Thứ Hai, 08/10/2007 00:10

Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu như thế nào ?

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thị trường chứng khoán (TTCK) lại lên cơn sốt mới. Phương án cổ phần hóa của Vietcombank có gì đặc biệt khiến thị trường sôi sùng sục như vậy?

Theo phương án được phê duyệt, sau khi phát hành thêm cổ phần, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 15.000 tỉ đồng. Trong số cổ phần IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), tối đa 20% vốn điều lệ sẽ được dành bán cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược nước ngoài (tối đa là 2 NĐT); bán cho NĐT chiến lược trong nước 5%; cổ phần đấu giá công khai là 6,5%; 3,5% sẽ dành bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và cho các đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn. Đợt phát hành tiếp theo của Vietcombank sẽ được thực hiện để niêm yết tại thị trường quốc tế nhưng không quá 15% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tổng số lượng cổ phần phát hành trong cả 2 đợt sẽ không được vượt quá 49% để đảm bảo phần góp vốn của Nhà nước tại Vietcombank tối thiểu là 51% (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là người đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước).

Khác với phương án cổ phần hóa Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam trước đây, Vietcombank không ghi tăng vốn điều lệ sau khi thực hiện định giá doanh nghiệp. Tất cả quy trình định giá tại Vietcombank đều được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, tổng trị giá phần vốn góp Nhà nước theo sổ sách kế toán đến thời điểm 31.12.2006 tại Vietcombank là 11.127,248 tỉ  đồng sẽ được giữ nguyên khi cổ phần hóa.

Chính vì lý do được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế và không có phần vốn điều lệ "ảo" được ghi tăng sau khi định giá như tại Bảo Việt, giá chào bán của Vietcombank cho các đối tác nước ngoài dự kiến sẽ rất cao. Đại diện cấp cao của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, nếu giá của Bảo Việt được các NĐT chiến lược nước ngoài mua bằng 7,1 lần so với mệnh giá thì giá của Vietcombank sẽ phải khoảng gấp 3 lần con số đó. Đó là chưa kể Vietcombank có quy mô lớn hơn nhiều so với Bảo Việt và các chỉ tiêu về tài chính cũng tốt hơn.

Ngoài ra, điểm đặc biệt khác trong phương án cổ phần hóa  Vietcombank được phê duyệt là Vietcombank được phép áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị. Theo quy định này, Ban lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank sau này có quyền thực hiện các thay đổi lớn về hệ thống quản lý, đặc biệt là hệ thống lương thưởng của ngân hàng để có thể thực hiện một cuộc lột xác hoàn toàn từ một định chế tài chính nhà nước sang một định chế tài chính cổ phần hoạt động theo những tiêu chí thị trường hoàn toàn. "Đây chính là một điểm mà các NĐT chiến lược nước ngoài đặc biệt quan tâm khi Vietcombank thực hiện cổ phần hóa", vị lãnh đạo thuộc cấp cao nhất của Vietcombank tiết lộ.

Nguồn tin từ Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng này đã lựa chọn một số tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới để đưa vào vòng lựa chọn NĐT chiến lược cuối cùng nhưng không cung cấp cụ thể tên các tập đoàn này. Tuy nhiên, vào chiều 28.9, Chủ tịch của Tập đoàn General Electric (GE - Mỹ) - ông Jeffrey R.Immelt, đã có cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Việt Nam. Trong cuộc gặp mặt này, vị chủ tịch của GE cũng tiết lộ kế hoạch sẽ trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank và công bố: "Chúng tôi xác định đây là thời điểm tốt nhất để tăng cường đầu tư vào Việt Nam". Trao đổi với Thanh Niên, vị lãnh đạo thuộc cấp cao nhất của Vietcombank chỉ xác nhận GE đã được vào vòng cuối cùng nhưng không khẳng định về việc GE sẽ trở thành NĐT chiến lược nước ngoài tại Vietcombank. Vị lãnh đạo này cho biết: "Quá trình đàm phán vẫn đang được tiếp tục và chỉ khi đàm phán kết thúc chúng tôi mới công bố kết quả".

Như vậy, thời điểm tiến hành IPO của Vietcombank vẫn chưa thể xác định bởi quá trình đàm phán lựa chọn NĐT chiến lược vẫn chưa kết thúc (chọn NĐT chiến lược rồi mới tiến hành IPO). Tuy nhiên, trên TTCK, những thông tin về Vietcombank vẫn tạo ra một tác động lớn bởi giá của nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng chịu tác động cực lớn về mức giá dự đoán của Vietcombank, đặc biệt là ACB và STB. Khi giá cổ phiếu của 2 "blue-chip" niêm yết này tăng giá thì hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC, giá một loạt cổ phiếu ngành tài chính cũng đồng loạt tăng giá.

Có một chi tiết khá thú vị, trùng với ngày chủ tịch của GE tới Việt Nam công bố dự kiến việc trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank, bản báo cáo mới nhất của HSBC về TTCK Việt Nam cũng được thực hiện  (ngày 28.9). Bản báo cáo này nhận định, sự hồi phục mạnh mẽ của TTCK Việt Nam có thể sẽ kéo dài nhờ một chất xúc tác quan trọng là vụ IPO thành công của Vietcombank.

TN

Các tin tức khác

>   OTC bừng tỉnh! (08/10/2007)

>   Cần có “chợ OTC” (08/10/2007)

>   Chuẩn bị tiền! (07/10/2007)

>   Tiền thặng dư của Vietcombank thuộc về ai? (06/10/2007)

>   IDJ Financial đầu tư vào giáo dục (06/10/2007)

>   Khu công nghiệp Long Hậu xây dựng nhà máy đầu tiên (06/10/2007)

>   Thông tin nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (05/10/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Xí Nghiệp Dịch vụ và Phát triển KCN Tam Phước (05/10/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Du Lịch Dầu khí Phương Đông (05/10/2007)

>   Cẩn trọng trong góp vốn, đầu tư (05/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật