ quan nào sẽ xử lý?”, tiến sĩ Thuận nói. Ông cho rằng ngoài việc ban hành thêm các khung pháp lý, tổ chức chợ giao dịch thì cần đẩy nhanh việc đào tạo và tuyên truyền cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Tươi - Giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng thì cho rằng thị trường Việt Nam đã đủ cơ sở để thực hiện các nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, trước hết có thể triển khai nghiệp vụ mua bán khống chứng khoán. “Điều quan trọng nhất là phải có các quy định chặt chẽ như việc ký quỹ để thực hiện mua bán khống chứng khoán của nhà đầu tư. Ví dụ nếu giá chứng khoán rớt xuống 10-15% thì đơn vị nhận ký quỹ sẽ bán ra chứng khoán này”, ông Tươi nói.
TN
|