Thứ Ba, 09/10/2007 14:10

Nhiều lý do để đầu tư vào Việt Nam

Hội nghị các nhà đầu tư của VinaCapital vừa diễn ra tại TP. HCM với sự có mặt của hơn 100 nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đã ở mức cao hơn so với 1 năm trước đây.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, mục đích của hội nghị năm nay khác với các năm trước vì không nhắm vào mục tiêu thu hút vốn cho VinaCapital. "Khoảng 3/4 nhà đầu tư lần đầu đến Việt Nam, họ đã đầu tư vào VinaCapital. Nhiều người trong số họ muốn đầu tư trực tiếp vào các DN, dự án tại Việt Nam. Vì thế, năm nay chúng tôi mời những DN có tiềm năng của Việt Nam đến dự hội nghị để tự giới thiệu về mình", ông Don Lam nói.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, VinaCapital sẽ đầu tư thêm 25 - 50% khoản đầu tư hiện có. "Sở dĩ chúng tôi đầu tư mạnh như vậy là vì hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam: GDP sẽ tăng trưởng cao trong các năm tới, các công ty hàng đầu trên TTCK như STB, VNM, FPT, PPC, PVD đều tăng trưởng 25 - 30% trong năm ngoái và sẽ tăng trưởng cao trong năm nay. Việc mở rộng nền kinh tế sẽ thu hút thêm các tay chơi mới, tạo thế cân bằng cho thị trường", ông Andy Ho nói.

Được biết, chỉ số P/E trong danh mục đầu tư của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý từ 23 - 24 lần. Nếu cộng với mức tăng trưởng của các công ty trong năm 2007 thì chỉ số P/E theo tính toán chỉ khoảng 15 - 20 lần.

Theo ông Don Lam, các quỹ đã mua vào nhiều trong vòng 2 - 3 tuần qua, họ mua bán dựa trên các yếu tố căn bản của nền kinh tế.

Thành công của quỹ đầu tư như VinaCapital khiến nhà đầu tư quan tâm đến TTCK Việt Nam không dừng lại ở mức độ đầu tư gián tiếp qua quỹ đầu tư mà muốn đầu tư song song. "Có những dự án lớn chúng tôi tham gia sẽ mời các nhà đầu tư là cổ đông của quỹ đầu tư song song", ông Don Lam khẳng định.

Lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về việc DN Việt Nam phát hành cổ phiếu tăng vốn rầm rộ trong thời gian qua, ông Andy Ho cho biết, khi trao đổi với lãnh đạo các DN phát hành, tôi thấy họ đều biết "thoát ra như thế nào", nên vấn đề hiệu quả khi phát hành cổ phiếu mới chỉ đáng lo trong ngắn hạn mà thôi.

Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Việt Nam đang trong quá trình diễn ra sự thay đổi lớn về kinh tế, kèm theo sự chuyển biến về văn hoá - xã hội. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tưởng DN nhà nước là chủ đạo nhưng thực tế, kinh tế tư nhân đã chiếm 37% GDP. Cho rằng, Việt Nam là nước dựa vào nông nghiệp là sai lầm vì sản lượng công nghiệp đóng góp 18% GDP, mặc dù đóng góp của lao động phổ thông chiếm 50 - 60%.

Phân tích của ADB cho thấy, biểu đồ tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư  bám theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như các năm qua, tốc độ tăng trưởng đầu tư của Việt Nam sẽ đạt 30 - 40%, lớn chỉ sau Trung Quốc.

Ông Ayumi Konishi đánh giá, sự kiện IPO Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ngoài ý nghĩa là biểu tượng của ngân hàng quốc doanh đầu tiên đấu giá cổ phần, còn khẳng định cam kết của Chính phủ về lịch trình IPO DN lớn. Mà cổ phần hoá là vấn đề cốt tử, thể hiện quyết tâm cải cách kinh tế của Chính phủ. Điều này sẽ giúp tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Thị trường trái phiếu của Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa trong năm tới do quy mô vẫn nhỏ so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc - thị trường trái phiếu chiếm tới 30% GDP.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ADB, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng cao hơn nữa thì phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, biểu đồ tăng trưởng chỉ số ICOR của Việt Nam những năm qua chỉ quanh quẩn ở mức 25%, chứng tỏ tăng trưởng chủ yếu do nguồn lực bên ngoài đổ vào, nguồn lực trong nước và khoản vốn đầu tư của Nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả, nhiều doanh nghiệp nhà nước còn kém khả năng cạnh tranh.

Thêm vào đó, mục tiêu đặt ra là Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2007 và năm 2008 thì nhu cầu vốn nội địa và đầu tư nước ngoài đổ vào sẽ dồi dào hơn so với các nước trong khu vực, vì thế kiềm chế lạm phát sẽ là thách thức.

Ông Ayumi Konishi nói về sự phát triển của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài: "Việt Nam đang lột xác. Việt Nam năm nay khác với năm ngoái và sang năm sẽ khác hẳn năm nay". Tuy nhiên, tương lai chỉ thành hiện thực nếu nỗ lực của Việt Nam được hiện thực bằng hành động cụ thể.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   TCM: Bản cáo bạch niêm yết (09/10/2007)

>   Chứng khoán Cao su là thành viên sàn Hà Nội (09/10/2007)

>   Cổ phiếu gạch men không hấp dẫn (09/10/2007)

>   FPT: vợ Trưởng BKS đăng ký bán 50.000 cổ phiếu từ 16/10 (09/10/2007)

>   Về việc phát hành cổ phiếu của Bê tông 620 Châu Thới (09/10/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (09/10/2007)

>   Khai trương tòa nhà FPT Cầu Giấy (09/10/2007)

>   Hướng dẫn cách tính EPS theo quy định mới (09/10/2007)

>   VIC: Được cấp giấy chứng nhận thực hiện dự án đầu tư (09/10/2007)

>   PJT: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (09/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật