Nhà đầu tư lẻ bắt được mạch chứng khoán
Thị trường chứng khoán sôi động Việt Nam đã có sự điều chỉnh cần thiết. Các nhà đầu tư lẻ đã bắt được mạch khi thị trường đang dần hình thành một văn hóa chứng khoán. Đó là nhận định của cây bút Darrell Delamaide trên tờ Wall Street Journal, Mỹ, ra ngày 24/9.
Thị trường chứng khoán sôi sục của Việt Nam đã dịu bớt phần nào trong mùa hè này. Tình trạng giảm giá đã cho đại đa số nhà đầu tư lẻ thấy giá cả chứng khoán có lên thì cũng có xuống, đúng như mong đợi của các chuyên gia tài chính.
Ngay cả trước khi thị trường chứng khoán quốc tế lắng xuống hồi tháng 8 giữa sự sụp đổ của cơn khủng hoảng thế chấp tại Mỹ, các sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam tại TP HCM và Hà Nội đã sụt giá, giảm 8% hồi tháng 6 và 11,3% vào tháng 7. Chỉ số Vn-Index, từng đạt tốc độ 144% vào năm 2006, sau đợt giảm giá mùa hè qua, đã tăng trở lại với con số khiêm tốn hơn 21% vào tháng 8.
Hồi đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo Chính phủ Việt Nam rằng thị trường chứng khoán đã phát triển quá nóng - 20 công ty đứng đầu, chiếm 99% thị trường vốn, đạt tỷ lệ giá thu nhập trên cổ phần là 73, báo hiệu một thị trường đầu cơ lớn. Cơ quan này cũng cảnh báo, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể đánh mạnh vào các ngân hàng nội địa và dẫn đến việc vốn nước ngoài tràn ra, làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt của đất nước.
Việt Nam đã bắt được mạch của thị trường chứng khoán trong hai năm qua, với hàng chục nghìn nhà đầu tư tham gia giao dịch thị trường chứng khoán và có lẽ hơn hàng trăm nghìn giao dịch qua Internet. Những giao dịch kiểu cá nhân như vậy gần giống cách người ta bán hàng trên mạng eBay hoặc Craigslist tại Mỹ. Mặc dù gọi là chợ đen nhưng thị trường OTC cũng tương đối nhiều màu sắc, với việc cổ phần giao dịch bằng tiền mặt tại các hàng trà nhắc lại hình ảnh về các quán cà phê sản sinh ra thị trường chứng khoán châu Âu.
Xây dựng văn hóa thị trường chứng khoán
Việt Nam đang phải cắt giảm số lượng các công ty nhà nước, sau đó cổ phần hóa (chuyển sang dạng công ty cổ phần) và tái cơ cấu. Kế hoạch này của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của nhiều định chế tài chính nước ngoài, từ Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế đến các doanh nghiệp tư nhân bao gồm các ngân hàng đầu tư và công ty kế toán quốc tế...
Khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ hồi tháng 6, đại diện thị trường chứng khoán TP HCM và thị trường chứng khoán New York đã ký bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho thị trường chứng khoán đang phát triển của Việt Nam, hỗ trợ đào tạo, chia sẻ thông tin, và chia sẻ chuyên môn trong việc giám sát thị trường. Nasdaq đang tiến tới thỏa thuận hợp tác với thị trường chứng khoán Hà Nội.
Việc thị trường dịu xuống, cùng với sự bất ổn định của thị trường toàn cầu, tạm thời đẩy các IPO trùng xuống. Bảo Việt, công ty bảo hiểm Nhà nước sắp vươn lên hàng thượng hạng của thị trường chứng khoán, đã hứng chịu phản ứng lạnh nhạt trước kế hoạch IPO hồi tháng 5 và một phiên đấu giá lần thứ hai không thành công. Phiên đấu giá 6 triệu cổ phần Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Sông Đà hồi tháng 8 thì có đến 5 triệu cổ phần chưa bán được.
Các công ty khác đã trì hoãn hoặc hủy kế hoạch bán cổ phần của mình. Vietcombank đã không hoàn thành hạn chót kế hoạch IPO của mình hồi tháng 8 và thời gian có thể hoãn tới đợt IPO lớn khác, như của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Công ty dịch vụ viễn thông Mobifone.
Nhưng triển vọng về lâu dài vẫn còn, bằng chứng là việc tham gia của các ngân hàng Mỹ. Morgan Stanley đã quyết định phát động công ty chứng khoán liên danh trong quý IV trong khi Goldman Sachs và Merrill Lynch đã đệ trình đơn thành lập liên danh với các đối tác Việt Nam.
VnE
|