Nhà đầu tư trước một trận đánh lớn
Với chỉ số lạc quan rất cao, TTCK đầu tuần đã có một cú bật mạnh mẽ. Trong hai phiên đầu tuần, người ta nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng về lượng (giá trị giao dịch mỗi ngày qua Sở GDCK tăng 50%) và chất (mặt bằng giá trung bình tăng đến 3,55%). Làn sóng nhà đầu tư ồ ạt quay lại thị trường là một điều dễ giải thích. Mục tiêu VN-Index 1.150 điểm hay 1.200 điểm không phải là khó tưởng tượng. Tuy nhiên, bài viết này muốn đề cập đến mặt bên kia của sự tăng trưởng: những thách thức đặt ra với các nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn cuối năm.
Bối cảnh thị trường năm 2007 được đặt trên thành quả tăng trưởng vượt bậc của hai năm trước đó. Nghĩa là khi buộc phải xuất phát tại một điểm đã rất cao, có thể nhìn thấy trên đồ thị VN-Index với giá trị cực đại đạt được vào tháng 3/2007. Không nhiều nhà đầu tư cá nhân tự hỏi rằng, tại sao các tổ chức đầu tư nước ngoài không tỏ ra chán nản hay thất vọng về việc VN-Index suy giảm trong 6 tháng qua, ngược lại rất bình thản trước việc giá cổ phiếu giảm và thích thú chờ đợi các khoản đầu tư tốt đang được bán giá phải chăng. Trong tháng 9 vừa qua, áp lực giải ngân đã khiến nhiều quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng lượng mua, nhưng đến nay vẫn chưa thể khẳng định rằng, các tổ chức còn lại đã chấp nhận mua cổ phiếu niêm yết hay tiếp tục chờ cơ hội. Nghĩa là, khả năng thiếu hụt lượng cầu từ các nhà đầu tư ngoại trong giai đoạn ngắn vẫn có khả năng xảy ra.
Kinh nghiệm trong 6 tháng điều chỉnh của thị trường vừa qua cho thấy, những nhà đầu tư có khả tài chính và có kế hoạch trong trung và dài hạn thiệt hại rất ít, trong khi các nhà đầu tư ngắn hạn phải chấp nhận bán lỗ để trả nợ cho ngân hàng. Hiện nay, VN-Index đang ở ngưỡng trên 1.000 điểm, trong khi mức kỳ vọng của số đông đối với chỉ số VN-Index vào cuối năm 2007 là 950 - 1.200 điểm; nghĩa là nhà đầu tư đang cách xa mức VN-Index dự báo, khoảng 15% hay lợi nhuận kỳ vọng có thể là 15%. Vấn đề là hôm nay thị trường lạc quan nên mục tiêu 15% có vẻ dễ đạt được, nhưng nhà đầu tư cần chuẩn bị tinh thần cho việc VN-Index có thể mất 6 tháng, thay vì 3 tháng để đạt được sự tăng trưởng 15%. Theo ghi nhận của phóng viên ĐTCK, phần lớn nhà đầu tư có kinh nghiệm hiện không muốn gia tăng các khoản vay để đổ vào chứng khoán. Do đó, lựa chọn sử dụng bao nhiêu phần trăm vốn vay trong giai đoạn cuối năm là điều cần cân nhắc kỹ.
Theo những kịch bản thị trường hiện nay, lợi nhuận giai đoạn cuối năm 2007 mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng khi tham gia TTCK vào thời điểm hiện nay có thể là 15% (như thành tích của VN-Index), 30% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, khi thị trường đạt đến mức tăng trưởng khoảng 20%, những vấn đề mà các tổ chức đầu tư đã từng lo ngại trong giai đoạn đầu năm có thể lặp lại và ảnh hưởng đến thị trường như mặt bằng P/E có quá cao hay không? Công ty niêm yết có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng hay không? Lượng cổ phiếu IPO có quá lớn và ảnh hưởng đến mặt bằng giá cổ phiếu niêm yết hay không? Nghĩa là, sức hút của TTCK cuối năm 2007 có khả năng lép vế so với thị trường bất động sản đang sôi sục tại TP. HCM và tăng nhiệt tại Hà Nội.
Khả năng VN-Index quay về mức dưới 900 điểm đang có xác suất thấp hơn, nhưng không có nghĩa là không có khả năng xảy ra. Một trong những điều kiện tạo nên hiệu ứng tâm lý tích cực cần thiết cho thị trường cuối năm là việc số lượng nhà đầu tư mới tham gia trong vòng 1 năm qua chiếm khoảng 70% số tài khoản được mở, đang có giá trị đầu tư âm khoảng 20 - 30%. Trong trường hợp VN-Index chỉ đứng yên quanh mức 1.000 điểm trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý khả năng thị trường OTC tiếp tục đóng băng, khiến các khoản đầu tư vào cổ phiếu OTC kém thanh khoản chưa thể thu hồi được ngay. Cuối năm 2007 cũng là thời hạn mà Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán sẽ thực sự trở thành gánh nặng của các nhà đầu tư, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bảo lưu quan điểm: “Chẳng lẽ mới áp dụng lại thay đổi”.
Cuối cùng, sự trưởng thành cần thiết của nhà đầu tư cũng bao gồm việc nhận thức và bình tĩnh trước những nguồn lực dấu mặt. Trong nhiều tháng qua, nhà đầu tư trong nước nhiều phen khốn khổ vì các báo cáo bi quan của tổ chức nước ngoài, mặc dù thực tế tốt đẹp là cơ hội tại Việt Nam lại không dễ bỏ qua đối với số đông tổ chức còn lại. Ở một câu chuyện khác, bên cạnh các cổ phiếu blue-chip đồng loạt chịu ảnh hưởng chung của giai đoạn điều chỉnh thì vẫn có nhiều cổ phiếu “hiếm”, cổ phiếu “lạ” tăng giá một cách bất thường và những DN công bố thông tin hơi quá so với thực tế. Về cơ bản, cơ hội của TTCK cuối năm khó chia đều cho tất cả các cổ phiếu và tất nhiên, sự chọn lựa cẩn trọng và đúng đắn là rất cần thiết. Trước mắt, nhà đầu tư cần phải chờ đến trung tuần tháng 10 để kiểm chứng những dự báo lạc quan của các công ty niêm yết.
ĐTCK
|