Điều chỉnh là dịp may?
Phiên giao dịch ngày 2.10, VN-Index đóng cửa với mức tăng 15,09 điểm. Khối lượng khớp lệnh tiếp tục đạt giá trị kỷ lục cho thấy một phiên điều chỉnh đã xảy ra với xu hướng hoạt động xả hàng mạnh. Tuy nhiên, hoạt động này chưa tạo sức ép lên thị trường khi tâm lý hưng phấn vẫn rất sung mãn và nguồn tiền thường trực vẫn "rình" cơ hội giảm giá.
Những đầu tàu... tắt máy
Mức tăng hàng chục điểm mỗi phiên của VN-Index vừa qua có sự đóng góp rất lớn của nhóm blue-chips, những đầu tàu của mỗi đợt tăng trưởng. Dù vậy, không phải tất cả những "đầu máy" này đều song hành cùng thị trường đến đỉnh.
Thực tế hai phiên giao dịch đầu tuần và nhất là phiên ngày 2.10 đã cho thấy sự tụt lùi của một số CP như STB, REE và vai trò dẫn dắt được trao cho những "đầu máy" sung sức hơn.
Điển hình nhất là diễn biến giá của STB. Từ đầu tháng 9 - thời điểm thị trường bắt đầu chu kỳ phục hồi rõ nét, đây là hai cỗ máy đươc khởi động đầu tiên tạo sức kéo chủ lực cho VN-Index. STB tăng gần như liên tục từ mức 55.000đ/CP lên mức cao nhất 72.000đ/CP trong ngày 26.9.
Điểm đặc biệt là khối lượng giao dịch của CP này luôn đạt mức cực lớn trên 2,5 triệu đơn vị/phiên qua khớp lệnh và một số lệnh thoả thuận lô lớn.
Nguyên nhân trực tiếp kích thích giao dịch của STB là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản làm thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có những chuyển biến rất tích cực.
Theo báo cáo ngày 28.9 của HSBC, lĩnh vực tài chính (financial sector) là đầu tàu thị trường và thực tế STB đã tăng 30% trong vòng một tháng và ACB tại sàn Hà Nội cũng tăng khoảng 26%.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến việc tăng tỉ lệ nắm giữ của các đối tác chiến lược nước ngoài trong lĩnh vực này cũng có vai trò đáng kể như Axa nắm giữ 16% trong Bảo Minh và HSBC nắm giữ 10% của Bảo Việt.
Tuy nhiên, STB dường như đang kiệt sức khi mức tăng giá hai phiên ngày 28.9 và 1.10 được coi là nỗ lực phục hồi bất thành khi giá cao nhất không vượt nổi mức mở cửa 71.000đ của ngày 26.9.
Thực tế việc chững lại của một số CP dẫn dắt thị trường là kết quả của việc luồng tiền được rút ra chuyển sang các CP khác có tiềm năng tăng giá mạnh hơn - một hoạt động thường thấy trong các chu kỳ tăng trưởng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những blue-chips sẽ hết thời và đi vào chu kỳ suy giảm mạnh trở lại mặt bằng giá cũ. Sức cầu vẫn rất lớn cho thấy quan điểm đánh giá của thị trường tiếp tục lạc quan và nguồn tiền có thể tiếp "nhiên liệu" cho những "đầu máy" này. Một số blue-chips khác đang thay thế STB và REE với mức tăng chóng mặt mấy phiên gần đây có thể kể đến như FPT và VNM.
Chinh phục đỉnh 1.113 điểm?
Ngày 2.10, mốc 1.100 điểm của VN-Index không còn được coi như một cái đích xa vời mà những con số "trong mơ" như 1.113, 1.200 điểm được nhắc đến nhiều hơn. Thực tế sức mua quá mạnh đã đẩy VN-Index vượt băng qua các điểm kháng cự rất mạnh như 970 điểm, 1.000 điểm và 1.030 điểm.
Diễn biến giao dịch ngày 2.10 tưởng chừng như đã tạo nên một bước lùi cho VN-Index khi cung ồ ạt đầu phiên đã kéo giá nhiều CP trở lại mức bằng hoặc dưới tham chiếu và mức tăng hơn 12 điểm được coi là khá thấp.
Thậm chí đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index còn chỉ tăng dưới 10 điểm. Tuy nhiên, tâm lý mua vào phiên điều chỉnh đã tạo nên sức cầu tập trung mạnh đợt đóng cửa. Thực tế các phiên điều chỉnh trước đó đều có mức độ rất nhỏ và NĐT đều không kịp mua lại chính CP mình đã bán với giá cũ.
Thống kê cho thấy khối lượng khớp lệnh CP đã tăng gần 21%, đạt 16,1 triệu đơn vị. Mức ngại rủi ro của NĐT đã tăng lên và biểu hiện là tổng cung tăng 58% với 29,54 triệu CK trong khi cầu tăng chưa tới 2%, đạt 28,39 triệu CK.
VN-Index đang đứng mức 1099,48 điểm và chỉ một phiên tăng điểm nữa sẽ vượt qua mốc 1.100 điểm. Đường tới đỉnh 1.113 điểm của VN-Index ngày 23.5 dường như không còn rào cản nào.
Tuy nhiên, việc thị trường tăng trưởng liên tục "không kịp thở" cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt khi NĐT "say máu" chỉ lo mất cơ hội 5% mỗi phiên.
Khi lòng tham lấn át thì những phiên điều chỉnh được coi là dịp may để mua vào nhưng đây cũng là cái bẫy nếu thị trường kiệt sức và bắt đầu chu kỳ đi xuống. Lòng tham là nguyên nhân tại sao khối lượng giao dịch tại các đỉnh cao của thị trường luôn luôn rất lớn.
LĐ
|