“Cửa” ngân hàng lại vui?
Có thể nói, đến giai đoạn này, việc phát hành cổ phiếu huy động vốn của DN niêm yết đang ngày càng khó khăn và không dễ dàng thành công như thời điểm TTCK thăng hoa trước đây. Giá cổ phiếu đang ngày một loãng dần khiến nhà đầu tư ngao ngán, DN lo ngại. Trước tình hình thị trường sụt giảm như hiện nay, nhiều DN đành phải ngưng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, trong khi vẫn rất cần vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, vào thời kỳ từ giữa năm 2006 đến hết quý I/2007, hầu hết ngân hàng TMCP đều lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2007 và được ĐHCĐ thông qua. Thế nhưng, đến thời điểm này, số lượng ngân hàng thực hiện kế hoạch trên là rất ít. Nguyên nhân chính là giá cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm mạnh, có trường hợp mất hơn 50% so với đầu năm 2007 khiến nhiều nhà băng phải tạm ngưng hoặc kéo dài việc phát hành cổ phiếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính - chứng khoán, có khả năng một làn sóng công ty niêm yết quay trở lại ngân hàng để mượn vốn, thay vì phát hành thêm cổ phiếu như trước. Liệu xu hướng này có thể xảy ra và các ngân hàng có đáp ứng đủ lượng cầu đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, DN có nhu cầu phát triển quy mô hoạt động thì nên phát hành cổ phiếu nhưng không phải vì thế mà việc vay vốn ngân hàng của DN lại chấm dứt. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu vốn của DN sẽ tăng cao để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Nguồn vốn huy động thông qua TTCK không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh, do vậy DN phải vay mượn thêm vốn của ngân hàng. “DN phát hành cổ phiếu để huy động nguồn vốn đầu tư dài hạn, còn vay mượn ngân hàng với mục tiêu bổ sung vốn lưu động”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc phát hành cổ phiếu của DN niêm yết trong thời gian qua đã lạm dụng sự tăng trưởng đột biến của TTCK, một số DN huy động vốn trong khi chưa có kế hoạch sử dụng đồng vốn như thế nào để đạt được hiệu quả cao. Thực tế, các DN, trong đó có cả hệ thống ngân hàng cổ phần đã ồ ạt phát hành cổ phiếu vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Điều này đã giúp DN thu về một lượng vốn lớn, trong đó một phần vốn được gửi vào nhà băng vì chưa có kế hoạch sử dụng.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), ông Đặng Văn Thành cho rằng, không phải lúc nào DN niêm yết phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng thành công vì phát hành quá nhiều khiến giá cổ phiếu loãng, sẽ khó thu hút được nhà đầu tư. Chính vì vậy, để thành công và đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, xu hướng thời gian tới của DN là phát hành trái phiếu. Đây cũng được xem là một trong những công cụ hấp dẫn nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hết.
Theo ông Thành, nền kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường vốn. Việc huy động vốn để đầu tư, mở rộng mạng lưới sản xuất, kinh doanh của DN không chỉ dựa vào vốn ngân hàng. Vả lại, để có được nguồn vốn lớn, đầu tư cho việc mở rộng quy mô hoạt động lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, DN khó có thể thế chấp tài sản. Ngược lại, ngân hàng cũng không thể tồn tại với chức năng như một tiệm cầm đồ quy mô. Lúc này, các ngân hàng phải thực hiện được chức năng đánh giá tính khả thi của dự án để bảo lãnh và phát hành trái phiếu cho DN.
Đồng quan điểm trên, ông Thanh cho hay, trong tương lai DN sẽ có nhiều kênh huy động vốn hơn so với hiện nay. Ngoài kênh vay mượn ngân hàng, phát hành cổ phiếu, DN có thể phát hành trái phiếu, kỳ phiếu ghi nợ… Theo ông Thanh, nền kinh tế phát triển, thị trường vốn dần đi vào ổn định, việc phát hành cổ phiếu chưa hẳn đã mang lại hiệu quả cao do áp lực cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Thêm vào đó, lãi vay vốn ngân hàng thường cố định, trong khi cổ tức luôn được điều chỉnh theo mức lợi nhuận thực tế của công ty. Mặt khác, khi TTCK ổn định, việc đầu tư vào cổ phiếu không dễ dàng thu được lợi nhuận như trước, nhà đầu tư sẽ tính toán lại việc đầu tư vào cổ phiếu hay gửi tiền tiết kiệm. “Nếu lãi suất tiết kiệm ngân hàng và đầu tư vào cổ phiếu là tương đương, chắc chắn nhà đầu tư sẽ chọn kênh ngân hàng vì đảm bảo được an toàn vốn và hạn chế tối đa rủi ro”, ông Thanh nhấn mạnh.
ĐTCK
|