DPR: Bài giới thiệu niêm yết mới
Ngày 22/11/2007, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã cấp Quyết định Niêm yết số 151/QĐ-SGDCK chấp thuận cho Công ty cổ phần Cao Su Đồng Phú niêm yết cổ phiếu trên SGDCK Tp HCM. Theo dự kiến ngày 30/11/2007, cổ phiếu Công ty cổ phần Cao Su Đồng Phú sẽ chính thức giao dịch và trở thành cổ phiếu thứ 127 niêm yết trên SGDCK Tp HCM với mã chứng khoán là DPR. Để giúp quý độc giả có thêm thông tin, Sở Giao dịch Chứng khoán xin giới thiệu một số nét chính về lịch sử thành lập, quá trình hoạt động và những kết quả kinh doanh đáng chú ý của Công ty cổ phần Cao Su Đồng Phú trong thời gian qua.
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÔNG TY:
Công ty Cổ Phần Cao Su Đồng Phú (viết tắt là DORUCO) tiền thân là đồn điền Thuận Lợi của Công ty Michelin – Pháp, được hình thành vào khoảng tháng 06 năm 1927 và được tái thành lập vào ngày 21 tháng 05 năm 1981.
Công ty là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập Đoàn Công Nghiệp Cao su VN, được thành lập theo Quyết định số: 148/NNTCCB/QĐ ngày 04 tháng 03 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực Phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT). Ngày 28/12/2006 Công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần theo giấy phép kinh doanh số 44.03.000069 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước cấp.
• Vốn điều lệ của công ty: 400.000.000.000 đồng (Bốn trăm tỷ đồng).
• Ngành nghề kinh doanh của Công ty:
+ Trồng trọt, chế biến nông sản, lâm sản.
+ Chăn nuôi gia súc, gia cầm.
+ Công nghiệp hóa chất phân bón và cao su.
+ Thương nghiệp buôn bán.
+ Thi công cầu đường bộ.
+ Đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng trong và ngoài khu công nghiệp và dân dụng trong và ngoài khu công nghiệp ; xây dựng dân dụng, công nghiệp.
+ Đầu tư, kinh doanh địa ốc.
• Về cơ cấu vốn cổ đông: Tính đến ngày 01/08/2007 cổ đông nhà nước nắm giữ 60%, cổ đông nước ngoài nắm giữ 6,54%.
II. BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TRONG 02 NĂM GẦN NHẤT:
1. Kết quả hoạt động kinh doanh.
Chỉ tiêu |
Năm 2005 |
Năm 2006 |
9 tháng năm 2007 |
Tổng giá trị tài sản
Doanh thu thuần
LN từ hoạt động kinh doanh
Lợi nhuận khác
Lợi nhuận trước thuế
Lợi nhuận sau thuế |
536.556.672.338
433.187.647.456
148.281.149.154
5.615.433.374
153.896.582.528
114.371.860.972 |
1.700.995.704.345
602.104.826.984
198.222.280.981
6.440.706.092
204.662.987.073
149.421.188.223 |
1.034.031.705.490
450.178.258.645
158.470.883.257
335.516.442
158.806.399.699
158.806.399.699 |
2. Những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm báo cáo.
Trong những năm qua, giá mủ cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh là điều kiện hết sức thuận lợi đảm bảo cho các doanh nghiệp trồng và khai thác mủ cao su hoạt động có lãi. Trong quá trình hoạt động, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam, của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều thuận lợi. Công ty có chế độ đãi ngộ, khen thưởng thích đáng cho CBCNV theo tiêu chí sản lượng khai thác tạo động lực thúc đẩy cho toàn thể CBCNV luôn tích cực trong lao động sản xuất do đó năng suất khai thác tăng đều qua các năm.
Bên cạnh đó, tiến độ canh tác, khai thác mủ cao su hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên ít nhiều đã ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Diện tích vườn cây trải rộng trên nhiều địa bàn khác nhau, trong khi cây và mủ cao su có giá trị cao nên công tác quản lý vườn cây và sản lượng khai thác của công ty trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
III. VỊ THẾ CỦA CÔNG TY SO VỚI CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC TRONG CÙNG NGÀNH:
DORUCO là một công ty hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, khai thác và chế biến cao su. Về diện tích khai thác, so với các công ty khác trong ngành thì DORUCO là một công ty trung bình và là thành viên của Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam. Tỷ lệ % thị phần của công ty trong toàn ngành trong năm 2005, 2006 lần lượt là 6,11%, 5,57%.
Trong năm 2007, Công ty dự kiến bảo đảm diện tích cao su khai thác là 7.963 ha, với năng suất suất bình quân 2,01 tấn/ha thì sản lượng cao su khai thác sẽ trên 16.000 tấn, bên cạnh đó cao su thu mua sẽ là 3.500 tấn. Như vậy tổng sản lượng cao su chế biến trong năm 2007 sẽ trên 19.500 tấn.
Song song việc đầu tư xây dựng cơ bản, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, giảm bớt giá thành đối với cơ sở hiện hữu; Công ty đang mở rộng các dự án để tối đa hóa lợi nhuận. Cụ thể, Công ty đã có các dự án trồng cao su tại tỉnh Đăknông, Campuchia; góp vốn vào Công ty Cổ Phần TM-DV-DL Cao Su, Công ty Cổ Phần Cao Su Sa Thầy; dự án khu công nghiệp 200 ha, khu dân cư 40 ha.
IV. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH, LỢI NHUẬN VÀ CỔ TỨC TRONG NĂM TIẾP THEO:
Chỉ tiêu |
Năm 2007 |
|
% tăng giảm so với năm 2006 |
Doanh thu thuần (VNĐ) |
513.250.000.000 |
(14%) |
Lợi nhuận sau thuế (VNĐ) |
136.445.233.000 |
(8%) |
Tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần |
27% |
8% |
Tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu |
22% |
(19)% |
Cổ tức |
15% |
|
• Thông tin bổ sung: Theo Biên bản Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2007 của Công ty Cổ Phần Cao Su Đồng Phú ngày 20/07/2007 dự kiến phát hành thêm 7.000.000 cổ phiếu.
V. CÁC NHÂN TỐ RỦI RO
1. Rủi ro về thị trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng khai thác cao su tự nhiên nhiều nhất thế giới, nên diễn biến tích cực của ngành cao su tự nhiên thế giới thời gian qua đã tác động tăng trưởng ngành cao su Việt Nam. Tuy nhiên khoảng cách về sản lượng khai thác hàng năm của Việt Nam so với các nước khác như Thái Lan (gần 3 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) và Malaysia (trên 1 triệu tấn) …là rất lớn, nên Việt Nam không chủ động được về giá cũng như cung cầu sản lượng mà hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới. Vừa qua, Việt Nam được nhóm 3 nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia mời gia nhập Consortium cao su quốc tế (IRCO) để cùng hợp tác giữ bình ổn giá cao su trên thị trường thế giới là một tín hiệu vui cho các nhà trồng cao su Việt Nam. IRCO hiện đang chiếm 75% tổng sản lượng cao su tự nhiên thế giới và với sự tham gia của Việt Nam, thị phần của IRCO sẽ tăng lên 80%.
Kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam trong giai đoạn 2003-2006 tăng trưởng rất cao, bình quân gần 50%, nhưng chủ yếu do giá xuất khẩu tăng đột biến còn sản lượng xuất khẩu tăng không đáng kể, chỉ khoảng 10%. Thị trường xuất khẩu tập trung vào Trung Quốc chiếm 60%, đây có thể rủi ro về thị trường mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng. Vì Trung Quốc là một thị trường có nhiều biến động, diễn biến giá cả thất thường, chỉ cần một tác động nhỏ về cơ chế, chính sách của phía Trung Quốc, ngay lập tức giá cao su cũng biến động theo.
Theo dự báo của Tập Đoàn Cao su Quốc tế (IRGS), đến năm 2010, tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới có thể đạt 9,6 triệu tấn, cao hơn 300.000 tấn so với dự báo về sản lượng. Nếu không có sự thay thế, bổ sung thì đến năm 2020, tình trạng thiếu hụt sẽ trở nên trầm trọng, dự báo cho thấy khả năng giá mủ cao su ổn định trong những năm tiếp theo.
Công ty có lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là trồng, khai thác mủ cao su, vì thế giá cả mủ cao su thế giới và trong nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Đồng thời việc quản lý chi phí trong khai thác, chế biến xuất khẩu cũng có tác động nhất định đến lợi nhuận công ty, hiện nay công ty đang quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 đã được tổ chức QMS (Australia) và QUACERT (Việt Nam) đồng chứng nhận. Ngoài ra bộ phận kiểm phẩm của công ty được Văn Phòng Công Nhận Chất Lượng Việt Nam (VILAS) công nhận phòng thí nghiệm hoạt động theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2004 nhờ đó công ty có thể giảm được giá thành trong sản xuất như hiện nay.
Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam đã có các đề án nghiên cứu chế biến mủ cao su tự nhiên thành các sản phẩm phục vụ tiêu dùng để xây dựng ngành cao su thành một ngành kinh doanh khép kín, tạo thế chủ động về nguyên vật liệu, tránh bị ép giá và dần giảm bớt tình trạng bán nguyên liệu, mua thành phẩm như hiện nay. Cụ thể, Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su đã thành lập Công Ty Công Nghiệp và Xuất Nhập Khẩu Cao Su, Xí Nghiệp Liên Doanh Việt-Xô (Visorutex) nghiên cứu khoa học và sản phẩm thực nghiệm cao su.
2. Rủi ro khác.
Ngoài rủi ro về kinh tế và rủi ro về luật pháp, công ty cũng phải đối mặt với các rủi ro khác như thiên tai, bão lụt, động đất … là những rủi ro bất khả kháng và khó dự đoán, nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản, con người cũng như tình hình hoạt động chung của công ty.
HoSE
|