Niêm yết “hun nóng” OTC
Đánh giá mới nhất của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng “sau gần 6 tháng gần như ngủ yên, thị trường OTC nay đã bắt đầu thức dậy, đây là một thời điểm rất tốt để các nhà đầu tư quay lại với thị trường này”.
Thực tế, trong gần 6 tháng qua, thị trường OTC trở thành một vũng lầy đối với nhiều nhà đầu tư. Ở thị trường niêm yết, giá cổ phiếu có thể kiểm soát ở biên độ, có thể chủ động hơn về cắt lỗ, hồi vốn nhờ tính thanh khoản cao. Nhưng ở OTC, giá giảm mạnh theo đà chung, nhiều nhà đầu tư muốn bán ra nhưng không bán nổi.
Nổi bật cho tình thế mắc kẹt trên là cổ phiếu của các ngân hàng thương mại. Lượng hàng nhóm này ngày một nhiều từ áp lực phát hành thêm tăng vốn theo quy định mới về vốn pháp định; đa dạng hơn từ những thành viên mới đủ hạn phát hành. Và trước đó, giá cổ phiếu ngân hàng là đỉnh điểm của nóng sốt trên thị trường.
Theo số liệu của SSI, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm giá mạnh trong khoảng 6 tháng qua; có trường hợp giảm tới 50% so với thời đỉnh cao như của Ngân hàng nhà Hà Nội (Habubank), xuống còn 4,8 lần, thấp hơn cả giá bán cho cổ đông chiến lược là trên 5,6 lần.
Nhưng nay, sự lạc quan đang lan tỏa. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán niêm yết đang chuyển nhiệt cho thị trường OTC. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo SSI, quan trọng nhất vẫn là giá đã về mức hấp dẫn sau gần 6 tháng điều chỉnh sâu.
Trên thị trường OTC, thay vì kẹt chân không bán nổi, nay đã định hình xu hướng săn mua, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh trước đó như Eximbank, Techcombank, MB, Habubank…
Ngoài nguyên nhân giá về mức hấp dẫn mua vào, ngoài nhiệt tăng theo thị trường niêm yết, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, tập trung ở khối ngân hàng, tiếp tục ấn tượng đã tạo một động lực lớn để thị trường OTC “quay đầu”.
Cũng trong thời điểm này, một số cổ phiếu vừa chuyển từ OTC lên niêm yết đồng loạt chứng minh một triển vọng lớn, thực sự ấn tượng và tạo tâm lý thuận lợi cho nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu OTC.
Đó là sự nóng sốt, liên tục tăng trần của Xi măng Sài Sơn (SCJ – sàn Hà Nội). Cổ phiếu này đã và đang chứng minh rằng giá của mình vừa mới trên OTC là quá rẻ; bởi chỉ sau 10 phiên chào sàn, giá SCJ đã vọt từ trên 80.000 đồng lên trên 160.000 đồng/cổ phiếu; giá cao nhất lên tới 183.000 đồng/cổ phiếu (tất nhiên không loại trừ khả năng làm giá).
Tương tự, VIC của Công ty Cổ phần Vincom chia tay sàn OTC lên sàn niêm yết và hầu như chỉ biết đến tăng trần và chiếm “cố định” vị trí thứ 2 về tính thanh khoản trên sàn Tp.HCM. Giá của VIC cũng đã vọt từ 125.000 đồng lên 172.000 đồng/cổ phiếu sau 10 phiên giao dịch. Hay cổ phiếu PVS của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng khá thành công khi niêm yết trên sàn Hà Nội…
Tất nhiên, triển vọng niêm yết của hầu hết cổ phiếu trên OTC còn khá xa, nhưng những dẫn chứng trên cho thấy giá nhiều mặt hàng có chất lượng trên OTC còn thấp, khi niêm yết - được định giá thực tế và thống nhất hơn - vẫn còn dư địa tăng mạnh.
Hiện tại, SSI cho rằng lạc quan đang lan tỏa trên khắp thị trường OTC. Sau 2 tuần vừa qua, giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trở lại; riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ trong vài ngày giá đã tăng tới 30%, cao hơn cả mức tăng 28% của STB (Sacombank) trên sàn niêm yết trong tháng 9.
Trong thời gian tới, sự kiện Vietcombank tiến hành IPO, một lượng hàng lớn và chất lượng cao có mặt sẽ càng thúc đẩy bước chuyển tích cực của trường OTC.
Xa hơn, nhà đầu tư cũng được khích lệ bởi thông tin sàn giao dịch cổ phiếu OTC, nơi mà các giao dịch cổ phiếu được thực hiện qua trung tâm lưu ký, sẽ được mở trong tương lai gần, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi hơn trong giao dịch. Đây cũng là thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh hơn ở thị trường này.
Nhưng, thị trường OTC vốn nhiều rủi ro. Một số chuyên gia e ngại sự trở lại quá nhanh và nóng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư quên mất kinh nghiệm “kẹt chân” trong gần 6 tháng trước. Thị trường OTC cũng bắt đầu xuất hiện nhiều thông tin chào hàng với những mức giá quá nóng sốt.
TBKTVN
|