Thứ Bảy, 06/10/2007 11:54

Tiền thặng dư của Vietcombank thuộc về ai?

Thời điểm chào bán cổ phần Vietcombank đang đến gần, thị trường "nóng" lên với câu hỏi khoản thặng dư từ việc bán cổ phần lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng sẽ thuộc về ai?

Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bắt đầu từ năm 1992, tuy nhiên cụm từ "thặng dư vốn" chỉ mới chính thức được nhắc đến lần đầu tiên trong các văn bản về cổ phần hóa trong năm nay. Với việc ra đời của nghị định 109 có hiệu lực từ ngày 3-8-2007, lần đầu tiên Chính phủ cho phép DNNN được hưởng một phần từ khoản thặng dư vốn, tức khoản chênh lệch giữa tiền thu từ bán cổ phần với tổng mệnh giá cổ phần phát hành thêm.

"Ẩn số" trên khoản tiền khổng lồ

Vietcombank tiến hành cổ phần hóa với số vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 70% và các cổ đông khác nắm 30% thông qua việc phát hành thêm 4.500 tỉ đồng mệnh giá cổ phần. Nếu chỉ tính giá cổ phần Vietcombank chừng năm chấm (50.000 đồng/cổ phần) thì khoản thu về là 22.500 tỉ đồng, một con số khổng lồ. Vậy phải chia như thế nào đây?

Theo nghị định 109, phần thặng dư vốn (nếu có) được để lại cho công ty cổ phần theo tỉ lệ tương ứng với cổ phần phát hành thêm trong cơ cấu vốn điều lệ. Điều này có nghĩa nếu thu về được 22.500 tỉ đồng, trừ đi 4.500 tỉ đồng mệnh giá phát hành thêm để lại cho Vietcombank, số còn lại (18.000 tỉ đồng) sẽ được chia theo tỉ lệ 70:30. Nhà nước thu về 12.600 tỉ đồng, Vietcombank giữ lại 5.400 tỉ đồng.

Thế nhưng, chuyện cổ phần hóa Vietcombank lại không đơn giản như phép tính này để nhà đầu tư cân nhắc đưa ra giá mua của họ. Bởi vì việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa Vietcombank không bị điều chỉnh bởi nghị định 109 mà theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mà tỉ lệ chia cụ thể cũng chỉ được quyết định sau khi Vietcombank hoàn thành cổ phần hóa. Như vậy, nhà đầu tư sẽ không có cơ sở nào để đoán được số tiền Vietcombank được phép giữ lại mà đưa ra giá chào mua.

Nhà nước "lấy" hai lần

Theo các chuyên gia cổ phần hóa, nghị định 109 là một bước "đột phá” của Chính phủ trong quan điểm đối xử với nguồn vốn thặng dư từ bán cổ phần của các DNNN. Tiền thân của nghị định 109 là nghị định 64 và nghị định 187 qui định toàn bộ số chênh lệch do bán đấu giá cổ phần (sau khi trừ chi phí cổ phần hóa, trợ cấp mất việc, thôi việc...) phải nộp về cho Nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là bước tiến gần thông lệ quốc tế chứ chưa tuân thủ hoàn toàn.

"Về mặt nguyên tắc, thặng dư vốn sẽ được ghi vào vốn chủ sở hữu, tức là tài sản thuộc về toàn bộ cổ đông. Nhà nước, nếu vẫn còn giữ cổ phần trong DN, sẽ nắm vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ cổ phần này. Còn làm như phương án của Vietcombank, Nhà nước đã thu trước một khoản thặng dư lớn, khoản thặng dư nhỏ Vietcombank được phép giữ lại vẫn phải tiếp tục chia theo tỉ lệ 70:30 sau khi ghi vào vốn chủ sở hữu. Như vậy, chẳng phải Nhà nước đã "lấy" hai lần. Điều này hoàn toàn trái với các thông lệ quốc tế, cần được hủy bỏ” - giám đốc một công ty chứng khoán nói.

Một nguồn tin cho biết Vietcombank đang "đấu tranh" để có thể được giữ lại vốn thặng dư theo tỉ lệ có lợi nhất có thể. "Nếu Vietcombank được giữ lại vốn thặng dư, ban lãnh đạo ngân hàng nên là người ra quyết định cuối cùng sẽ sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với qui định của pháp luật là DN sẽ tự quyết định cách sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu của mình. Việc Chính phủ qui định Vietcombank phải sử dụng số tiền này để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng là can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN" - một chuyên gia bình luận.

Bảo Việt: Thặng dư gần 8.000 tỉ đồng

Ở thời điểm cổ phần hóa, giá trị sổ sách của Tổng công ty Bảo hiểm VN là 1.678 tỉ đồng. Sau khi xác định giá trị doanh nghiệp thì con số này vọt lên 4.443 tỉ đồng. Nhà nước giữ lại toàn bộ phần vốn này và phát hành thêm 1.287 tỉ đồng với giá trung bình gần 72.000 tỉ đồng/cổ phần. Thặng dư thu được từ bán cổ phần là 7.826 tỉ đồng, chia theo tỉ lệ vốn góp thì Nhà nước thu về 6.068 tỉ đồng (tương ứng 77,54% vốn điều lệ), Bảo Việt được giữ lại 1.758 tỉ đồng (tương ứng 22,46%). Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí cổ phần hóa, con số thực thu của hai bên giảm nhẹ xuống, Nhà nước nhận được 5.969 tỉ đồng, Bảo Việt được giữ lại 1.729 tỉ đồng. Số tiền này được Bảo Việt cộng vào vốn chủ sở hữu sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nâng tổng cộng lên thành 7.460 tỉ đồng.

TT

Các tin tức khác

>   IDJ Financial đầu tư vào giáo dục (06/10/2007)

>   Khu công nghiệp Long Hậu xây dựng nhà máy đầu tiên (06/10/2007)

>   Thông tin nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (05/10/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Xí Nghiệp Dịch vụ và Phát triển KCN Tam Phước (05/10/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Du Lịch Dầu khí Phương Đông (05/10/2007)

>   Cẩn trọng trong góp vốn, đầu tư (05/10/2007)

>   Năm 2008, Bảo Việt sẽ niêm yết tại HOSE (05/10/2007)

>   Bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài của Công ty Thương nghiệp Cà Mau (05/10/2007)

>   Petrosetco từ chối 8ha đất được giao từ Đạm Phú Mỹ (05/10/2007)

>   Bán 30% cổ phần của công ty tài chính có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (05/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật