Thứ Ba, 18/09/2007 15:03

Phát hành CP ra công chúng: Cần tiêu chí phù hợp

Việc áp dụng phương thức đấu giá cổ phiếu (CP) khi phát hành ra công chúng đã xóa bỏ tiêu cực trong việc mua cổ phần và tránh thất thoát tài sản doanh nghiệp (DN) so với hình thức cổ phần không thông qua đấu giá. Tuy nhiên qua một thời gian dài áp dụng, nhiều DN đã tìm cách tránh né hình thức phát hành này.

Thiệt cho người lao động

Dễ nhận thấy nhất là sự thiếu công bằng trong việc áp dụng tỷ lệ quyền mua CP đối với nhân viên của DN. Đa số DN dùng thâm niên để xác định số lượng cổ phần được mua ưu đãi đối với CBNV. Do vậy đã xảy ra những nghịch lý như trưởng bộ phận vào làm mới 2 năm được mua cổ phần ít hơn nhân viên bảo vệ làm việc 15 năm. Hay như Vietcombank sẽ chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược trước khi IPO ra công chúng - một cách làm khác với công thức IPO trước đây - cho thấy sự bất cập khi phát hành CP.

Song điều đáng ngại lại nằm ở sự “ưu đãi”. Hiện nay thường các DN cổ phần hóa phát hành CP cho CBNV ở mức giá bằng 60% giá đấu thắng bình quân. Trên lý thuyết thì đây là “món quà” dành cho người lao động, nhưng thực tế người lao động thường phải chấp nhận may rủi đối với món quà trên. Chẳng hạn ở giai đoạn thị trường lên cơn sốt cuối 2006 sang đầu 2007, giá đấu thắng bình quân của một số đơn vị như Bảo hiểm Dầu khí, Cao su Đồng Phú… đều cao ngất ngưởng so với giá khởi điểm, nên đã đẩy đa phần CBNV DN được cổ phần hóa vào tình thế phải bán lúa non, do khó ai có đủ khả năng tài chính để kham nổi phần CP được mua. Song khi thị trường đổi chiều trong thời gian qua, việc phải đấu giá lại lần hai xảy ra phổ biến và giá đấu thắng đa phần nằm sát giá khởi điểm. Tưởng chừng sự khó khăn trong phát hành ra công chúng sẽ giúp CBNV  dễ dàng mua được cổ phần theo quyền, nhưng thực tế lại không ít khó khăn xảy ra. Đó là việc hơn ba tháng mới hoàn thành việc IPO của Bảo hiểm Bảo Việt, hay tình trạng chậm lên sàn sau khi đấu giá của một số DN đã làm cho CBNV “ngậm” CP do tính thanh khoản thấp nên càng làm nặng thêm gánh nặng tài chính.

Khó cho doanh nghiệp

Hầu hết các DN cổ phần dễ dàng chọn hình thức phát hành CP ra công chúng như phát hành riêng lẻ mà không cần tổ chức đấu giá - để có thể tránh được những “tổn thất” trong giai đoạn thị trường suy giảm. Nhưng đối với DN nhà nước cổ phần hóa gần như chỉ có một công thức là đấu giá để tiến hành IPO. Do vậy DN cổ phần hóa gần như không linh hoạt khi dựa vào tình hình thị trường để xem xét lượng CP đưa ra đấu giá, mà ấn định hẳn lượng chào bán trong đề án CP của mình, nên vô tình tạo một lượng cung quá lớn. Do vậy nguy cơ thất bại là đều khó tránh. Thể hiện khá rõ qua phiên đấu giá của một số DN gần đầy, nhất là trong đợt đấu giá TCT Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE).

Trước tình hình trên một số DN muốn thay đổi chiến thuật bằng hình thức chào bán CP riêng lẻ. Nhưng hình thức phát hành này không dễ dàng thực hiện do dễ xảy ra tiêu cực khi tiêu chí lựa chọn đối tác thường chung chung, thiếu công khai, chỉ phù hợp với lượng CP bán không nhiều. Chính những khuyết điểm trên đã gây không ít phản ứng của cổ đông hiện hữu trước các phi vụ chào bán riêng lẻ. Những khuất tất đã xảy ra nên không gì lạ khi UBCKNN vừa tiến hành lấy ý kiến để bổ sung Thông tư 18/2007/TT-BTC, nhằm tăng cường kiểm soát phát hành CP riêng lẻ tránh lợi dụng phát hành CP cho đối tác chiến lược ở giá rẻ gây ảnh hưởng quyền lợi cổ đông. Quay lại kế hoạch IPO của Vietcombank, họ đã có những thay đổi về cách phát hành so với những dự định ban đầu để phù hợp với tình hình thị trường. Điều này cho thấy cần một công thức uyển chuyển hơn trong việc phát hành CP ra công chúng, nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DN lớn.

SGGP

Các tin tức khác

>   “Cửa” ngân hàng lại vui? (18/09/2007)

>   Hàng hải “gọi” 3,5 tỷ USD (18/09/2007)

>   “HSBC sẽ nắm giữ cổ phần Bảo Việt ít nhất 5 năm” (18/09/2007)

>   Tái cơ cấu tài chính, cứu doanh nghiệp mía đường (18/09/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng đang có giá hấp dẫn (18/09/2007)

>   VAFI lên tiếng vụ Đạm Phú Mỹ (18/09/2007)

>   Quy luật sinh lời: “Nhòm” giá (18/09/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Công ty Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (17/09/2007)

>   Bảo Việt và TongYang trở thành đối tác của SSG (17/09/2007)

>   BCCI sẽ tăng vốn lên 540 tỷ đồng (17/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật