Cách ra quyết định trong tập đoàn
Cách ứng xử giữa tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) trong thời gian qua đã làm nổi lên vấn đề: quan hệ giữa các tập đoàn và công ty con như thế nào là đúng luật.
Cơ chế ra quyết định trong một tập đoàn
Tập đoàn không có tư cách pháp nhân! Điều 26 của Nghị định 139/2007/NĐ-CP đã nói như vậy. Vì sao lại thế?
Trước khi có một tập đoàn thì phải có một công ty. Chính công ty sinh ra tập đoàn. Tập đoàn hình thành do nhiều công ty gộp lại. Thoạt đầu có một công ty thứ nhất là A. Nó ăn nên làm ra và bỏ tiền lập ra một công ty thứ hai là B, thí dụ năm tỉ đồng. Tiền A bỏ ra tạo nên vốn điều lệ của B. Giả sử B có vốn là 10 tỉ đồng thì A chiếm 50% vốn của B; có sáu tỉ thì chiếm 60%.
Trong trường hợp sau, A là cổ đông có vốn lớn của B. Để phân biệt giữa hai công ty này, A được gọi là công ty mẹ, B là con. Đây là một cách gọi để chỉ mối liên hệ giữa A và B, đứng từ bên ngoài nhìn vào, chứ không phải là một khái niệm pháp lý ấn định tình trạng của cả hai. Tiếp tục, A có thể lập ra C, hay A và B cùng bỏ vốn lập ra C.
B cũng là một pháp nhân, giống như A. Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn, nó có hội đồng thành viên, ban giám đốc và hoạt động theo quy định của bản điều lệ; nếu là công ty cổ phần, nó có đại hội đồng cổ đông (HĐCĐ), hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc.
Hai tổ chức đầu là các trung tâm quyền lực của công ty cổ phần. Hai công ty A và B có các trung tâm quyền lực như nhau; nhưng ai bị kiện thì người ấy đứng ra trả lời. Mẹ không trả lời thay cho con và ngược lại. Tập đoàn có 10 công ty thì mỗi cái đều chịu trách nhiệm cho riêng mình. Không có công ty nào trong “tập đoàn” chịu trách nhiệm cho cả 10 công ty, hay cho một công ty khác; nên tập đoàn chỉ là một ngôn từ của marketing để gọi nhóm 10 công ty ấy, và nó không có tư cách pháp nhân.
Khi các công ty đều có các trung tâm quyền lực của chính nó thì về mặt pháp lý không có công ty nào là mẹ hay con, mà chỉ là một công ty nắm nhiều hay ít vốn trong công ty khác. Tương tự, mẹ không có quyền ra chỉ thị cho con, mà giao dịch giữa hai bên phải làm qua hợp đồng theo tinh thần “bình đẳng và cùng có lợi”. Vậy công ty mẹ đã bỏ tiền lập ra công ty con thì nó “lái” hay ra chỉ thị công ty con thế nào?
Cách “lái” hay ra chỉ thị cho công ty con (lấy trường hợp một công ty cổ phần) là mẹ phải thắng khi công ty con ra quyết định tại ĐHCĐ hay ở HĐQT, tùy thuộc thẩm quyền nơi nào được quyết định việc gì. Giả sử mẹ nắm 60% vốn của công ty con; vậy mẹ phải cử đại diện dự các phiên họp của ĐHCĐ của công ty con và biểu quyết theo số vốn góp.
Để thắng tại đây thì không khó lắm vì cứ việc tính theo số vốn góp. Tuy nhiên phải lưu ý điều này. Tùy theo bản điều lệ của công ty con, có những vấn đề đòi hỏi ĐHCĐ quyết định theo một đa số tương đối (51% trở lên) hay đa số tuyệt đối (75% trở lên).
Nếu con số biểu quyết là như thế mà công ty mẹ nắm 60% vốn ở công ty con thì họ sẽ thắng trong tất cả các vấn đề cần đa số tương đối; còn trong những vấn đề đòi đa số tuyệt đối thì đại diện của họ phải vận động thêm 15% số cổ đông nữa thì mới thắng. Như thế, thắng dễ hay khó thì tùy thuộc vào bản điều lệ. Bản ấy có thể quy định đa số tương đối là 51%, đa số tuyệt đối là 60%. Khi ấy công ty mẹ lúc nào cũng thắng khi ĐHCĐ của công ty con ra quyết định.
Đến đây phải phân biệt hai cách quyết định khác nhau trong một công ty. Trong ĐHCĐ, công ty mẹ quyết định theo số vốn mình nắm giữ và cử đại diện của mình làm việc đó. Thế nhưng trong HĐQT quyết định được lập theo sự chấp thuận của đa số thành viên dự họp.
Vậy để thắng tại HĐQT thì công ty mẹ phải có đủ người được bầu vào làm thành viên trong hội đồng kia để mình chiếm đa số. Giả sử, theo bản điều lệ, HĐQT có sáu thành viên; thì công ty mẹ phải thuyết phục các cổ đông trong ĐHCĐ bầu bốn người đại diện của họ vào HĐQT. Khi ấy HĐQT có ra quyết định gì thì công ty mẹ luôn luôn thắng.
Vậy công ty mẹ phải có người của mình ngồi trong các trung tâm quyền lực của công ty con và quyết định theo số cổ phần mình nắm hay đa số người mình có trong đó. Nói một cách khác theo ngôn từ ta thường dùng, cơ quan chủ quản ra lệnh cho công ty con (1) qua số vốn mình nắm và theo quyền biểu quyết đa số tương đối hay tuyệt đối trong ĐHCĐ của công ty con; và (2) có người đại diện của mình nắm đa số thành viên trong HĐQT. Cơ quan chủ quản nằm trong trung tâm quyền lực của công ty con. Mọi quyết định phải từ chính các trung tâm quyền lực của công ty đưa ra bất kể là mẹ hay con.
Khi các công ty bỏ vốn vào nhau thì chúng nối với nhau về mặt vốn liếng và quyền hành như thế. Về mặt pháp lý, trong tập đoàn không có công ty nào đứng trên công ty nào mà chỉ là công ty này nắm nhiều hay ít vốn của công ty kia.
Tập đoàn hóa trong doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước không phải là một cơ sở kinh doanh thuần túy như của tư nhân. Vốn của nó do Nhà nước bỏ vào; nó hoạt động theo chỉ thị của cơ quan chủ quản; và cơ quan này là người nắm vốn duy nhất.
Vậy nếu cơ quan chủ quản bảo nó: “Anh sáp nhập công ty A, B và C vào với anh đi. Đây là lệnh tôi ra cho anh và các công ty kia”. Nó làm và trở thành tập đoàn! Khi nhập với nhau theo lệnh như thế thì công ty mẹ không hề bỏ tiền vào vốn của công ty con, và đại diện của mẹ cũng không nằm trong trung tâm quyền lực của các công ty con. Vì thế nó nghĩ rằng nó có quyền từ bên ngoài, và ở trên, đối với công ty con.
Bây giờ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; tức là ông chủ duy nhất bán bớt vốn đi để cho các cổ đông khác tham dự vào. Cổ đông mới phải đấu giá để mua cổ phần bán ra. Công ty cổ phần hóa có thể có hai loại chủ. Người chủ thứ nhất và duy nhất là Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); người thứ hai và cũng duy nhất là công ty mẹ đã được giao vốn trong quá trình thành lập tổng công ty 90, 91.
Việc cổ phần hóa đối với các công ty mà SCIC là ông chủ lớn thì chỉ là ông chủ ấy bán bớt phần của mình đi, giữ lại một số nhất định và cử đại diện của mình vào các trung tâm quyền lực của các công ty con, rồi quyết định theo bản điều lệ công ty. Đối với ông chủ là tổng công ty thì có thể ông chủ đó (là công ty mẹ) đã làm xong thủ tục giao vốn cho công ty con. Nay các công ty con cổ phần hóa, ông chủ ấy bán bớt phần của mình cho các cổ đông khác rồi cử người vào các trung tâm quyền lực của công ty con.
Việc ra quyết định trong Công ty Đạm Phú Mỹ (ĐPM)
Công ty ĐPM là công ty cổ phần từ tháng 4-2007, các cổ đông của nó là PetroVietnam nắm 60%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nắm 5%, Ngân hàng ACB nắm 1%, các cổ đông khác nắm phần còn lại. Vậy PetroVietnam là cổ đông lớn trong ĐPM, họ có bao nhiêu thành viên trong Hội đồng quản trị của ĐPM thì không được biết.
PetroVietnam phải hành xử quyền của mình như là một cổ đông lớn nằm ở trong các trung tâm quyền lực của ĐPM, chứ không phải là cơ quan đứng bên ngoài và ở trên ĐPM. Điều này có nghĩa là đại diện của PetroVietnam yêu cầu triệu tập một phiên họp của ĐHCĐ hay HĐQT, tùy giá trị của khu đất và bản điều lệ của ĐPM, để quyết định việc chuyển nhượng khu đất.
Các trung tâm này ra nghị quyết buộc tổng giám đốc công ty phải thực hiện. Khi PetroVietnam nắm đa số vốn thì quyết định họ đưa ra sẽ được thực hiện theo cách đã nêu ở trên. Quyết định được thi hành không phải vì PetroVietnam là công mẹ mà là cổ đông lớn của ĐPM.
28 héc ta đất của ĐPM là một phần tài sản cố định của họ (như khai báo trong bản cáo bạch đã được kiểm toán xác nhận) chứ không phải của PetroVietnam. Khi cổ phần hóa, PetroVietnam đã chuyển giao đất này cho ĐPM. Trong công ty, tài sản cổ đông góp vào trở thành tài sản của công ty. Công ty dùng tài sản đó để trả nợ, nếu có, và nó không buộc cổ đông phải bỏ ra thêm.
Ông Chủ tịch PetroVietnam giải thích đại ý là “thực hiện quyền và trách nhiệm của công ty mẹ”, PetroVietnam yêu cầu người đại diện của mình tiến hành các bước theo quy định để ĐPM chuyển giao đất này cho các đơn vị khác trong tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thuần túy theo luật, tư cách “công ty mẹ” của PetroVietnam là không có. Đối với chiến lược của tập đoàn, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất là cần thiết; nhưng để cho các công ty con thực hiện thì đại diện của PetroVietnam tại ĐPM phải họp ĐHCĐ hay HĐQT để ra quyết định. Hơn nữa nói là chuyển giao thì các trung tâm kia cũng phải tính đến tiền vì khi giao đất đi thì vốn điều lệ bị tụt xuống, dẫu có nhận được tiền thuê hàng tháng.
Hơn nữa đại diện của PetroVietnam tại công ty con sẽ nhận đất cũng phải ra quyết định như cách làm ở ĐPM để công ty này nhận đất của ĐPM. Hình như vị tổng giám đốc của công ty được giao đất tuyên bố không nhận đất. Ông ấy chỉ tuyên bố như vậy được sau khi đã có quyết định của các trung tâm quyền lực của công ty ấy.
Nếu lời tuyên bố đó đúng thì PetroVietnam trong tư cách là cổ đông ở đó đã không tác động gì. Tóm lại, PetroVietnam phải tác động vào các công ty con khác nhau trong tư cách là một cổ đông lớn trong các công ty con, chứ không phải là công ty mẹ để “chỉ” từ trên xuống, mà lại “chỉ” cho có mỗi một bên, bảo giao đi. Ai sẽ nhận?
TBKTSG
|