Đấu giá PVFC có thể sẽ không “sốt”
Với số lượng cổ phần đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) chỉ gấp 2,72 lần so với khối lượng đưa ra chào bán, phiên đấu giá gần 60 triệu cổ phần của PVFC tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 19/10 tới đây được dự đoán sẽ không có nhiều kịch tính như trước đây.
Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính đến hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá cổ phần PVFC, tổng số lượng nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần là 8.212 nhà đầu tư, trong đó có 121 tổ chức và 8.091 cá nhân.
Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên đến 162.397.400 cổ phần, gấp 2,72 lần khối lượng chào bán. Trong đó, số lượng đăng ký mua của các tổ chức đạt 90.750.600 cổ phiếu. Số cổ phần còn lại 71.646.800 cổ phiếu do nhà đầu tư cá nhân đăng ký.
Đây là đợt chào bán cổ phần lần đầu với khối lượng lớn nhất từ trước tới nay tại 1 phiên đấu giá qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (chào bán 59.638.900 cổ phiếu). Mức giá khởi điểm được ấn định là 51.000 đồng/cổ phiếu.
Theo cáo bạch của PVFC, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2006 là 19.230 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 2.197,7 tỷ đồng. Tháng 2/2007, Công ty đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp bổ sung vốn 2.000 tỷ đồng, do đó tại thời điểm có quyết định cổ phần hóa (24/5/2007), giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 4.197,7 tỷ đồng. PVFC thực hiện cổ phần hóa theo hình thức kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ dự kiến của PVFC là 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 70%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 0,07%, cổ đông bên ngoài 29,93% (trong đó cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ 18% và bán đấu giá 11,93%).
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2000 với mức vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, PVFC thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ huy động vốn; cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; dịch vụ ngân quỹ; đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác; tham gia thị trường tiền tệ; được quyền nhận uỷ thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư; cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính, tiền tệ, đầu tư cho khách hàng...
Trải qua 5 năm hoạt động, hoạt động kinh doanh của PVFC ngày càng được mở rộng và phát triển, vị thế của công ty được cải thiện đáng kể trên thị trường, vốn điều lệ của PVFC đã tăng lên 3.000 tỷ đồng và trở thành Công ty Tài chính Nhà nước có mức vốn điều lệ cao nhất, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh qua các năm.
Năm 2005 doanh thu tăng 99,8% , lợi nhuận sau thuế tăng 121% so với 2004, năm 2006 doanh thu tăng 138,5% và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 400% so với năm 2005. Tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu cũng tăng trưởng đều qua các năm (2004 - 2,61%; 2005 - 5,1; 2006 - 8,12)
Sau khi cổ phần hóa, PVFC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó hệ thống các công ty con là các công ty chuyên ngành trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, bất động sản, quản lý quỹ, truyền thông và một số các công ty TNHH một thành viên tài chính khu vực.
Ngoài ra PVFC còn có các công ty liên kết mà PVFC tham gia góp vốn thành lập. Trong giai đoạn 2007 – 2011, PVFC có chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo 3 hướng: sản phẩm, dịch vụ mũi nhọn (thu xếp vốn và tài trợ dự án, đầu tư tài chính); sản phẩm, dịch vụ nền tảng (huy động vốn, hoạt động tín dụng); và thực hiện các nhiệm vụ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
TBKTVN
|