Công ty chứng khoán ào ạt thu hoạch
Mỗi ngày, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) thu được hơn 2 tỷ đồng phí môi giới. Quy mô nhỏ hơn, song Công ty chứng khoán ngân hàng Á Châu (ACBs) cũng bỏ túi 800 triệu đồng tiền phí, két sắt Công ty cổ phần chứng khoán quốc tế (VIS) có được 200 triệu đồng.
Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc mảng dịch vụ chứng khoán SSI, cho hay, hiện tại, tiền phí giao dịch thu được của riêng chi nhánh TP HCM khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày. Trong đó, thu nhiều nhất là từ các tổ chức tài chính đến từ Châu Âu, HongKong và Singapore.
Hai tuần trước, nếu mỗi ngày ACBs chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng phí giao dịch thì hiện tăng lên gấp 4 lần. Suốt 4 tháng thị trường điều chỉnh ở mức thấp, VIS chỉ thu được khoảng 20-30 triệu đồng/ngày, song gần đây doanh thu phí đã là 200 triệu đồng, đủ trang trải cho việc trả lương nhân viên cũng như vận hành cả sàn mới mở ở đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Lượng khách đến sàn tăng vọt chính là nguyên nhân khiến nguồn thu phí giao dịch của các công ty chứng khoán trở nên dồi dào. Nếu như đầu tháng 9, nhiều sàn giao dịch chỉ lác đác nhà đầu tư thì trong vòng hai tuần trở lại đây, khách hàng đông nghẹt, lượng tài khoản mở mới cũng gia tăng rất nhanh.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn mỗi ngày có thêm chừng 30 tài khoản mở mới, đa số là của nhà đầu tư trong nước và khách vãng lai đến từ Nhật, Trung Quốc. Trung bình một tuần cũng có khoảng 200 nhà đầu tư mới đến mở tài khoản tại ACBs. Trong khi thời gian trước số tài khoản mở mới tại các công ty chứng khoán chỉ tính trên đầu ngón tay.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện ACBs đánh giá, sức thu hút của thị trường chứng khoán hiện rất mạnh bởi tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn. Nhiều luồng tiền trước kia "lánh nạn" ở ngân hàng hay bảo toàn trong các kênh đầu tư khác như địa ốc, vàng... giờ được đưa trở lại sàn. Nhiều nhà đầu tư mới đang háo hức gia nhập cuộc chơi mạo hiểm nhưng thú vị này.
Bằng chứng là dù thị trường sụt đến 18,44 điểm vào sáng 4/10 song vẫn có đến15,4 triệu đơn vị chứng khoán được khớp lệnh, đạt giá trị 1.566 tỷ đồng. Trước đó, hôm 2/10, sàn TP HCM lập kỷ lục về giá trị giao dịch với 1.772 tỷ đồng. Tính chung cả sàn Hà Nội, nhà đầu tư đã ném 2.500 tỷ đồng vào cổ phiếu chỉ trong phiên này.
Cùng với sự ấm lên của thị trường, nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh còn hạn mức cho vay chứng khoán đã bắt đầu nhập cuộc. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đang tập trung xây dựng sản phẩm cho vay cầm cố chứng khoán để triển khai trong tháng 11 tới.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán nhưng có chọn lọc. Hạn mức cho vay 10.000-15.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian 6 tháng.
Cuối tháng 9, Công ty chứng khoán An Bình (ABS) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở Giao dịch, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán cho khách hàng có tài khoản giao dịch tại ABS. Lãi suất cho vay 1,05%/tháng, thời hạn không quá 1 năm.
Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, việc các ngân hàng quốc doanh bật đèn xanh cho vay cầm cố chứng khoán sẽ tạo ra nguồn vốn dồi dào cho nhà đầu tư, vì hạn mức 3% trong tổng dư nợ của các ngân hàng quốc doanh rất lớn. Tuy nhiên, theo ông, trước khi quyết định đổ tiền vào bất kỳ loại cổ phiếu nào, nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ, bởi thị trường đi lên không có nghĩa cứ bỏ vốn đầu tư là có lời.
VnE
|