!
Thứ Ba, 30/10/2007 13:58

Đề án 112: Trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu?

Ngày  29-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH đã trả lời báo chí.

* Thưa ông, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận có những sai phạm trong thực hiện đề án 112 mà Bộ Tài chính tham gia trong việc chi ngân sách nhà nước để thực hiện đề án. Ý kiến của ông về vụ việc này thế nào?

- Vấn đề này Thủ tướng đã có kết luận. Thứ nhất là cơ chế chính sách xung quanh lĩnh vực công nghệ thông tin của chúng ta chưa hoàn thiện, nhất là các khâu như mua sắm phần mềm... Các bộ, ngành đã kiến nghị Chính phủ phải ban hành cơ chế này, nhưng trong khi chưa ban hành được thì có một số chế độ chính sách tạm thực hiện và Chính phủ đồng ý cho thực hiện theo những qui chế tạm thời đó. Thứ hai là trong việc quản lý thì trách nhiệm thuộc về Ban điều hành đề án 112. Thứ ba là bản thân những cá nhân có sai phạm phải chịu trách nhiệm.

* Đây là một đề án sử dụng tiền ngân sách và một thứ trưởng của Bộ Tài chính trước đây là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội) nằm trong Ban điều hành đề án 112 nhằm giám sát đồng vốn của Nhà nước, nhưng sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả thì thấy việc giám sát chưa được như ý?

- Ban điều hành không phải giám sát chi tiết, cụ thể mà có các cơ quan chức năng. Ban điều hành lúc đó ra đời để triển khai thực hiện một chủ trương rất lớn của Nhà nước, để điều phối hoạt động. Một thành viên mang cấp lãnh đạo bộ thì không thể giám sát từng khoản chi tiêu một. Giám sát từng khoản chi tiêu có các cơ quan chức năng, trước hết là chủ đầu tư. Người nào phụ trách chuyện đấy phải chịu trách nhiệm trước tiên và những người tiếp theo là những người thực hiện đề án cụ thể. Có rất nhiều cơ quan giám sát phải chịu trách nhiệm chứ không phải ban này làm hết tất cả mọi việc chi tiết trong đó. Cũng phải nói thẳng rằng hoạt động điều phối của ban này không chặt chẽ, không thường xuyên.

* Tại sao khi bà Ngân chuyển về làm bí thư tỉnh Hải Dương thì Bộ Tài chính không kiến nghị đưa người khác vào ban điều hành để thay mặt Nhà nước giám sát việc chi tiêu ngân sách của đề án?

- Lúc đó tôi chưa phụ trách. Bản thân ban điều hành cũng không chặt chẽ. Lẽ ra người lãnh đạo của ban điều hành thấy thiếu cán bộ phải đề xuất củng cố lại, kiện toàn lại, cử người tham gia cho đầy đủ nhưng rồi cũng không ai nhắc đến.

* Là bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đánh giá thế nào về việc chi tiêu ngân sách nhà nước của Ban điều hành đề án 112?

- Về tổng thể thì Chính phủ kết luận rồi, không phải tất cả đề án sai, chỉ có một số điểm nào trong đó thôi. Cái gì sai thì phải sửa và nhận khuyết điểm chứ không phải cả đề án sai. Đề án này vẫn có kết quả. Chính phủ đã khẳng định việc đó. Nhưng trong đó có một số điểm quản lý chưa tốt để thất thoát, để cá nhân lợi dụng việc đó ký hợp đồng ăn chia. Đấy là cái sai cá biệt.

* Thưa ông, ngân sách nhà nước đã chi ra và việc sử dụng có thất thoát thì trách nhiệm của Bộ Tài chính thế nào?

- Hiện nay Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo phạm vi trách nhiệm của mình phải đánh giá, tổng kết, kiểm điểm. Chúng tôi đang cho rà soát lại. Sau này, về cơ chế chính sách thì đúng là Bộ Tài chính phải nghiên cứu nhưng không phải một mình Bộ Tài chính có thể làm được việc này. Định mức kinh tế kỹ thuật thì các ngành phải làm. Sắp tới phải làm lại các bộ chuẩn, trên cơ sở đó mới có định mức chi tiêu phù hợp và vận hành theo đó thì chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh):

Tôi nghĩ rằng việc chi tiêu ngân sách ở đề án 112 đã được thực hiện theo một trình tự thủ tục rất đặc biệt. Trong khi rất nhiều dự án không giải ngân được và người ta than phiền rất nhiều về thủ tục rườm rà thì ở đề án này dường như không có chuyện đó. Tất cả được giải ngân và được thông qua một cách rất nhanh chóng.

Việc làm sai nguyên tắc, chế độ này phải làm rõ xem căn cứ vào đâu, ai là người đã duyệt những khoản chi như vậy? Những người làm sai thì phải có trách nhiệm, phải bồi hoàn cho ngân sách nhà nước chứ không phải nói chung chung rằng chỉ có ban điều hành đề án cùng một vài ông vi phạm.

Nếu chỉ xem xét trách nhiệm một vài người trực tiếp trong ban điều hành thì là đau đâu bôi thuốc đấy, trong khi chúng ta phải xem cơ chế của nó như thế nào, trách nhiệm của những cơ quan liên quan như thế nào mới có thể giải quyết được tận gốc căn bệnh.

Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):

Quan trọng là năng lực lắng nghe của những người lãnh đạo, bởi chúng ta biết rằng khi triển khai đề án ấy đã có không ít ý kiến của những người có trách nhiệm, có trình độ cảnh báo. Nhưng tại sao Chính phủ không biết lắng nghe? Điều đó không những thất thoát đi rất nhiều trí tuệ của nhân dân, của trí thức, của giới chuyên môn mà còn dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang”.

Tôi nghĩ Chính phủ nên có một cơ chế, một hệ thống để có thể thu thập được tiếng nói của nhân dân cho những đường lối, chính sách và để điều chỉnh kịp thời, tránh những thất thoát, thất bại như chúng ta đã thấy.

TT

Các tin tức khác

>   Vốn ngoại "bí" đầu ra (30/10/2007)

>   Eximbank cho vay dự án Sky Garden III - Phú Mỹ Hưng (30/10/2007)

>   Thị trường sữa: Khó kìm cơn sốt giá (30/10/2007)

>   Giá vàng lại rục rịch tăng theo giá dầu (30/10/2007)

>   Hai sức ép gia tăng lạm phát (30/10/2007)

>   Ngân hàng Phương Đông “bắt tay” DNNVV: 500 tỷ đồng vay ưu đãi (30/10/2007)

>   Giá cả tiếp tục leo thang (30/10/2007)

>   Thêm một công ty cho thuê tài chính (30/10/2007)

>   Quyết liệt triển khai các giải pháp bình ổn giá (29/10/2007)

>   BIDV đoạt giải Nhất “Chinh phục tỉnh thành” do VISA bình chọn (30/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật